Chỉ thị 40 - sức mạnh tổng hợp hỗ trợ người nghèo Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/7/2024 | 7:45:15 AM

YênBái - 10 năm đi vào cuộc sống, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách (TDCS) xã hội (viết tắt là Chỉ thị 40) đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Chi nhánh tỉnh Yên Bái.

Cán bộ, nhân viên NHCSXH tỉnh Yên Bái luôn đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước (Ảnh TL)
Cán bộ, nhân viên NHCSXH tỉnh Yên Bái luôn đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước (Ảnh TL)

P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được của tỉnh sau 10 năm triển khai Chỉ thị 40?

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Sau 10 năm triển khai Chỉ thị 40, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND, hoạt động TDCS trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi tích cực, rõ nét. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCS xã hội và xác định đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và cả giai đoạn. Tăng cường chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH đối với hoạt động TDCS trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp tốt với NHCSXH, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn. 

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái.

Từ khi có Chỉ thị số 40 và đặc biệt là Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, chính quyền địa phương đã quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác từ ngân sách để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách cao gấp 17 lần so với giai đoạn 2003 - 2013. Đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn TDCS trên địa bàn tỉnh đạt 5.295,6 tỷ đồng, tăng 3.573,1 tỷ đồng, tăng 207,4% so với năm 2014. Nguồn vốn nhận ủy thác tại ngân sách địa  phương là 217,2 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng nguồn vốn TDCS, tăng 204,5 tỷ đồng, tăng 1.610% so với năm 2014. 

Năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH tại địa phương ngày càng được nâng cao. Công tác lãnh chỉ đạo của các cấp ủy đảng được tăng cường, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi, hoạt động kiểm tra đã phát huy hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng hoạt động TDCS; chất lượng hoạt động giao dịch xã ngày một nâng cao, các chủ trương, chính sách về TDCS được triển khai nhanh chóng; khó khăn, vướng mắc được giải quyết kịp thời tại cơ sở, giúp chất lượng TDCS được nâng lên. Công tác phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, giúp cho TDCS xã hội đến với người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác được hiệu quả hơn. 

Trong giai đoạn 2014 - 2024, NHCSXH tỉnh đã thực hiện cho vay được 224.314 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách với doanh số 8.915,2 tỷ đồng. Đến 30/6/2024, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 18 chương trình TDCS, 87.083 hộ gia đình đang vay vốn với tổng dư nợ 5.284,4 tỷ đồng. Nguồn vốn đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh mỗi năm từ 3 - 4%. Với cách làm sáng tạo và hiệu quả, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị nên chất lượng TDCS trên địa bàn tỉnh luôn được duy trì và nâng cao; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,1% tổng nợ; có 64% số xã trong toàn tỉnh không có nợ quá hạn, 1 huyện không có nợ quá hạn.


P.V: Đồng chí đánh giá thế nào về chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng Quản trị (HĐQT) NHCSXH các cấp trong thời gian qua?

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp tuy làm việc kiêm nhiệm nhưng luôn chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công, triển khai kịp thời các nghị quyết, quyết định của Chính phủ và HĐQT; phân công công việc cụ thể cho các thành viên, xây dựng đề cương kiểm tra định kỳ, đột xuất hằng năm. Công tác kiểm tra giám sát của Ban đại diện HĐQT đã nâng cao cả về số lượng và chất lượng. 

Đặc biệt, việc chỉ định Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT cấp huyện rất phù hợp trong điều kiện hiện nay. Qua đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý TDCS trên địa bàn, chỉ đạo mạng lưới trưởng thôn, bản, tổ dân phố thực hiện giám sát hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), giám sát hộ vay vốn. Lãnh đạo chính quyền chỉ đạo rà soát nhu cầu vay vốn, thực hiện xác nhận đối tượng vay vốn từng chương trình trong quy trình cho vay. 

Hằng tháng, Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp dự họp giao ban với NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và tổ trưởng tổ TK&VV vào ngày giao dịch xã của NHCSXH để nắm bắt tình hình TDCS trên địa bàn, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ trong tháng tiếp theo... Do vậy, đảm bảo nguồn vốn TDCS được đầu tư đúng đối tượng. Việc thực hiện công tác ủy thác vốn TDCS của các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy thế mạnh của các tổ chức trong việc tập hợp lực lượng, bình xét, quản lý, đôn đốc, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi của các đối tượng thụ hưởng. Mạng lưới làm công tác ủy thác đã phủ rộng khắp 100% các thôn, bản để chuyền tải nguồn vốn TDCS đến với đối tượng sử dụng. Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp cho hoạt động TDCS trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy được hiệu quả, đối tượng thụ hưởng được mở rộng, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố.

P.V: Để triển khai hiệu quả hơn nữa Chỉ thị 40, NHCSXH, Chi nhánh tỉnh có giải pháp gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Để tiếp tục phát huy vai trò của TDCS trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai sâu rộng Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó trọng tâm là nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý TDCS, quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác từ ngân sách sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách. 

Đơn vị thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền cơ sở rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và đối tượng chính sách, trình cấp có thẩm quyền giao nguồn vốn kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế và an sinh xã hội cho đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Tập trung thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT các cấp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng giao dịch, hoạt động của các tổ TK&VV; xây dụng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp, có đầy đủ kỹ năng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ. 

Đồng thời, đơn vị tiếp tục phối hợp với các ban, sở ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách; tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng tổ TK&VV, hoạt động của điểm giao dịch xã, phường, thị trấn; đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận và sử dụng dịch vụ của NHCSXH. 

P.V:  Xin cảm ơn đồng chí!
Văn Thông (thực hiện)

Tags Chỉ thị 40 tín dụng chính sách Yên Bái

Các tin khác
Nhờ phát triển kinh tế theo hướng hàng hoá chất lượng cao, người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình có thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/năm.

Không những đòi hỏi tiêu chí cao hơn, xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu còn đòi hỏi cao hơn về vai trò, ý thức, sự đóng góp của chủ thể - người dân. Song, khi thành công sẽ mang lại một diện mạo, sức sống mới, văn minh, hiện đại cho những miền quê nông thôn.

Xuất khẩu gỗ vào Hoa Kỳ đứng trước cơ hội mới

Tiềm năng, xu hướng tăng trưởng trong nửa cuối năm và động thái mới nhất của Hoa Kỳ đã đưa nền xuất gỗ Việt vào thị trường này đứng trước nhiều cơ hội mới.

Chính phủ xác định triển khai 10 nhiệm vụ nhằm tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đề cập nhiệm vụ hình thành các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Bảo hiểm hàng hóa theo điều kiện A là giải pháp toàn diện nhất, bảo hiểm mọi tổn thất trên đường đi. Ảnh minh họa.

Cùng với sự tăng trưởng ấn tượng của ngành vận tải, bảo hiểm hàng hóa ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và bảo vệ cho hàng hóa trong quá trình vận chuyển của doanh nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục