Vừa gặt, vừa tập kết và tuốt lúa bên thửa ruộng bậc thang để kịp làm đất cho vụ mùa nhưng gương mặt của vợ chồng anh Giàng A Nu, bản Khao Mang, xã Khao Mang lộ rõ vẻ buồn thiu, thất vọng vì những bông lúa "không cúi đầu”. Chỉ vào những bó lúa nằm bên đường, anh Nu cho biết: "Tuốt từ sáng đến giờ mà chưa được nửa bao các anh à. Như mọi năm là được mấy bao rồi đấy! Đa phần đều là hạt lép, không có nhân. Chỗ ruộng này hằng năm gia đình em thu được khoảng 30 bao, mỗi bao 40 kg, tương đương 1,2 tấn. Mất bao công chăm sóc, làm đất, dẫn nước mà nay mất trắng vì giống lúa mới này”.
Lau vội giọt mồ hôi trên trán, vợ của Giàng A Nu cho biết thêm: "Nghe một số người trong bản nói giống lúa này tuy cơm hơi cứng nhưng cho năng suất cao nên vợ chồng em tìm mua về gieo cấy. Dù vẫn bảo đảm đủ mực nước, phân bón, cây lúa sinh trưởng, phát triển bình thường nhưng đến khi thu hoạch thì bông lúa không cúi đầu, hạt đa phần không có nhân”.
Qua tìm hiểu, giống lúa mà gia đình anh Nu gieo cấy có tên LC25 được mua tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu có nhãn mác, bao bì, địa chỉ rõ ràng, bắt mắt với hình ảnh những bông lúa tròn hạt, nặng trĩu. Thế nhưng, thực tế lại khác xa với quảng cáo.
Theo ông Giàng A Chang - Trưởng bản Khao Mang, xã Khao Mang, thời tiết vụ xuân năm nay tương đối thuận lợi; việc chăm sóc và sinh trưởng của lúa đều bình thường nhưng không hiểu sao lúa lại lép như vậy? Ông Chang kiểm tra ngẫu nhiên một bông lúa và đếm được tổng cộng 177 hạt, trong đó có 27 hạt mẩy còn lại 150 hạt lép.
Cùng với Khao Mang thì một số hộ dân ở xã Lao Chải cũng rơi vào cảnh mất mùa khi gieo cấy giống lúa LC 25. Ghi nhận tại cánh đồng của bản Cồ Dề Sàng A, nhiều thửa ruộng lúa vẫn xanh tốt nhưng bông ít hạt, tỷ lệ lép nhiều.
Anh Giàng A Nu ở bản Khao Mang, xã Khao Mang ngao ngán cầm bó lúa có tỷ lệ hạt lép đến 80%.
Ông Giàng A Vang - một trong những hộ gia đình bị "mất mùa” vì giống lúa "lạ” cho biết: "Nghe mọi người mách bảo, vụ xuân vừa qua, tôi mua 10 kg giống LC 25 về gieo cấy. Dù đã cung cấp đủ nước tưới, phân bón nhưng đến khi thu hoạch thì toàn hạt lép, không có nhân”.
Còn tại bản Xéo Dì Hồ A, nhiều thửa ruộng của các hộ cũng rơi vào tình cảnh "không cúi đầu” khi gieo cấy giống lúa LC 25. Anh Sùng A Nắng, bản Xéo Dì Hồ A chia sẻ: "Hơn 1 ha của tôi đều gieo cấy giống lúa LC 25. Thế nhưng, từ tháng 1 đến giờ cây lúa vẫn xanh và vẫn tiếp tục đẻ nhánh. Trong khi, những giống lúa khác người ta đã gặt từ lâu. Xác định là năm nay trắng tay! Từ giờ không dám mua giống trôi nổi trên thị trường nữa!”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng A Khu - Phó Chủ tịch UBND xã Lao Chải cho biết: "Sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng này, địa phương đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện tới kiểm tra thực tế tại các hộ. Qua kiểm tra, xác minh cho thấy, tại bản Xéo Dì Hồ A có 1,9 ha với 3 hộ và bản Cồ Dề Sàng A có 0,7 ha lúa rơi vào tình trạng trỗ bông, không cúi đầu, hạt lép khoảng 80 - 90%. Những diện tích trên bảo đảm nước tưới tiêu, không bị khô hạn, không bón nhiều phân. Tất cả đều gieo cấy giống lúa lai 3 dòng LC 25 của Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai sản xuất”.
