Yên Bái đẩy nhanh tiến độ công trình giao thông trọng điểm

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/7/2024 | 1:48:22 PM

YênBái - Cùng với việc chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện, Yên Bái đã thành lập tổ công tác, tổ chức nhiều buổi làm việc, kiểm tra để nắm bắt tiến độ, khó khăn, vướng mắc và kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm nhằm bảo đảm tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công cũng như thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các nhà thầu của Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án thành phố Yên Bái huy động máy móc, phương tiện, tập trung thi công.
Các nhà thầu của Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án thành phố Yên Bái huy động máy móc, phương tiện, tập trung thi công.


Những ngày này, các nhà thầu thi công của Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án thành phố Yên Bái đang huy động máy móc, phương tiện tập trung thi công sau một thời gian gặp khó khăn, vướng mắc. Ghi nhận tại gói thầu kè chống lũ suối Cầu Dài, khu vực km 3 thành phố Yên Bái, nhiều máy móc, vật liệu và nhân công của các nhà thầu đã được huy động và triển khai thi công theo kế hoạch. 

Ông Trịnh Xuân Hùng - Giám đốc TNHH Đồng Tiến cho biết: "Thời gian qua, công tác thi công thường xuyên gián đoạn do chưa có mặt bằng sạch. Cùng đó, thời tiết mưa nhiều cũng ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thi công. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố, chủ đầu tư, các nút thắt về mặt bằng đã được tháo gỡ. Chúng tôi sẽ tận dụng thời tiết thuận lợi, phân ca, chia kíp đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo tiến độ đề ra”. 

Được biết, gói thầu kè suối Cầu Dài có tổng mức đầu tư 192,212 tỷ đồng, đến nay, khối lượng thi công ước đạt 37,55%. 

Ông Hoàng Việt Hóa - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: "Chúng tôi tiếp tục đôn đốc các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị máy móc, phương tiện, tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công; trong đó, xây dựng cả phương án thi công trong ngày mưa gió. Bên cạnh đó, đơn vị tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công; tập trung giải quyết các hạ tầng đi kèm, nhất là vấn đề xử lý nước thải; đôn đốc, kiểm tra, giám sát tiến độ thi công, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn…”. 

Cùng với các dự án giao thông trọng điểm được triển khai tại thành phố Yên Bái, hiện nay, các tuyến giao thông kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng được tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ. 

Theo ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của tuyến đường nối Mù Cang Chải với nút giao IC 15, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến nay đã cơ bản hoàn thành đối với các hộ dân bị ảnh hưởng, đã phê duyệt 490/500 hộ, 10 hộ đang hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ; chưa thực hiện đối với phần đất rừng do Ban Quản lý Dự án rừng và UBND các các huyện quản lý; đã bàn giao mặt bằng 30,5/68,95 km. 

Đối với công tác thi công, hiện các gói thầu 14, 15 mới đạt trên 4%; gói thầu 16 đạt gần 20%; gói thầu 25 đạt trên 36%; còn lại các gói thầu khác đang triển khai thi công đường công vụ. 

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh có 26 công trình dự án được đưa vào danh mục trọng điểm để tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện với tổng mức đầu tư là 12.198 tỷ đồng; trong đó, có 17 dự án thuộc lĩnh vực giao thông như: dự án đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (nút giao IC15); dự án đường nối quốc lộ 32, thị xã Nghĩa Lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC14); dự án nút giao IC13 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai…

Xác định đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành, thành lập các tổ kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện.

 Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời đó, một số chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng, ban hành kế hoạch triển khai các dự án tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện đẩy nhanh tiến độ GPMB đáp ứng nhu cầu thi công xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, bên cạnh một số dự án đảm bảo tiến độ thì còn nhiều tuyến đường thi công còn chậm so với kế hoạch đề ra. 

Nguyên nhân là do, công tác GPMB còn nhiều khó khăn, vướng mắc; một số công trình thi công ở địa hình hiểm trở, việc vận chuyển vật liệu mất nhiều thời gian; thời tiết mưa nhiều cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công… 

Trước thực trạng trên, để đẩy nhanh tiến độ thi công, tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương đôn đốc đơn vị thi công tập trung máy móc thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng; khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác GPMB phát sinh trong quá trình thi công; tổ chức nghiệm thu, thanh, quyết toán các khối lượng hoàn thành để bảo đảm tiến độ giải ngân; đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm tra, xử lý, đôn đốc các nhà thầu thực hiện theo đúng hợp đồng, cam kết trong hồ sơ dự thầu, nhất là việc bố trí nhân lực, vật lực, máy móc, trang thiết bị phục vụ thi công, bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường…

Hùng Cường

Tags đẩy nhanh tiến độ công trình giao thông trọng điểm

Các tin khác
Dự báo 6 tháng cuối năm 2024, lạm phát so với cùng kỳ sẽ có xu hướng giảm dần.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng cao nhất tính từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên cả nước vào năm 2021. Điều này đặt áp lực lên việc kiểm soát tốt lạm phát đi kèm tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Nhiều trường hợp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh (ảnh minh họa).

Theo Tổng cục Thuế, việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ thực hiện với những cá nhân ra nước ngoài không quay trở lại, hoặc rất lâu sau mới quay trở lại Việt Nam, vì nguy cơ cao không thu hồi được nợ thuế.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp huyện Lục Yên đánh giá về mô hình măng mai tại xã Lâm Thượng.

Thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Lục Yên tập trung nâng cao giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, nhất là với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng thế mạnh của địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đoạn qua tỉnh Hưng Yên (giai đoạn 2).

Dự án tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình dài gần 24 km, nhằm nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến cao tốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục