Mặc dù so với một số năm trước đây thì giá sơn tra năm nay cũng còn thấp. Song, so với cây nông nghiệp chủ lực truyền thống của người dân địa phương thì sơn tra vẫn mang lại thu nhập cao hơn nhiều. Chẳng hạn, giá sơn tra chỉ ngang giá thóc, ngô hạt nhưng ngược lại, cây sơn tra cơ bản không mất chi phí đầu tư theo từng vụ nên gần như thu hoạch được bao nhiêu là người dân được hưởng bấy nhiêu.
Cân bao tải sơn tra bán cho khách xong, ông Giàng A Su, bản Háng Gàng, xã Lao Chải chia sẻ: "Tôi có 3 nương sơn tra hiện đều đã cho thu hoạch quả và gia đình đã hái mang ra trung tâm huyện bán được hơn 1 tấn. Giá sơn tra năm nay dao động từ 4.000 đồng đến 8.000 đồng/kg đối với loại để ngâm, còn loại quả để ăn thì bán được giá hơn 10.000 đồng/kg.
Năm nay, sơn tra của gia đình tôi ít quả và quả không được đẹp do đầu năm bị mưa đá nên ước sản lượng khi hái hết chỉ khoảng 3 tấn, trừ chi phí xăng dầu vận chuyển chỉ còn hơn chục triệu đồng. Tuy nhiên, tôi thấy vẫn còn được nhiều hơn so với trồng lúa, ngô, vì không mất chi phí giống, vật tư, chăm sóc và thu hoạch đơn giản. Đặc biệt, hằng năm chỉ cần thăm nom không để gia súc vào phá, không để trộm vặt quả, không để xảy ra cháy thì trồng một lần có thể thu hoạch cả đời người”.
Không riêng gì phía bên trung tâm huyện, mà ở xã Nậm Có, địa phương được các thương lái đánh giá là sơn tra có hình thức quả đẹp nhất nhì trong huyện và mỗi ngày có trên 50 lượt xe máy chở táo từ bản Lùng Cúng xuống trung tâm xã để bán.
Chia sẻ về tình hình sơn tra của địa phương năm 2024, ông Thào A Cu - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho biết: "Xã hiện có trên 1.400 ha với hơn 300 ha đã cho thu hoạch quả. Dự tính vụ quả sơn tra năm 2024 ước tổng sản lượng đạt trên 400 tấn và với giá bán hiện nay dao động từ 4.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Sơn tra của xã năm nay khá sai quả. Theo đó, xã xác định tuy giá sơn tra năm nay không được cao như một số thời điểm trước đây nhưng so với cây lúa, cây ngô thì cũng vẫn bán được giá. Bởi vậy, để bảo đảm bán được hết sản lượng cũng như không để tư thương ép giá, bà con cần bảo nhau không thu hoạch ồ ạt và chuyển ra thị trường bán hằng ngày ở mức cung vừa đủ cầu”.
Với mục tiêu bán được giá ổn định nhất và bán được nhiều sản lượng nhất, vụ sơn tra năm nay dự tính nhân dân bản Lùng Cúng của xã Nậm Có sẽ có nhiều hộ có thu nhập trên 20 triệu đồng từ cây sơn tra như các hộ: ông Chang A Ninh, Thào Sú Rùa, Lù Dủ Sinh... Với số tiền từ 10 đến 20 triệu đồng cũng không phải là nhiều so với ở thành thị, nhưng với đồng bào Mông ở vùng cao, cả năm lao động chính của họ chỉ sản xuất ra khoảng từ 2,5 - 3 tấn lương thực có hạt, quy ra giá trị sau khi trừ hết chi phí giống, vật tư, công lao động thì thu nhập của họ chỉ còn chưa đến 10 triệu đồng, nên con số thu nhập như trên từ quả sơn tra cũng là rất lớn đối với họ. Với số tiền từ bán sơn tra, nhà ít cũng đủ lo cho con vào năm học mới, nhà nhiều có thể mua được con trâu, bò giống để phát triển kinh tế...
Huyện Mù Cang Chải hiện có trên 6.000 ha sơn tra, trải khắp ở 13 xã; trong đó, hơn 3.000 ha đã cho thu hoạch, bình quân tổng sản lượng hằng năm đạt trên 3.000 tấn. Theo đó, với giá táo ổn định như hiện nay thì hằng năm cây sơn tra cũng mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho nhiều người dân, góp phần giúp bà con giải quyết những khó khăn trước mắt trong cuộc sống.
Đặc biệt, diện tích sơn tra đã ra quả thì hằng năm, chỉ việc trông coi gia súc phá, phòng chống cháy rừng, không mất chi phí đầu tư, chăm sóc nữa mà vẫn cho thu hoạch; giá cả sản phẩm quả sơn tra tương đương giá lúa tẻ, giá ngô hạt. Đây là động lực mạnh mẽ giúp người dân nâng cao trách nhiệm, ý thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, sơn tra là cây thuộc họ cây thân gỗ lớn có tác dụng phòng hộ, phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ môi trường hiệu quả, phù hợp với thực tế ở vùng cao.
A Mua