Năm 2024, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước tỉnh Yên Bái đã giao là trên 5.792 tỷ đồng, trong đó, số vốn đã phân bổ chi tiết là 5.556 tỷ đồng, bằng 96,1% kế hoạch; số vốn chưa phân bổ chỉ còn 3,9%.
Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế còn gặp khó khăn, đặc biệt là sản xuất và xuất khẩu trên địa bàn chưa như kỳ vọng, thì đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công được xác định là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo tính toán của chuyên gia kinh tế, khi chúng ta giải ngân được 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo được 1,61 đồng vốn đầu tư từ khối tư nhân và cứ giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% thì tăng trưởng GDP tăng thêm 0,058%. Vì lẽ đó, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công luôn là nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh chỉ đạo sát sao trong thời gian qua.
Cùng với việc phân bổ, giao kế hoạch vốn sớm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên thành lập các đoàn công tác kiểm tra tiến độ, xem xét tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; phê duyệt kế hoạch giải ngân từng quý đối với nguồn vốn của từng dự án, từng chủ đầu tư; trong các phiên họp định kỳ hàng tháng của UBND tỉnh đều có yêu cầu báo cáo đánh giá tiến độ thực hiện và chỉ đạo các biện pháp xử lý phù hợp. Mặc dù có nhiều nỗ lực tuy nhiên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm tới nay vẫn chưa như kỳ vọng, khi đến hết 7/2024, toàn tỉnh giải ngân đạt 1.760 tỷ đồng, bằng 30,4% kế hoạch.
Con số này còn thấp hơn so với cùng kỳ (39%) và thấp hơn so với kịch bản giải ngân (kịch bản giải ngân là 58,3%). Riêng đối với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (4.005,3 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đạt 44% kế hoạch. Qua đánh giá, việc giải ngân chậm chủ yếu tập trung ở vốn nước ngoài (bằng 12,7%), vốn dự phòng ngân sách Trung ương (24,5%), vốn sử dụng đất cấp tỉnh (chưa có nguồn đề giải ngân); vốn ngân sách Trung ương năm 2023 kéo dài sang năm 2024 (8%).
Đặc biệt, một số đơn vị chủ đầu tư được giao quản lý với số vốn lớn nhưng kết quả giải ngân mới dưới 30% kế hoạch, trong đó phải kể đến Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh 20,9%; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh 25,6%; Sở Giao thông - Vận tải tỉnh 23,6%; Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh 8,2%; Sở Tài nguyên và Môi trường 0,4%.
Nhiều lý do khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không như mong đợi. Tuy nhiên qua theo dõi nhiều năm, có thể nhận thấy do các dự án đầu tư công có nguồn vốn lớn, quy trình phê duyệt, lập kế hoạch và quản lý đầu tư công còn phức tạp, mất nhiều thời gian; các thủ tục hành chính, quy định về lập kế hoạch, phê duyệt dự án phức tạp, kéo dài.
Việc điều chỉnh kế hoạch, bổ sung vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn. Công tác chuẩn bị dự án đầu tư còn nhiều hạn chế; nhiều chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm, nhân lực và công cụ quản lý dự án hiệu quả. Công tác giám sát, kiểm tra tiến độ, chất lượng dự án; công tác phối hợp đặc biệt việc giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án có lúc còn chậm.
Điểm nghẽn lớn cũng là cố hữu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải kể đến công tác giải phóng mặt bằng, trong đó nhất là các công trình giao thông trọng điểm đang triển khai như:
Dự án đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); đường nối quốc lộ 70, quốc lộ 32C, quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai hay Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng đầu năm mới đạt 5,36%, chính vì vậy để mức tăng trưởng cả năm đạt 7,7%, thì 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng tối thiểu là 9,66%. Để đạt mục tiêu trên, bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng thì đầu tư công phải đột phá.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra tiến độ Dự án Đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15).
Vì vậy, cần có giải pháp tháo gỡ "điểm nghẽn”, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công. Giải pháp được nhấn mạnh là các địa phương, các sở ngành cần tập trung chỉ đạo theo dõi chặt chẽ tiến độ giải ngân từng dự án; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, các dự án có mức vốn giao kế hoạch lớn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các công trình, dự án.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, trọng tâm là rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính phức tạp; áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục. Bố trí đủ nguồn vốn, nhân lực có năng lực để triển khai hiệu quả các dự án; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giám sát có chuyên môn và trách nhiệm cao.
Các địa phương, đơn vị chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới đã được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công. Tỉnh cũng sẽ thu hồi, điều chuyển vốn của dự án chậm giải ngân hoặc giải ngân không đạt tiến độ cam kết bố trí cho các dự án có nhu cầu vốn, đảm bảo hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công. Hơn nữa cần cải thiện công tác chuẩn bị đầu tư, tránh tình trạng khi có vốn mới tiến hành chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định dự án. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng hơn cả để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vẫn là cần sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của các sở ngành địa phương, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có dự án đầu tư.
Với sự vào cuộc nghiêm túc của các cấp, ngành, địa phương cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ phát huy được nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị để nguồn vốn đầu tư công hấp thụ vào các công trình, dự án, đặc biệt các dự án trọng điểm, góp phần phục hồi kinh tế, lan tỏa lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Văn Thông