Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đêm 6/9, nhiều người dân đã khẩn trương thu hoạch vụ mùa trước khi siêu bão YAGI tiến sâu vào đất liền.
Với phương châm "xanh nhà hơn già đồng” và tinh thần khẩn trương, gấp rút tránh bão, chính quyền xã An Thịnh, huyện Văn Yên đã huy động nhân lực, phương tiện cùng với bà con nhân dân thu hoạch vụ lúa mùa ngay trong đêm 6/9 để tránh bị đổ, ngập úng. Dù thóc chưa chín, chưa mẩy nhưng thời điểm này, bán được giá 85.000 đồng/kg là nông dân đã có lãi.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đã chín, với những vùng cấy lúa mùa muộn, vùng trồng cây vụ đông, xã An Thịnh cũng huy động nguồn nhân lực tiêu kiệt nước đệm trên mặt ruộng và nước đệm trên các hệ thống kênh mương; kiểm tra các công trình thủy lợi và máy móc, có phương án sẵn sàng tiêu úng khi có mưa lớn.
Nông dân xã An Thịnh, huyện Văn Yên, Yên Bái hối hả gặt lúa trong đêm ngày 6/9 trước khi bão YAGI tăng cường độ.
Tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, UBND xã cũng đã tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động khẩn trương thu hoạch các diện tích lúa đã chín để hạn chế thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ vào.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc, người dân cũng đang khẩn trương thu hoạch nhanh gọn diện tích rau màu, đặc biệt tại các khu vực bãi ven sông để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra. UBND xã cũng hướng dẫn nhân dân chuẩn bị đủ lượng hạt giống (ngô, rau màu…) để sẵn sàng gieo trồng lại.
Người dân Yên Bái hối hả gặt lúa trước khi siêu bão Yagi đổ bộ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 22.390,7ha diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản với tổng số 2.325 lồng nuôi cá, nguy cơ rất cao bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Các địa phương, chủ các cơ sở nuôi trồng đã triển khai gia cố lồng bè, khu nuôi thủy sản. Các đơn vị của ngành nông nghiệp đã ban hành văn bản gửi các phòng chuyên môn, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng tránh bão và khôi phục sản xuất sau bão.
Để chủ động ứng phó với siêu bão YAGI, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn và người dân theo dõi sát thông tin về tình hình mưa bão, lũ lụt; gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa các cành cây to trước cửa nhà; chuẩn bị đèn pin và dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men trong ít nhất 7 ngày; chủ động di dời, sơ tán người và tài sản đến khu vực an toàn…
(Theo TPO)