Doanh nghiệp "tự tung tự tác” với quỹ bình ổn giá xăng dầu
Từ năm 2007, Chính phủ quyết định điều hành giá bán lẻ xăng dầu trên cơ sở giá thị trường. Ðến đầu năm 2008, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng đề án thành lập quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG). Như tên gọi, quỹ bình ổn giá được kỳ vọng sẽ góp phần bình ổn mặt bằng giá xăng dầu, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định tăng trưởng và an sinh xã hội.
Ðể hướng dẫn thực hiện việc trích lập quỹ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 234/2009/TT-BCT hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NÐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, từ ngày 15-12-2009, khi mua xăng dầu, người tiêu dùng phải góp thêm 300 đồng/lít (kg) vào quỹ. Mức trích lập chỉ được Bộ Tài chính điều chỉnh trong trường hợp cần thiết khi có biến động của thị trường. Thông tư 234 quy định việc trích lập, sử dụng, hạch toán, quyết toán quỹ do doanh nghiệp đầu mối thực hiện.
Trích lập quỹ bình ổn giá và chỉ sử dụng quỹ bình ổn giá cho mục đích ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu trong nước theo quy định của pháp luật. Quỹ bình ổn giá được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hạch toán riêng bằng một tài khoản mở tại ngân hàng nơi thương nhân đầu mối có giao dịch. Thương nhân đầu mối là chủ tài khoản, thực hiện các thủ tục liên quan để mở tài khoản, trích lập, thực hiện các nghiệp vụ thu, chi từ tài khoản quỹ bình ổn giá; đồng thời, có trách nhiệm công bố thông tin theo quy định tại Khoản 3 Điều 39 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập quỹ bình ổn giá cho phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo bằng văn bản để các thương nhân đầu mối thực hiện.
Theo quy định, các thương nhân đầu mối đã thực hiện việc trích lập quỹ bình ổn giá theo quy định thì được sử dụng một lần duy nhất quỹ bình ổn giá để thực hiện mục tiêu bình ổn giá xăng, dầu theo quy định của liên Bộ Công Thương - Tài chính; Không sử dụng quỹ bình ổn giá để cấp vốn kinh doanh hoặc sử dụng khác mục đích của quỹ bình ổn giá cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu. Việc sử dụng quỹ bình ổn giá hỗ trợ không hoàn lại một phần hoặc hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giá phát sinh của giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành từ 3% trở lên khi các thương nhân đầu mối phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá theo chỉ đạo của liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, hiện có nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết của quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong đó, cơ quan Nhà nước cho rằng nên duy trì quỹ, còn doanh nghiệp, người tiêu dùng thì ủng hộ quan điểm bỏ quỹ. "Thực tế cho thấy, có những lúc quỹ hoạt động thiếu minh bạch đã tạo kẽ hở để một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường.
"Quỹ bình ổn giá xăng dầu nằm trong tay doanh nghiệp, có những trường hợp "tự tung tự tác”, muốn làm gì thì làm. Thậm chí, kẹt tiền thì rút quỹ ra dùng, những vụ án liên quan đến sai phạm trong sử dụng quỹ thời gian vừa qua cho thấy rõ điều đó”- chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.
Theo ông Ngô Trí Long, ở góc độ doanh nghiệp xăng dầu, quỹ bình ổn giá không phát huy hiệu quả phòng ngừa rủi ro về giá trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, sử dụng, quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu cơ quan chức năng có những lúc có hiện tượng để cho quỹ âm ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp. Do vậy, để phòng ngừa rủi ro về giá trong kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp không thể trông chờ, có tâm lý ỷ lại vào quỹ bình ổn giá xăng dầu, mà phải sử dụng các phương thức công cụ khác, thuế...
Nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới, về lâu dài cần nghiên cứu để bỏ quỹ này.
Nêu căn cứ pháp lý của đề xuất này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, việc bỏ quỹ bình ổn giá đối với xăng dầu không vi phạm quy định tại Luật Giá năm 2012, cũng như Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024). Luật Giá cũng chỉ quy định về quỹ bình ổn giá nói chung, không đề cập trực tiếp đến quỹ bình ổn giá đối với xăng dầu. Theo quy định hiện hành, Chính phủ sẽ quyết định việc lập quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá (được quy định cụ thể tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu).
Về thực tiễn, ông Ngô Trí Long đánh giá, bỏ quỹ vào thời điểm này là có cơ sở vì nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay thì mức độ biến động giá giữa các 2 lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn. Chu kỳ điều hành giá được điều chỉnh xuống 7 ngày đã làm giảm được mức biến động, việc điều hành giá chủ động, linh hoạt hơn theo giá thế giới. Qua theo dõi cho thấy tâm lý của người tiêu dùng đã thích ứng được với việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước theo biến động giá thế giới. Bên cạnh đó, việc bỏ quỹ cũng giúp giảm thiểu các rủi ro, bất cập trong việc quản lý quỹ như thời gian qua.
Mặt khác, theo quy định tại Luật Giá năm 2023 để bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ thì ngoài công cụ quỹ, còn có các biện pháp là điều hòa cung cầu; Các biện pháp về tài chính, tiền tệ phù hợp với quy định của pháp luật; Định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng hàng hóa, dịch vụ; Áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thực tế là trong năm 2022, khi thị trường xăng dầu có nhiều bất ổn, giá xăng dầu thế giới có biến động tăng đột biến thì Bộ Công Thương đã phải triển khai các giải pháp để bảo đảm được nguồn cung, ổn định cung - cầu trong nước; nhất là việc Bộ Tài chính đã kịp thời trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường vào tháng 4-2022 và tiếp tục giảm kịch sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường thực hiện từ ngày 11-7-2022 để góp phần bình ổn giá xăng dầu; Thuế MFN nhập khẩu xăng cũng được điều chỉnh giảm từ 20% xuống 10% thực hiện từ ngày 8-8-2022 để góp phần đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu...
Ông Ngô Trí Long dẫn chứng, trong nhiều kỳ điều hành vừa qua, cơ quan điều hành gần như không thực hiện trích, chi quỹ, tuy nhiên thị trường vẫn ổn định. Đồng thời thực tế "số tiền” không đổi, trích rồi lại chi nên việc tác động đến CPI không nhiều (chỉ tác động tăng/giảm tại thời điểm; hoặc tác động tâm lý).
Ông Đỗ Huy Trung - Trưởng ban Tư vấn giải quyết khiếu nại, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng nêu ý kiến: "Bản chất quỹ là tiền của người tiêu dùng góp vào. Người tiêu dùng không tiếp cận và xử lý được thông tin về việc lập và sử dụng quỹ mặc dù có quy định cho tất cả các doanh nghiệp phải công khai nhưng không có cơ chế tham gia giám sát của người tiêu dùng để bảo đảm sử dụng đúng và hiệu quả quỹ này. Cơ quan điều hành của Nhà nước quyết định sử dụng quỹ. Việc lập quỹ bản chất là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại hàng hóa có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường của hàng hóa”.
(Theo Aan ninh thủ đô)