Đề xuất quy định mới về tiền bản quyền trong báo chí, xuất bản

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/9/2024 | 5:57:27 PM

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy cần phải xây dựng Nghị định quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản để quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ về biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền, thay thế Nghị định 18...

Nghị định số 18 cũng chưa có quy định điều chỉnh đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí. Ảnh minh họa
Nghị định số 18 cũng chưa có quy định điều chỉnh đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí. Ảnh minh họa

Dự thảo tờ trình về việc ban hành Nghị định quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến nêu rõ: Nghị định số 18/2014/NĐ-CP được Chính phủ ban hành năm 2014 quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản có nhiều điểm mới, quy định rõ mức nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí, xuất bản vào thời điểm ban hành.

Điều này có tác động tích cực, khuyến khích sự sáng tạo, phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng; tạo khung pháp lý để các cơ quan báo chí, nhà xuất bản hoạt động phù hợp với các quy định về tài chính, đồng thời xây dựng và phân bổ quỹ nhuận bút cho các bộ phận liên quan với khung nhuận bút chi tiết, phương pháp tính rõ ràng.

Quy độ chế độ nhuận bút lĩnh vực báo chí, xuất bản còn hạn chế

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, qua rà soát, đánh giá, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy một số quy định của Nghị định số 18 (về phạm vi điều chỉnh; đối tượng điều chỉnh; đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao; đối tượng tính nhuận bút, mức chi trả và cách tính nhuận bút, thù lao; khung nhuận bút và phương pháp tính nhuận bút, thù lao; cơ chế hình thành Quỹ nhuận bút…) đã bộc lộ hạn chế, bất cập. Do đó chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của lĩnh vực báo chí, xuất bản dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.

Cụ thể theo quy định của Nghị định số 18, cơ chế chi trả nhuận bút không phân biệt tác phẩm hình thành từ nguồn tài chính nào, trong khi hiện nay cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập cho phép các đơn vị tự đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động được quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp hơn.

Ngân sách nhà nước cấp kinh phí cho cơ quan báo chí, nhà xuất bản sản xuất tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm nhưng Nhà nước không được xác định là chủ sở hữu quyền tác giả.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thực tế, khi sản xuất tác phẩm báo chí mà không sử dụng nguồn kinh phí là ngân sách nhà nước, một số cơ quan báo chí không áp dụng quy định của Nghị định 18 để tính nhuận bút, thù lao (như: Đài Truyền hình Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Việt Nam).

Bên cạnh đó chưa quy định đầy đủ các đối tượng có liên quan (gián tiếp) sản xuất tác phẩm báo chí; mặt khác quy định không thống nhất giữa đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử với tác phẩm báo nói, báo hình.

Do đó, một số đối tượng tham gia vào việc sản xuất, công bố tác phẩm báo chí (nhân sự thuộc bộ phận kỹ thuật, hành chính…) không được hưởng thù lao.

Một số thể loại báo chí chưa được quy định là đối tượng được tính nhuận bút, thù lao trong Nghị định. Do đó, cơ quan báo chí không có căn cứ để tính nhuận bút, thù lao đối với những tác phẩm này.

Trong thực tế, bằng việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, tác phẩm báo chí được cơ quan báo chí sản xuất, đăng, phát trên các nền tảng số. Những tác phẩm này thể hiện tính sáng tạo, có sự lan tỏa đến nhiều người đọc. Tuy nhiên, Nghị định 18 chưa có quy định tính nhuận bút, thù lao cho các trường hợp này, dẫn đến các cơ quan báo chí phải trả chi phí để sản xuất nhưng không được tính nhuận bút, thù lao.

Đối với lĩnh vực báo chí, Nghị định 18 chỉ quy định khung nhuận bút, cách tính nhuận bút mà chưa có quy định về cách tính thù lao. Các cơ quan báo chí đều cho rằng khung nhuận bút, mức chi trả nhuận bút, thù lao đối với một số thể loại tác phẩm báo chí còn thấp, chưa khuyến khích được sáng tạo.

Do đó, cần thiết nâng mức chi trả nhuận bút, thù lao phù hợp với thực tế đối với một số thể loại tác phẩm báo chí nhằm khuyến khích sáng tạo.

