Luật Bảo vệ QLNTD sửa đổi gồm 7 chương, 80 điều, quy định rõ ràng về nguyên tắc, chính sách bảo vệ QLNTD; quyền và nghĩa vụ của NTD; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với NTD; hoạt động bảo vệ QLNTD của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ QLNTD.
Việc điều chỉnh, bổ sung các quy định của Luật một lần nữa cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta với QLNTD trong bối cảnh mới.
Luật Bảo vệ QLNTD sửa đổi đã hoàn thiện thể chế về bảo vệ QLNTD, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, khả thi; đồng thời, tạo thêm động lực để thúc đẩy, hoàn thiện môi trường tiêu dùng an toàn, chất lượng, tăng sức cạnh tranh để các doanh nghiệp có thể phát triển, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch hơn cho NTD...
Bà Nguyễn Ánh Hồng ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Các nội dung, quy định trong Luật Bảo vệ QLNTD được sửa đổi, hoàn thiện bảo đảm thiết thực, phù hợp với hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh hiện nay. Tôi thấy, đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong công tác bảo vệ QLNTD, nhất là khi vai trò, vị trí của NTD được nâng lên. Từ đó, NTD sẽ yên tâm mua bán hàng hóa và sử dụng dịch vụ trên thị trường; đồng thời, thay đổi tư duy, thói quen trong việc lựa chọn địa chỉ, đơn vị cung ứng để mua sắm hàng hóa”.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, để Luật Bảo vệ QLNTD đi vào cuộc sống, Sở Công Thương đã tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Bảo vệ QLNTD; các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về Luật đến đông đảo đối tượng cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước về bảo vệ QLNTD. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, bảo vệ QLNTD.
Ông Trịnh Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chủ tịch Hội Bảo vệ QLNTD tỉnh cho biết: Trong năm 2024, Sở đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Bảo vệ QLNTD trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, loa tuyên truyền trên một số tuyến phố, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…; cung cấp các cẩm nang hỗ trợ, tài liệu, kiến thức hữu ích cho các hội, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan.
"Đồng thời, thông qua đường dây nóng của Hội Bảo vệ QLNTD tỉnh, chúng tôi sẽ tổ chức tư vấn, giải đáp hỗ trợ bảo vệ QLNTD, tiếp nhận các cuộc khiếu nại của NTD khi bị xâm phạm quyền lợi và hỗ trợ kết nối đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết khiếu nại” - ông Thành nói.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các lực lượng chức năng, tăng cường kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ QLNTD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 271 vụ, xử lý 160 vụ với 167 hành vi vi phạm là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng quá hạn sử dụng, hàng giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Cùng sự nỗ lực của ngành chức năng, NTD cũng cần có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; cẩn trọng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Các cơ quan quản lý nhà nước mong muốn, NTD mạnh dạn lên tiếng đề xuất, khiếu nại khi gặp vấn đề bị xâm hại quyền lợi khi mua sắm, để tham gia góp phần phát hiện, xử lý, xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh.
Có thể nói, Luật Bảo vệ QLNTD (sửa đổi) có hiệu lực là căn cứ pháp lý quan trọng trong công tác bảo vệ QLNTD. Tuy nhiên, chỉ khi có sự quyết liệt vào cuộc của cả cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội cũng như chính doanh nghiệp và NTD trong việc thực thi và áp dụng pháp luật thì QLNTD mới thực sự được bảo vệ đúng nghĩa.
Hồng Duyên