Lê Đài Loan tại Mù Cang Chải vào liên kết chuỗi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/5/2024 | 7:38:46 AM

YênBái - Với một vài héc ta trồng thử nghiệm, giống lê Đài Loan đã chứng tỏ nhiều ưu điểm khi trồng trên đất Mù Cang Chải như: thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ canh tác của nhân dân, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, được giá… Bởi vậy, giống lê này được huyện xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách để nhân rộng và đã đưa vào chuỗi liên kết.

Người dân xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải kiểm tra chất lượng lê Đài Loan trước khi thu hoạch.
Người dân xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải kiểm tra chất lượng lê Đài Loan trước khi thu hoạch.

Từ những năm 2011, giống lê Đài Loan đã được trồng tại 2 xã Dế Xu Phình, Púng Luông từ một dự án nghiên cứu khoa học nhưng chỉ với diện tích 2 ha. Phải đến năm 2019-2020, khi giống lê này được tiêu thụ ổn định, cung không đủ cầu, một vài hộ dân mới mạnh dạn đầu tư phát triển. Anh Mùa A Mạnh ở bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông là một trong số đó. Hiện, anh Mạnh đã có gần 3 ha trồng giống lê Đài Loan, trong đó có 0,6 ha hơn 10 năm tuổi, 2 ha 4 năm tuổi, mới được thu hoạch vụ bói từ năm ngoái. 

Anh Mạnh chia sẻ: "Khi lập gia đình, tôi được bố mẹ cho 0,6 ha lê Đài Loan đã trồng được 7-8 năm tuổi, cây to và đã cho thu hoạch khá. Thấy giống lê này hợp đất, hợp khí hậu, dễ bán lại được giá nên tôi đã tự đầu tư, mua thêm cây giống để mở rộng diện tích thêm 2 ha nữa. Tôi cũng thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn của địa phương, được cán bộ nông nghiệp tận tình hướng dẫn kỹ thuật nên việc trồng và chăm sóc không gặp nhiều khó khăn. Năm ngoái, 2 ha lê trồng mới được thu quả bói, sản lượng đạt tới 3 tấn quả, giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Sản phẩm có bao nhiêu đều bán được hết, đã giúp gia đình thu về hơn 70 triệu đồng. Năm nay, tôi thấy cây sinh trưởng phát triển tốt hơn, quả nhiều hơn, dự kiến phải thu được 5-6 tấn. Chỉ độ tháng nữa là bắt đầu được thu rồi. Gia đình mừng lắm!”. 

Có thể thấy, giống lê Đài Loan đã và đang ngày càng khẳng định là giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất ở địa bàn vùng cao. Người dân nơi đây cũng mong muốn huyện có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân về chi phí cây giống ban đầu.

Đáp ứng mong mỏi của người dân, huyện Mù Cang Chải đã tận dụng nguồn vốn từ các dự án, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh để khuyến khích, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) xây dựng các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm lê Đài Loan, từ đó, hỗ trợ đồng bào nhân rộng giống lê đầy tiềm năng này. 

Nhờ đó, ở các xã Púng Luông, Nậm Khắt, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn đã hình thành được các chuỗi liên kết. Trong đó, chuỗi liên kết do Công ty cổ phần Giống rau hoa quả trung ương (tỉnh Hưng Yên) làm chủ dự án đã hỗ trợ cây giống cùng vật tư phân bón cho người dân trồng được 84,1 ha; chuỗi liên kết do 3 hợp tác xã (HTX): Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông, Nông nghiệp Nhà Páo Ly và HTX Du lịch Đồi mâm xôi La Pán Tẩn làm chủ đầu tư đã hỗ trợ cây giống, người dân trồng được 85,65 ha. Tỷ lệ sống đều đạt trên 90%. 

Anh Hảng A Lồng - người dân xã La Pán Tẩn cho biết: "Ngoài được hỗ trợ cây giống, tham gia vào chuỗi liên kết, chúng tôi còn được hướng dẫn tất cả các tiến bộ kỹ thuật từ khâu thiết kế vườn trồng tới chăm sóc, làm cỏ, bón phân, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh… theo hướng VietGAP, an toàn; được định kỳ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật; được cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, tư vấn biện pháp khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ diện tích lê theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Tôi cũng nghe lãnh đạo địa phương bảo chúng tôi còn được ký biên bản ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm nữa. Vậy là yên tâm sản xuất, chả cần lo nghĩ gì nữa!”. 

Được biết, Công ty cổ phần Giống rau hoa quả trung ương đã cam kết thu mua sản phẩm lê khi được thu hoạch, đạt tiêu chuẩn với giá bảo hiểm thấp nhất là 8.000 đồng/kg. Trường hợp giá thị trường tại thời điểm cao hơn giá bảo hiểm thì thực hiện thu mua theo giá thị trường. 

Những lợi ích mang lại cho người dân Mù Cang Chải khi lê vào chuỗi liên kết đã rất rõ ràng. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của đồng bào mà còn là động lực để người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Hoài Anh

Tags Lê Đài Loan liên kết chuỗi Yên Bái Mù Cang Chải giảm nghèo VietGAP

Các tin khác
Một điểm bán xăng của Petrolimex tại Hà Nội.

Từ 15 giờ ngày 23/5, giá xăng E5 RON92 tăng 162 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 78 đồng/lít và dầu mazut tăng 95 đồng/kg. Ngược lại, mặt hàng dầu diesel giảm 36 đồng/lít; dầu hỏa giảm 6 đồng/lít.

Ảnh minh họa.

Sáng nay 23/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đấu thầu vàng miếng. Đây là phiên đấu thầu vàng thứ 9 trong năm nay.

Ông Lưu Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên.

Năm 2024, huyện Văn Yên được tỉnh giao chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 383,5 tỷ đồng. Nghị quyết HĐND huyện phấn đấu thu 385 tỷ đồng. Trong đó: thu cân đối 195 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất 190 tỷ đồng.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường. Ảnh minh hoạ

Ngày 22/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 17/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục