Yên Bình: Thách thức trong phát triển làng nghề đan rọ tôm

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/6/2024 | 2:11:02 PM

YênBái - Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn là vấn đề luôn được đặt ra với cấp ủy, chính quyền cơ sở. Làng nghề đan rọ tôm ở thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình từng một thời hưng thịnh, mang lại cuộc sống no ấm cho người dân làm nghề, song những năm gần đây đang gặp không ít khó khăn, thách thức...

Cùng với nguyên liệu truyền thống, sản phẩm rọ tôm đan bằng chất liệu nhựa đang được du nhập vào làng nghề ở Đồng Tâm.
Cùng với nguyên liệu truyền thống, sản phẩm rọ tôm đan bằng chất liệu nhựa đang được du nhập vào làng nghề ở Đồng Tâm.

Làng nghề một thời hưng thịnh

Từ những năm đầu của thế kỷ XX, thôn Đồng Tâm, xã Phúc An đã nổi tiếng với nghề đan rọ tôm và cứ cha truyền con nối nhiều đời, nghề đan rọ tôm ngày càng phát triển rộng, ra gần như cả thôn. Rồi cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, người dân luôn đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn để làm ra những sản phẩm rọ tôm chất lượng. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nghề đan rọ tôm ở thôn Đồng Tâm, vì thế, càng phát triển. 

Vào những năm trước, đặc biệt trong 2 năm 2015 - 2016, trên địa bàn xã có khá đông hộ gia đình đan rọ tôm rải rác ở các thôn và mang tính thời vụ. Riêng thôn Đồng Tâm số người làm nghề đan rọ tôm chiếm tới 83%; sản lượng đạt hơn 2,7 triệu chiếc, với thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang. Mỗi chiếc rọ tôm có giá từ 3.500 - 5.000 đồng, cho doanh thu làng nghề trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động, thu nhập bình quân đạt 10 - 12 triệu đồng/hộ/tháng. 

Đưa chúng tôi đi thăm các hộ trong làng nghề, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trịnh Duy Tuấn tranh thủ chia sẻ: "Việc xây dựng làng nghề rất cần thiết và đúng đắn, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Làng nghề đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế ở nông thôn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho gia đình và xã hội. Do vậy, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tiếp tục khẳng định quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung phát triển làng nghề tại địa phương, xây dựng làng nghề với các tiêu chí theo quy định của pháp luật”.

Được biết, năm 2017, nghề đan rọ tôm của thôn Đồng Tâm được công nhận là làng nghề truyền thống. Đây cũng là làng nghề đầu tiên của huyện Yên Bình. Khi đó, sản phẩm rọ tôm của làng nghề được quảng bá rộng rãi tới các địa phương trong và ngoài tỉnh; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, có ý nghĩa tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Song đó có lẽ là thời kỳ phát triển mạnh mẽ, hưng thịnh nhất của làng nghề đan rọ tôm nơi đây. Bởi từ đó đến nay, nghề đan rọ tôm trên địa bàn xã lại có chiều hướng đi xuống, hoạt động ngày càng lẻ tẻ. 

… Và mai một!

Hiện tại cả 5/5 thôn của xã Phúc An làm nghề đan rọ tôm nhưng tổng số chỉ có khoảng 150 - 160 hộ còn duy trì. Chính vì vậy, sản lượng giảm đáng kể. Trung bình mỗi năm các hộ dân chỉ sản xuất được từ 40.000 - 50.000 chiếc rọ tôm, giá bán bình quân từ 4 - 4,5 nghìn đồng/rọ, doanh thu đạt 2 tỷ đồng/năm. Sản lượng giảm đồng nghĩa với việc việc làm và thu nhập của người dân cũng giảm đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Và khó khăn nhất của làng nghề hiện nay là nhu cầu thị trường tiêu thụ giảm do người dân đã chuyển sang sử dụng phương tiện đánh bắt khác mang lại hiệu quả hơn. 

Băn khoăn việc duy trì và phát triển làng nghề, ông Nguyễn Phú Vần - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Tâm cho biết: "Năm 2018 trở về trước, thôn có tới 80 - 90% hộ làm nghề đan rọ tôm, thời hưng thịnh nhất cả thôn xuất bán 120.000 rọ/tháng, thu nhập bình quân đạt 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, thôn có 157 hộ thì chỉ có khoảng 60 hộ liên quan đến nghề đan rọ tôm và con số thực tế còn buồn hơn khi chỉ còn vẻn vẹn 15 - 20 hộ sống bằng nghề này, sản lượng giảm chỉ còn khoảng trên dưới 9.000 rọ/tháng". 

"Nguyên nhân sản lượng sụt giảm là do không có thị trường tiêu thụ bởi bây giờ có nhiều phương tiện đánh bắt khác được lựa chọn như: kích điện, rọ bát quái… Từ đó, lực lượng lao động địa phương làm nghề này còn rất mỏng, hầu hết đã phải lựa chọn đi làm ăn xa”, ông Vần chia sẻ. 

Một thách thức nữa đặt ra với làng nghề đó là nguồn nguyên liệu. Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Yến ở thôn Đồng Tâm làm nghề đan rọ tôm đã 25 năm nay. Gia đình chị thực sự sống được bằng nghề, đã làm được nhà mới, trang trải cuộc sống đầy đủ đều nhờ thu nhập từ đan rọ tôm nhưng nay chị cũng đang có kế hoạch tìm việc khác. 

Chị Yến chia sẻ: "Nghề đan rọ tôm ở đây đang ngày càng bị thu hẹp và thu nhập bấp bênh, ngoài nguyên nhân thị trường cung lớn hơn cầu, thì vấn đề nguyên liệu bây giờ cũng rất khó khăn, giá nguyên liệu tăng gấp đôi, gấp ba. Nếu như trước đây 1 ống giang dài 50 cm chỉ có giá 1,5 nghìn đồng thì hiện đã tăng lên 3,5 nghìn đồng hay trước chỉ có 8,5 nghìn đồng/kg nứa đan thì nay đã tăng lên 15.000 đồng. Nguyên liệu đắt đã đành, nhưng nhiều khi còn không có mà mua. Có khi phải đi chợ từ 4 giờ sáng vì muộn là không còn”.



Chị Nguyễn Thị Yến ở thôn Đồng Tâm cần mẫn duy trì nghề đan rọ tôm truyền thống. 

Nguồn nguyên liệu từ tự nhiên khó khăn đã mở đường cho nguyên liệu nhựa lên ngôi. Hiện, nguyên liệu nhựa đã được một số hộ dân sử dụng để đan rọ tôm với ưu điểm giảm bớt một số công đoạn, không bị mốc, bền song giá thành cao hơn so với nguyên liệu truyền thống. 

Hộ gia đình chị Trần Thị Luyến ở thôn Đồng Tâm - một trong những hộ làm nghề trên 20 năm chia sẻ: "Hiện nhà tôi đang sử dụng nguyên liệu bằng nhựa để đan rọ tôm. Nguồn rất sẵn, chỉ cần gọi điện là họ chuyển đến tận nhà, về chỉ việc cắt theo kích cỡ phù hợp. Hơn thế, sản phẩm lại đẹp hơn nhìn rất bắt mắt, tuy giá thành cao hơn so nguyên liệu truyền thống. Hiện tại, gia đình chỉ làm theo đơn đặt hàng chứ không sản xuất tràn lan vì sản phẩm rọ tôm bằng nhựa cũng chưa được nhiều người tiêu dùng lựa chọn”. 

Ngoài những nguyên nhân khách quan xuất phát từ thực tiễn thì việc cần một cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển làng nghề hay việc quan tâm đầu tư, hỗ trợ đăng ký thương hiệu sản phẩm cũng chưa được chú trọng.

Giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề

Nhớ về làng nghề một thời hưng thịnh, mang lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống nhân dân mà nay bị mai một, người dân trên địa bàn xã Phúc An nói chung và thôn Đồng Tâm nói riêng không khỏi tiếc nuối. 

Trăn trở vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Trần Tiến Thơm cho biết xã đã xác định những giải pháp để vực dậy làng nghề trong thời gian tới: "Địa phương sẽ khắc phục khó khăn, tiếp tục giữ vững và phát triển làng nghề, cải tiến về mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu xây dựng nghề đan rọ tôm của địa phương có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó là xây dựng cơ sở hạ tầng của làng nghề tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp, cải thiện đời sống sinh hoạt của người lao động; duy trì và phát huy hiệu quả Tổ hợp tác Đan rọ tôm thôn Đồng Tâm để giúp nhau về kinh nghiệm, tôn vinh những hộ, những người có tay nghề cao, đồng thời gắn với phát triển du lịch". 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân tập hợp tổ chức để cùng nhau nghiên cứu, đưa kỹ thuật mới và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hiện phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm chất lượng cao đến với nhiều người tiêu dùng hơn nữa. Đồng thời tiếp tục đề xuất với tỉnh, ngành chức năng hỗ trợ kinh phí, chính sách, tổ chức tập huấn, giới thiệu mở rộng thị trường, tìm đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Từ đó, người dân tin tưởng, gắn bó với nghề để thúc đẩy nghề trong làng ngày càng phát triển.

Ngoài những giải pháp đã được địa phương xác định, rất cần các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích, hỗ trợ, đồng hành cùng người dân để tiếp tục phát triển làng nghề. Tin rằng trong tương lai không xa, làng nghề đan rọ tôm truyền thống sẽ được vực dậy, phát triển mạnh mẽ và xây dựng thương hiệu trên thị trường.

Trần Minh

Tags Phúc An Yên Bình đan rọ tôm

Các tin khác
Ốc rạ Nà Hẩu được bà con người Mông bày bán tại các hội chợ quê, lễ hội ẩm thực của địa phương.

Nà Hẩu là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên với 97% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trong những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước Nà Hẩu đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng bào Mông Nà Hẩu đã biết tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, nguồn nước để nuôi ốc rạ - loại ốc đặc sản của địa phương giúp nhiều hộ dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Trong triển khai các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng cho biết công tác giải phóng mặt bằng còn lại của một số dự án còn chậm, nhất là tại các địa phương: Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước báo cáo với Tổ công tác về tiến độ thi công dự án.

Sáng 22/6, đồng chí Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng tổ công tác liên ngành số 1 cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến độ triển khai Dự án đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục