Còn nhớ cách đây chưa lâu, các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin, gạo ST25 của Việt Nam được bầu chọn là loại gạo ngon nhất thế giới. Đó là một thông tin rất vui cho ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam, "hạt ngọc trời” do những người nông dân chân lấm, tay bùn làm ra, không chỉ nuôi sống con người mà còn xuất khẩu đi nước ngoài, mang lại nguồn ngoại tệ về cho Tổ quốc.
Giống như nhiều người tiêu dùng khác, tôi cũng muốn mua mấy ký về ăn thử cho biết thì một anh bạn ở huyện Văn Yên đến chơi và làm quà cho hẳn một bao loại 10kg.
Anh bạn cho biết: "ST là từ viết tắt của Sóc Trăng, đây là loại gạo do đồng bào Sóc Trăng làm ra, còn bao gạo ST này là do người dân xã Đông Cuông, huyện Văn Yên gieo cấy từ giống lúa của đồng bào Sóc Trăng”.
Lời anh bạn đã khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bữa trưa hôm ấy, cơm nấu bằng gạo ST25 ĐC (xin tạm gọi cái tên như vậy), mở vung nồi cơm, mùi hương đã tỏa khắp mấy gian nhà; thực tế, chỉ cần mở bao gạo ra, nhất là khi cơm mới sôi đã thấy mùi thơm ngát.
Khoảng gần một năm sau khi được thưởng thức cơm gạo ST25 đó tôi mới có dịp đến Sóc Trăng, được ăn bát cơm gạo ST25 với cá kèo kho muối tiêu. Tôi nhận ra, dù gạo "ST25 ĐC” không ngon bằng ST chính gốc nhưng độ dẻo, thơm thì hơn hẳn Tám thơm, Chiêm hương, Séng cù... những giống lúa hàng hóa mà dân ta vẫn quen cấy, riêng các giống lúa thuần thì thật sự... không có cửa để so sánh.
Và cuối tháng 6 vừa rồi, tôi quyết định về Đông Cuông để tìm hiểu câu chuyện về sản xuất lúa hàng hóa với giống lúa ST25 đặc sản. Xe qua các khu dân cư sầm uất, những khu rừng xanh mát và những thửa ruộng đã bừa ngấu, dấu hiệu của vụ đông - xuân đã kết thúc, bà con đã chuẩn bị bước vào gieo cấy vụ mùa.
Yên Bái không phải là tỉnh mạnh về sản xuất lúa gạo, nguyên nhân chính là do địa hình có nhiều đồi núi khiến diện tích đất ruộng thấp, manh mún, không bằng phẳng gây khó khăn cho việc cơ giới hóa, chi phí sản xuất cao nên làm lúa mang lại hiệu quả kinh tế rất thấp.
Sau một thời gian tập trung vào việc sử dụng giống lúa thuần (lai Trung Quốc) cho năng suất cao, chất lượng gạo thấp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, đến nay ngành nông nghiệp và các địa phương đã hướng dẫn, khuyến khích bà con chuyển sang sản xuất lúa hàng hóa, với các giống chất lượng cao, tuy năng suất thấp nhưng đổi lại giá bán lại cao hơn hẳn.
Nói như mấy cô bác nông dân thì "Gánh một gánh thóc thơm về bán bằng tiền 3 gánh thóc thường, chuyển sang làm lúa hàng hóa cho đỡ vất vả!”. Và rồi nhiều địa phương như Văn Chấn, Nghĩa Lộ, vùng Đông hồ Thác Bà, Trấn Yên, Văn Yên đã chuyển mạnh sang sản xuất lúa hàng hóa, nhiều xã cấy toàn bộ giống chất lượng cao, xã Đông Cuông là địa phương như vậy.
Xin được nói thêm về xã Đông Cuông, đây là xã có trình độ thâm canh lúa cao nhất của tỉnh Yên Bái. Chắc chắn là như thế vì người dân Văn Yên nói chung, đặc biệt là nông dân xã Đông Cuông rất tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trên địa bàn xã có trại giống lúa từ thời kinh tế hợp tác, có các cán bộ kỹ thuật cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, sẵn sàng cầm tay chỉ việc, mở các lớp tập huấn, đào tạo việc chăm sóc lúa cho bà con để lai tạo và sản xuất thóc giống. Khi chương trình sản xuất lúa hàng hóa được ngành nông nghiệp và UBND huyện Văn Yên triển khai, người dân Đông Cuông đã hồ hởi làm theo.
Miên man suy nghĩ, xe đến thôn Gốc Quân lúc nào không hay. Nhà bạn tôi kia rồi, ngôi nhà cấp 4 khang trang, kiểu cách dưới tán cây ăn quả, hiên nhà khá rộng chất đầy những bao thóc to - minh chứng của một vụ đông xuân thắng lợi.
Sau lời thăm hỏi, chủ đề về sản xuất lúa hàng hóa được tập trung. "Vụ rồi được bao tấn thóc, vẫn cấy ST25 chứ. Vụ tới cơ cấu giống thế nào?” - tôi gợi chuyện. "Được hơn 4 tấn, vụ này cấy nhiều vì thuê thêm ruộng của mấy nhà trong xóm. ST25 giờ không còn cấy nữa, tập trung cấy Chiêm hương thôi!” - giọng anh bạn thủng thẳng, pha chút luyến tiếc.
Rồi anh cho biết thêm, cấy giống ST25 không hề khó, thời gian sinh trưởng, năng suất, mức độ nhiễm sâu bệnh, đặc biệt là năng suất tương đương với giống Chiêm hương, sau 1 vụ khảo nghiệm, nhiều nhà trong thôn, trong xã đã chuyển mạnh sang cấy giống này.
Tuy nhiên mắc ở chỗ, gạo Chiêm hương thì dân mình đã quá quen ăn, trong khi ST25 thì lại quá mới; ngon hơn, đắt hơn nhưng bán lại chậm; thương lái mua nhỏ giọt. Một lý do khác cũng khiến bà con kém mặn mà với ST25, đó là khi xay xát thóc ST25, gạo rất dễ bị đớn (hạt gạo bị vỡ, không còn giữ được nguyên hình) nên mẫu mã xấu.
Những nguyên nhân khiến người dân Đông Cuông từ bỏ ST25 cũng đã được Chủ tịch UBND xã Đông Cuông Nguyễn Thành Nam xác nhận và cho biết thêm: "Nhiều hộ dân ở thôn Sân Bay và thôn Gốc Quân đã cấy 7, 8 sào giống ST25 mỗi vụ vào thời điểm năm 2021; giá bán thóc cũng cao hơn thóc Chiêm hương khoảng hơn 2.000 đồng/kg”.
Vậy là đã rõ, ST25 không phải là khó trồng, không ngon… khiến bà con từ bỏ nó. Còn câu chuyện gạo bị đớn trong khâu xay xát có lẽ không đáng bàn bởi rất nhiều người làm nghề chế biến lương thực (làm dịch vụ xay xát) ở Văn Yên đều xác nhận với phóng viên chỉ là do: "ngại điều chỉnh máy vì hạt gạo ST nhỏ hơn các loại gạo khác”.
Mấu chốt ở đây chính là chúng ta đã không làm thị trường một cách bài bản. Khi diện tích lúa, sản lượng thóc ST25 ở Đông Cuông và cả các địa phương khác đã lớn, đồng nghĩa với việc đã có một nguồn hàng lớn nhưng vẫn chưa có một doanh nghiệp đủ sức gắn bó và đồng hành cùng bà con và thương hiệu ST25 đã có nhưng là của Sóc Trăng chứ không phải ST25 ĐC của Đông Cuông như chúng tôi vẫn gọi đùa.
Trong khi đó, theo tìm hiểu, giá gạo ST25 đặc sản Sóc Trăng chính hãng đang bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee là 290.000/10kg; một đại lý gạo tại thị xã Nghĩa Lộ đang báo giá bán lẻ gạo ST25 (không rõ cấy tại Nghĩa Lộ hay mang trực tiếp sừ Sóc Trăng ra - PV) là từ 35,5 nghìn đồng/kg đến 38.000 đồng/kg; trong khi giá gạo Tám thơm dao động từ 18,5 ngìn đồng đến 23,2 nghìn đồng/kg.
Bên cạnh lỗi của nhà quản lý, nhà doanh nghiệp còn một lỗi căn bản, khó khắc phục của nhà nông, nhất là nhà nông Yên Bái đó là... chỉ thích những thứ dễ tính, dễ làm; thiếu sự kiên trì; động khó là bỏ... như vậy thì khó làm ăn lớn, khó đi xa! Thật tiếc!
Lê Phiên