Được biết, sau khi nhận được phản ánh về một số diện tích lúa vụ xuân 2024 của xã Khao Mang, Lao Chải về tình trạng lúa trỗ bông không cúi đầu, hạt lép nhiều, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện cử cán bộ phụ trách xã phối hợp với các xã đến trực tiếp ruộng để kiểm tra.
Kết quả kiểm tra, xác minh cho thấy, tổng diện tích lúa trỗ bông "không cúi đầu”, hạt lép nhiều của 2 xã Khao Mang và Lao Chải là 3,4 ha với 11 hộ bị ảnh hưởng. Những diện tích ruộng này đều được bảo đảm nước tưới, không bị khô hạn, các hộ không bón nhiều phân vô cơ, sau khi mua giống lúa về, các hộ thực hiện gieo cấy, chăm sóc, cây lúa sinh trưởng, phát triển bình thường và đến thời điểm trỗ bông lúa mới xuất hiện tình trạng không vào hạt, hạt bị lép nhiều.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Thư - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết thêm: "Trên địa bàn huyện chỉ có 3,4 ha lúa xuân của xã Khao Mang, Lao Chải mua giống lúa tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu và giống lúa trên mạng nên mới có tình trạng này. Các diện tích khác cây lúa vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường. Vì vậy, có thể loại bỏ nguyên nhân do thời tiết, do người dân chăm sóc và xác định nguyên nhân chính gây hiện tượng lúa trỗ bông không cúi đầu, hạt lép nhiều tại xã Khao Mang và Lao Chải là do người dân mua giống trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, sử dụng các giống lúa không nằm trong cơ cấu giống lúa của huyện; dẫn đến hiện tượng lúa trỗ bông "không cúi đầu”, hạt lép nhiều”.
Người dân cố gắng thu hoạch vớt vát những thửa ruộng mất mùa để tránh lãng phí công sức, tiền của.
Để tăng cường quản lý giống cây trồng và nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải đã ban hành Công văn số 22/NNPTNT, ngày 22/4/2024 về việc tăng cường công tác quản lý giống cây trồng nông nghiệp trên địa bàn các xã, thị trấn năm 2024; Công văn số 52/NNPTNT ngày 19/6/2024 về việc tăng cường quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn các xã, thị trấn năm 2024.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức 7 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt cho người dân; phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng giống, vật tư bảo đảm chất lượng, nằm trong cơ cấu giống của tỉnh, huyện và thực hiện gieo cấy theo đúng quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, trước thời vụ sản xuất lúa vụ xuân 2024, ngành nông nghiệp huyện đã ban hành kế hoạch sản xuất, nêu rõ cơ cấu giống lúa được sử dụng trên địa bàn huyện. Trong cơ cấu giống lúa này không có giống lúa LC25, VST89 do các giống này chưa được gieo trồng khảo nghiệm trên địa bàn để đánh giá tính thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu của Mù Cang Chải.
Trước thực trạng trên, để không xảy ra tình trạng người dân mất mùa vì giống lúa "lạ”, kém chất lượng; dẫn đến, hiện tượng cây trồng sinh trưởng, phát triển kém, làm giảm năng suất, sản lượng của cây trồng, thời gian tới, huyện Mù Cang Chải cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức của người dân, không sử dụng các loại giống, vật tư không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không trong cơ cấu giống của tỉnh, huyện; đồng thời, tăng cường quản lý giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định của Nhà nước trong kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp.
Hùng Cường