Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Các địa phương trong tỉnh đã linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại ở khu vực nông thôn với mô hình các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, cửa hàng tự chọn... đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.
Cụ thể, trong năm 2023, tỉnh đã hoàn thành xây dựng 3 chợ quy mô hạng 2 gồm:
chợ Mường Lò khu C, thị xã Nghĩa Lộ; chợ Bến Đò, thành phố Yên Bái; chợ Yên Thế, huyện Lục Yên.
Chợ Bến Đò, thành phố Yên Bái được xây dựng tại thôn Xóm Soi, xã Giới Phiên với tổng diện tích 14.408 m2, nằm ở vị trí giao thông thuận lợi và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chợ hạng 2.
Theo thiết kế, chợ Bến Đò có 88 điểm ki - ốt, 397 điểm kinh doanh cố định có mái che để bán các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, gia cầm. Ngoài các điểm kinh doanh với diện tích phù hợp còn có 8 điểm làm kho bảo quản hàng hóa. Trong chợ được bố trí đầy đủ hệ thống điện, phòng cháy chữa cháy, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, bể nước phục vụ sinh hoạt, bãi thu gom rác thải... Chợ Bến Đò đã góp phần đáp ứng nhu cầu kinh doanh, giao thương hàng hóa và mua sắm của người dân trên địa bàn. Từ đó, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và góp phần để thành phố Yên Bái đủ các điều kiện trở thành đô thị loại 2.
Cùng đó, hệ thống chợ nông thôn được quan tâm nâng cấp, cải tạo và đầu tư xây dựng mới. Đến nay, toàn tỉnh có 96 chợ truyền thống cùng với các loại hình kinh doanh thương mại như cửa hàng tiện ích, cửa hàng tự chọn phát triển nhanh tại các vùng nông thôn. Số dân khu vực nông thôn chiếm khoảng 80% dân số toàn tỉnh, thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, giúp thu hẹp khoảng cách đời sống giữa thành thị và nông thôn; vì vậy, bán lẻ ở khu vực nông thôn còn nhiều dư địa phát triển.
Cùng với mô hình chợ truyền thống, có nhiều cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng bán lẻ được đầu tư tại trung tâm các cụm xã, trung tâm các xã do tư nhân hoặc doanh nghiệp đầu tư ngày càng phát triển, thu hút lượng lớn khách hàng quan tâm, mua sắm trực tiếp.
Là cửa hàng tự chọn to nhất huyện Trấn Yên, qua 10 năm hoạt động, Cửa hàng Công Nhung ở thôn 3 xã Đào Thịnh đã gây dựng được một hệ thống phân phối hàng hóa với trên 30 đại lý tại các xã trên toàn huyện, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân.
Anh Nguyễn Tiến Công - chủ cửa hàng cho biết: "Cửa hàng chúng tôi có đầu đủ các mặt hàng công nghệ phẩm, quần áo, giầy, dép và hàng gia dụng với các mức giá phù hợp với nhu cầu của người dân. Tuy là địa bàn nông thôn nhưng mức sống của người dân đã được nâng cao, nên nhu cầu mua sắm cũng tăng. Chúng tôi chú trọng vào chất lượng, thương hiệu, giá phải chăng nên lượng khách hàng và doanh thu của cửa hàng tương đối ổn định”.
Hạ tầng thương mại, dịch vụ khu vực nông thôn được đầu tư, nâng cấp, không chỉ đáp ứng nhu cầu kinh doanh, giao thương hàng hóa của người dân, mà còn là tiền đề để khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển về mọi mặt.
Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Nhằm tiếp tục nâng cấp hạ tầng thương mại nông thôn, tỉnh khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng chợ, các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh theo hướng văn minh, hiện đại. Tập trung cải tạo, nâng cấp các chợ hiện có, nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, phát triển các mô hình "Chợ 4.0”…”.
Cùng đó, khuyến khích phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi, tiện ích, cửa hàng kinh doanh tổng hợp ở khu vực nông thôn, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phù hợp, hình thành mạng lưới phân phối hàng hóa phủ khắp toàn tỉnh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Hồng Duyên