Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng được đẩy mạnh với nội dung phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng.
Công tác rà soát, ban hành bổ sung cơ chế thực hiện cuộc vận động; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong quảng bá, phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường được các sở, ngành chú trọng đẩy mạnh.
Các cơ quan, tổ chức là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, góp phần tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo đảm tính minh bạch về thông tin, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.
Nhiều mặt hàng sản xuất trong nước, trong tỉnh từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm, tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị, điểm bán lẻ chiếm trên 80%.
"Tôi rất vui và tự hào vì hiện nay đi vào các siêu thị, cửa hàng tạp hóa thì hàng Việt mình luôn chiếm ưu thế. Nhất là các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của Yên Bái cũng đã có chỗ đứng nhất định. Có dịp biếu quà cho người thân, bạn bè tôi đều mua các sản phẩm của tỉnh mình như: miến Giới Phiên, mật ong, chè Suối Giàng, trà táo mèo… Người thân, bạn bè của tôi rất thích các sản phẩm này”, chị Nguyễn Thu Hằng ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái chia sẻ.
Thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Sở Công Thương Yên Bái đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp để nâng thị phần hàng Việt Nam tại các kênh phân phối như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử... và các kênh phân phối truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa... trên địa bàn.
Hiện các trung tâm thương mại, cửa hàng… đều nỗ lực phân phối hàng Việt Nam, các sản phẩm OCOP của địa phương và một số tỉnh bạn. Đặc biệt, toàn tỉnh còn có 20 điểm giới thiệu và bán hàng OCOP được phân bổ đồng đều trên địa bàn các huyện, thị, thành phố đã giúp người dân tin tưởng và sử dụng nhiều hơn các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Cùng với đó, Sở Công Thương thường xuyên đăng tải, cập nhật lên trang thông tin điện tử, sàn thương mại điện tử để thông tin đến cho người dân về các sản phẩm đặc sản tiêu biểu của tỉnh, nhất là các sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Đến nay, đã cập nhật trên 1.000 lượt thông tin, trong đó cập nhật thông tin 237 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và các sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử tỉnh Yên Bái:www.sctyenbai.com.
Là một trong những đơn vị tiên phong triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh, huyện Yên Bình luôn không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm là thế mạnh, đặc trưng, các sản phẩm OCOP của tỉnh như cá sấy hồ Thác Bà, thịt lợn sấy, gạo, quế, táo mèo...
Chị Đào Thị Hiền - Giám đốc HTX chia sẻ: "HTX rất cẩn thận trong việc lựa chọn các sản phẩm OCOP và một số sản phẩm đặc trưng đặc sản vùng miền, đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý để phục vụ người dân. Ngoài việc bán hàng trực tiếp, HTX còn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử và tích cực tham gia các hội chợ... Do đó, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Yên Bái cũng như các tỉnh bạn đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn”.
Theo ông Trịnh Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, sau nhiều năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần nâng tầm và khẳng định vị thế các sản phẩm hàng Việt Nam tới người tiêu dùng. Thông qua cuộc vận động, nhận thức của nhân dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt ngày càng nâng cao. Đối với doanh nghiệp thì hiểu rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Để Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" hiệu quả hơn, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh vận hành bán hàng trên sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm, để mỗi người dân sẽ luôn ưu tiên và tự hào khi dùng hàng Việt.
Có thể thấy, hiệu ứng tích cực từ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần nâng cao nhận thức trong tiêu dùng của người dân, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong tỉnh Yên Bái nói riêng và trên cả nước nói chung, tạo điều kiện để sản phẩm mang thương hiệu Việt phát triển bền vững và hướng tới xuất khẩu.
Hồng Duyên