Cây dâu, con tằm có mặt trên địa bàn xã Chấn Thịnh từ hơn 10 năm trước, nhưng phải đến 4 năm trở lại đây, phong trào trồng dâu, nuôi tằm mới thực sự sôi nổi. Ông Hoàng Văn Tuy ở thôn Bồ là một trong 3 hộ đầu tiên trồng dâu, nuôi tằm trên đồng đất này. Khi ấy, nhà ông Tuy có hơn 1.000 m2 đất ruộng. Được người thân là người Tân Đồng, huyện Trấn Yên giới thiệu và tận mắt chứng kiến nghề trồng dâu, nuôi tằm, ông Tuy đã mạnh dạn rẽ sang một hướng mới - trồng dâu, nuôi tằm.
Ông Tuy chia sẻ: "Khi ấy, tôi mua 500.000 đồng được một chén nhỏ hạt giống dâu để ươm giống trồng toàn bộ ở diện tích đất ruộng của gia đình. Nhờ đã học tập, tham quan ở Tân Đồng nên cây dâu phát triển khá tốt, không gặp khó khăn gì. Sau hơn 1 năm, cây đã đủ lớn, tôi mới nuôi tằm. Ban đầu chưa hiểu sâu về con tằm nên hơi khó nuôi, nhưng đến khi hiểu về các yếu tố tác động đến con tằm: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thức ăn cùng với việc vệ sinh, sát khuẩn cẩn thận bằng vôi thì việc nuôi tằm dần trở nên khá dễ dàng”.
Ông Tuy chọn nuôi tằm lớn, nuôi thêm 10 ngày là có thể được thu hoạch, tằm lớn dễ nuôi, ít bệnh tật hơn và nhanh được thu hoạch. Mỗi tháng sẽ thu được 2 lứa mà vẫn có thời gian để nhà tằm nghỉ làm vệ sinh, sát khuẩn trước khi nuôi lứa mới.
Năm 2020, ông Tuy còn được huyện Văn Chấn hỗ trợ 20 triệu đồng để làm nhà tằm rộng tới 105 m2 cùng 100 né ô vuông, bàn dập, được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sử dụng né ô vuông thay cho né tre truyền thống, đáp ứng yêu cầu của đầu mối tiêu thụ sau này. Đến nay, ông Tuy đã nhân rộng diện tích trồng dâu lên hơn 5.000 m2, mỗi lứa nuôi 5 nong tằm, thu hoạch khoảng 70 kg kén. Một năm nuôi 16 lứa, với giá bán từ 150 - 160.000 đồng/kg, ông Tuy thu về 170 triệu đồng.
Từ thành công của những hộ đầu tiên như ông Hoàng Văn Tuy, ông Lò Văn Mậu…, nhiều hộ dân trên địa bàn xã cũng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Vợ chồng ông bà Lò Văn Tú, Nguyễn Thị Chanh Yên ở thôn Bồ cũng đứng ra cung ứng con giống và thu mua sản phẩm kén cho người dân trong xã. Đặc biệt, từ năm 2020 - 2023, huyện Văn Chấn triển khai hỗ trợ người dân 100% cây giống dâu cùng kinh phí xây dựng nhà tằm lớn, né và kỹ thuật nên diện tích dâu trên địa bàn xã Chấn Thịnh tăng lên nhanh chóng.
Năm 2024, huyện Văn Chấn cũng tiếp tục triển khai hỗ trợ cây giống, tạo điều kiện để người dân Chấn Thịnh mạnh dạn với nghề mới. Xã đã tiến hành rà soát các diện tích có thể chuyển đổi hiệu quả sang trồng dâu; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện. Nhờ đó, đến nay, toàn xã đã phát triển được 46 ha dâu với hơn 60 hộ dân tham gia. Vợ chồng ông Lò Văn Tám ở thôn Bồ thời gian này phải đi làm ăn xa để có thu nhập bởi 4.000 m2 đất của gia đình đã chuyển đổi mấy lần từ lúa sang ngô rồi cam nhưng đều không mấy hiệu quả.
Ông Tám chia sẻ: "Trước đây, tôi cũng mấy lần định chuyển đổi sang trồng dâu nhưng vì lo sợ nhiều thứ nên chẳng dám chặt cam đi để trồng. Giờ được xã tuyên truyền, vận động cùng với tận mắt chứng kiến những người trồng dâu nuôi tằm đi trước đang phát triển ngày càng khấm khá, biết mình đi chậm rồi nhưng thôi chắc bây giờ vẫn kịp nên tôi đăng ký trồng 0,4 ha, được hỗ trợ toàn bộ giống và kỹ thuật. Sau hơn 1 tuần trồng, cây đã bắt đầu nhú mầm mới rồi. Tôi giao lại cho bố mẹ ở nhà chăm sóc cây để tiếp tục đi làm. Sang năm, cây dâu đủ lớn, vợ chồng tôi sẽ ở hẳn nhà nuôi tằm. Hy vọng cây dâu, con tằm sẽ tạo thu nhập tốt, để chúng tôi không phải xa quê mưu sinh nữa”.
Với giá trị sản phẩm bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa hoặc các cây rau màu khác, người dân Chấn Thịnh có thể yên tâm và sống được bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, giúp người dân nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn.
Hoài Anh