Là hộ trồng dâu, nuôi tằm đã hơn chục năm, hiện gia đình ông Cao Tiến Xuân ở thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp có hơn 2 mẫu cây dâu tằm. Nhờ có kỹ thuật, năm 2023, nhà ông nuôi 12 lứa tằm đạt 5 tạ kén, thu về gần 100 triệu đồng. Ông Xuân chia sẻ: "Được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, chúng tôi đã có kiến thức để giữ tuổi thọ của cây dâu, diện tích dâu trồng đã hơn chục năm nay vẫn cho hiệu quả tốt. Năm nay gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích dâu để tăng thu nhập”.
Hiện, toàn xã Báo Đáp có trên 160 ha dâu với hàng trăm hộ tham gia; các hộ nuôi tằm đều áp dụng né gỗ vuông thay cho né tre.
Ông Trần Đức Tiến - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp cho biết: "Trồng dâu nuôi tằm đang là trọng tâm phát triển kinh tế của xã. Vì vậy, năm 2024, xã phấn đấu mở rộng diện tích dâu lên 16,5ha. Ngay trong vụ xuân vừa qua, xã đã trồng gần đạt mục tiêu này”.
Khác với Báo Đáp, xã Vân Hội mới tham gia chương trình trồng dâu nuôi tằm từ đầu tháng 10/2023 với 4 hộ tham gia, trồng được 1 ha dâu. Đến nay, xã đã nâng diện tích lên 2,4 ha và có 13 hộ tham gia. Vân Hội cũng đã xây dựng 3 nhà tằm đảm bảo cung cấp tằm giống cho người dân. Đầu tháng 4 vừa qua, các hộ bắt đầu nhận tằm giống và nuôi lứa đầu tiên. Xã cũng đã thành lập 1 THT và liên kết với HTX Hạnh Lê, xã Việt Thành thực hiện dự án liên kết chuỗi giá trị để hỗ trợ chính sách cho các hộ trồng dâu, nuôi tằm theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.
Phát triển vùng dâu tằm, ngay từ đầu năm 2024, huyện Trấn Yên đã tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân mở rộng diện tích dâu với giống mới S7. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng phổ biến kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm mới cho bà con, như: ươm cây con, hom cành, chăm sóc tằm con, tằm lớn trên khay trượt và nuôi tằm trong nhà lạnh…
Cùng đó, huyện cũng tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh đợt 1, năm 2024 với 4 dự án trồng dâu nuôi tằm liên kết theo chuỗi giá trị được triển khai tại các HTX dâu tằm: Hưng Thịnh, Hạnh Lê, Nông nghiệp Hồng Ca và Minh Quân. Nhờ đó, chỉ trong 3 tháng đầu năm, toàn huyện đã trồng mới được gần 90 ha dâu tằm, nâng tổng diện tích lên 999 ha.
Hiện, huyện đã có trên 1.553 hộ trồng dâu, nuôi tằm, thuộc 15 xã, thị trấn với 15 HTX và 98 THT đang hoạt động lĩnh vực này. Toàn huyện có 25 cơ sở nuôi tằm con tập trung và có 1.377 hộ có nhà nuôi tằm lớn. Sản lượng kén tằm thu trong 3 tháng đầu năm đạt 215,8 tấn, giá kén loại A dao động từ 150 -210.000 đồng/kg cho tổng giá trị thu ước đạt trên 35 tỷ đồng. Nhiều xã phát triển nhanh diện tích trồng mới như: Báo Đáp 16,5 ha, Minh Quân 14,5 ha, Y Can 14,3 ha, Hồng Ca 8,5 ha…
Ông Nguyễn Quốc Toản - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển trồng dâu, nuôi tằm huyện Trấn Yên cho biết: "Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả của chuỗi liên kết giá trị trong trồng dâu, nuôi tằm, chế biến kém tằm, ươm tơ; thúc đẩy sự liên kết của các HTX trồng dâu, cung ứng giống tằm tốt, thu mua kén tằm; chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ, những địa phương mới bắt đầu tham gia Chương trình trồng dâu nuôi tằm.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục phối hợp, khẳng định vai trò của Nhà máy ươm tơ - Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái trong việc thu mua với giá kén ổn định, chi trả tiền thu mua kén tằm kịp thời và đầy đủ cho nhân dân; cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn việc thu hoạch kén tằm đáp ứng yêu cầu của Nhà máy... Đồng thời, huyện cũng luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ dâu tằm, kén tằm để đa dạng hóa sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất và phát triển bền vững. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống của người trồng dâu nuôi tằm".
Minh Huyền