Huyện Văn Yên là nơi có diện tích vùng nguyên liệu sắn lớn của tỉnh. Do diện tích canh tác sắn chủ yếu có độ dốc cao, sau nhiều năm liên tục độc canh cây sắn khiến đất bị xói mòn, rửa trôi mạnh dẫn đến bạc màu, nghèo dinh dưỡng nên cây sắn sinh trưởng, phát triển chậm, năng suất thấp, diện tích giảm một nửa so với trước đây, chỉ còn khoảng 4.000 ha. Để khắc phục tình trạng này, những năm qua, huyện Văn Yên đã tăng cường triển khai các biện pháp canh tác sắn bền vững trên đất dốc đến người dân.
Ông Phạm Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện cho biết: Từ nhiều năm nay, Trung tâm đã phối hợp với Nhà máy Sắn Văn Yên cấp phân hữu cơ vi sinh ủ bằng sản phẩm phụ của Nhà máy Sắn với chế phẩm men vi sinh Emic cho người dân tại 8 xã trong vùng nguyên liệu; phân công cán bộ chuyên môn phối hợp với UBND các xã vùng nguyên liệu sắn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh, canh tác bền vững.
"Riêng 6 tháng đầu năm 2024, đã cấp 1.477 tấn phân bón hữu cơ cho 211 ha sắn; 1.028 ha sắn áp dụng các biện pháp canh tác bền vững như: xếp băng cành sắn, trồng cây lâm nghiệp đỉnh đồi, sử dụng bón phân hữu cơ vi sinh ủ từ vỏ sắn, trồng băng cây cốt khí cỏ, trồng xen lạc, đậu đỗ” - ông Thắng nói.
Là một trong những hộ áp dụng biện pháp canh tác sắn bền vững, ông Triệu Văn Tài ở xã Lâm Giang chia sẻ: "Tình trạng xói mòn, rửa trôi đất đã hạn chế rõ rệt, giúp ổn định năng suất, sản lượng sắn, đem lại thu nhập khá. Vụ sắn năm ngoái, với giá bán 1.900 đồng/kg, nhà tôi thu gần 40 triệu đồng/ha”.
Trước đây, việc sử dụng phân hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật, cùng thâm canh, tăng vụ; chưa chú trọng sử dụng phân bón vi sinh vật, phân hữu cơ vi sinh đã và đang thay đổi cấu trúc, dinh dưỡng của đất, suy giảm độ phì nhiêu. Hơn nữa, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay cũng làm thay đổi một số tính chất đất khiến đất khô hạn cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến giảm năng suất cây trồng.
Minh chứng rõ nhất cho thấy hậu quả của việc canh tác tận thu, chưa quan tâm tới việc phục hồi và cải tạo đất chính là bệnh vàng lá, thối rễ đã "xóa sổ” cả nghìn ha cam ở huyện Văn Chấn. Vì vậy, việc phục hồi, cải tạo đất theo hướng sinh học, cải thiện độ phì nhiêu, tăng khả năng giữ ẩm đất và tăng hiệu quả sử dụng phân khoáng đang là vấn đề được tỉnh Yên Bái quan tâm. Các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi, cải tạo đất được các địa phương tích cực tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật để người dân triển khai thực hiện, nhân rộng.
Tiêu biểu như hơn 500 ha trồng lúa ở Mù Cang Chải kết hợp với nuôi cá chép ruộng và nuôi vịt, giúp sục bùn, ăn các loại côn trùng có hại và thải phân làm tốt lúa, hạn chế sử dụng các chất hóa học hoặc các chất gây hại khác trong quá trình canh tác; ủ phân hữu cơ từ các loại phế phẩm nông nghiệp có sẵn, rác thải hữu cơ kết hợp với chế phẩm sinh học hay điều chế thuốc bảo vệ thực vật từ tỏi, ớt, riềng, nước măng chua, rượu; trồng luân canh, xen canh, kết hợp trồng các cây họ đậu để tăng vi sinh vật cộng sinh cố định ni tơ tạo thành đạm tự nhiên…
Bà Đoàn Thị Thảo ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn chia sẻ: "Sau khi cán bộ xã tuyên truyền, hướng dẫn việc phân loại và xử lý rác bằng men vi sinh để làm phân bón, tôi đã áp dụng thực hiện ngay. Nhờ đó, lượng rác thải trước đây không biết xử lý ra sao thì giờ đã trở thành loại phân bón tốt cho cây trồng vừa tiết kiệm chi phí trong sản xuất vừa tiết kiệm thời gian trong việc xử lý rác thải”.
Vận dụng hiệu quả kiến thức khoa học, những mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp nhiều loại cây trồng cùng biện pháp trồng bổ trợ, cộng sinh đang được nhiều nông dân áp dụng. Cách làm này ngày càng được nhân rộng sẽ tích cực phục hồi, cải tạo đất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, cân bằng môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hoài Anh