Mặt khác, mức chi trả nhuận bút, thù lao cần được sửa đổi phù hợp các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của cơ quan báo chí (thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật đã được Nhà nước ban hành), tránh chồng chéo, lúng túng cho cơ quan báo chí khi thực hiện.

Luật mới tác động đến quy định về nhuận bút và thù lao trong lĩnh vực báo chí

Hiện nay, các căn cứ để ban hành Nghị định số 18 đã được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, nhiều quy định mới về sở hữu trí tuệ (quyền tác giả, quyền liên quan), về giá, về đấu thầu, về cơ chế tài chính, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá sản xuất tác phẩm báo chí, xuất bản đã được ban hành thay thế các quy định đang có ở Nghị định 18.

Do đó, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chế độ nhuận bút, thù lao trong lĩnh vực báo chí, xuất bản quy định tại Nghị định 18 cần được thay thế, bãi bỏ để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quy định của pháp luật.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ mới đã quy định về tiền bản quyền. Do đó, các quy định về chế độ "nhuận bút, thù lao” cần được thay thế bằng các quy định về "tiền bản quyền” để đảm bảo đồng bộ, thống nhất.

Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền. Do đó, việc ban hành Nghị định quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản là Nghị định quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ về biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền đối với tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm, đồng thời thay thế Nghị định 18.

Bên cạnh đó là các quy định về cơ chế tự chủ tài chính, đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Do vậy, cần thiết quy định rõ đối tượng điều chỉnh trong lĩnh vực báo chí, xuất bản là tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.

Từ các căn cứ này, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy cần thiết phải xây dựng Nghị định quy định về tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản để quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ về biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Dự thảo Nghị định có nhiều điểm mới trong đó quy định về tiền bản quyền đối với việc sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí (đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác), tác phẩm trong xuất bản (xuất bản phẩm in và xuất bản phẩm điện tử) bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước thông qua đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu.

Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.

Cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu chi trả tiền bản quyền cho cơ quan báo chí sáng tạo tác phẩm theo đơn giá được xây dựng trên cơ sở quy định pháp luật về giá, định mức kinh tế kỹ thuật.

Cơ quan báo chí chi trả tiền bản quyền sáng tạo tác phẩm theo thỏa thuận hoặc quy chế chi tiêu nội bộ nhưng không được vượt quá đơn giá được cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm, đấu thầu.

Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng tác phẩm của cơ quan báo chí sử dụng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước để sáng tạo tác phẩm phải trả tiền bản quyền cho cơ quan báo chí.

Cơ quan báo chí được giao nhiệm vụ thực hiện việc thu tiền bản quyền khi cho phép khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.

Số tiền thu được từ việc khai thác, sử dụng tác phẩm báo chí được đưa vào nguồn thu sự nghiệp của cơ quan báo chí theo quy định pháp luật về tài chính.

Mức tiền bản quyền trong trường hợp khai thác, sử dụng tác phẩm báo nói, báo hình áp dụng theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Mức tiền bản quyền trong trường hợp khai thác, sử dụng tác phẩm báo in, báo điện tử do cơ quan báo chí thỏa thuận nhưng không được thấp hơn 20% tiền bản quyền sáng tạo tác phẩm…

(Theo VnEconomy)

Các tin khác
Dừng 10 đoàn tàu để tránh bão Yagi. (Ảnh minh họa)

Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội vừa ra thông báo dừng khai thác 10 đoàn tàu chạy trong các ngày từ 7 – 12/9 để đảm bảo an toàn trong bão Yagi (bão số 3).

Các sản phẩm OCOP của huyện Mù Cang được trưng bày quảng bá tại các lễ hội trên địa bàn.

Thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã có nhiều chính sách tạo điều kiện phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương thành sản phẩm OCOP.

Cán bộ kiểm lâm và nhân dân thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải

Hiện Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải (Yên Bái) có 221 loài, 162 giống, 61 họ thuộc hệ động vật có xương sống trên cạn... Đặc biệt, nơi đây còn một số đàn vượn đen tuyền và nhiều loài động thực vật quý hiếm khác đang được cấp ủy, chính quyền và người dân bảo vệ nghiêm ngặt.

Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái tích cực tham gia giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số.

Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Yên Bái đã vận dụng linh hoạt các chế độ, chính sách để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục