Với tinh thần nước rút tới đâu, khắc phục hậu quả tới đó, sau khi hoàn lưu cơn bão số 3 qua đi, xã Xuân Ái đã bắt tay ngay vào công việc khắc phục hậu quả để sớm ổn định sản xuất. Trên khắp các cánh đồng, chính quyền địa phương đang cùng bà con nông dân xuống đồng.
Ông Trịnh Quách Côn - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Ái cho biết: "Ngoài việc khôi phục diện tích lúa ngô bị ảnh hưởng, chúng tôi đã khẩn trương kiểm tra đánh giá mức độ ảnh hưởng, tình trạng thực tế của cây dâu để hướng dẫn kịp thời cho người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp”.
Được biết, ngoài việc khuyến cáo người dân ngắt bỏ lá, không thu hái lá ở các ruộng dâu bị ngập nước cho tằm ăn, xã cũng hướng dẫn các hộ nuôi tằm áp dụng biện pháp sử dụng đường Gluco pha nước để phun lên lá dâu cho tằm ăn, hạn chế tỷ lệ tằm chết, không đốn bỏ thân cây ở thời điểm hiện tại, chăm sóc cho cây phục hồi giữ lại phần cành để tạo nguồn hom giống nhân rộng tại địa phương. Đặc biệt, đối với những diện tích đất lúa, ngô bị thiệt hại do ngập lụt, bồi lấp thì ngay lập tức xử lý đất đúng kỹ thuật để chuyển đổi sang trồng cây dâu.
Chị Vũ Thị Kiều ở thôn Sông Hồng, xã Xuân Ái cho biết: "Ngay sau khi nước rút, ngoài việc dọn dẹp vệ sinh môi trường, chúng tôi đã được chính quyền địa phương, đặc biệt là cán bộ khuyến nông thường xuyên xuống đồng hướng dẫn cách khắc phục những diện tích lúa, rau màu, đặc biệt là diện tích dâu tằm đ thiệt hại để có hướng khắc phục. Đến nay, gia đình tôi đã biết cách khắc phục và cải tạo lại đồng ruộng, tiếp tục khôi phục sản xuất để ổn định đời sống”.
Cùng với các địa phương trong huyện, vừa qua, thị trấn Mậu A đã tổ chức
phát động trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa với sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, lực lượng công an, trưởng phó các ngành, đoàn thể, hội viên, đoàn viên và nhân dân. Tại đây, các lực lượng đã cùng xuống đồng tập trung cải tạo đất, gieo trồng ngô đông và rau màu ngắn ngày để bù đắp những thiệt hại và sản xuất lương thực, thực phẩm do hoàn lưu bão số 3 gây ra.
Được biết, thực hiện kế hoạch của UBND huyện Văn Yên về việc khôi phục sản xuất sau bão, thị trấn Mậu A đã thành lập các đoàn đến từng tổ dân phố để tuyên truyền, vận động, cùng nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ và tập trung cải tạo đất, gieo trồng cây vụ đông. Đến nay, thị trấn đã gieo trồng được trên 10 ha ngô đông và rau màu.
Ông Đinh Mạnh Cường - Chủ tịch UBND thị trấn Mậu A cho biết: "Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu trồng ngô đông năm 2024, thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo tập trung khắc phục các ruộng, bãi bị ngập sâu, vùi lấp, tổ chức lực lượng ra quân giúp nhân dân khơi cống rãnh, ruộng, bãi... Đồng thời huy động mọi nguồn lực, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ về phân bón và giống của huyện tạo điều kiện cho nhân dân tiếp tục khôi phục phát triển sản xuất, ổn định đời sống”.
Theo thống kê, huyện Văn Yên đã bị thiệt hại gần 236 tỷ đồng do ảnh hưởng của bão số 3. Trong đó, ngành nông nghiệp bị thiệt hại khá lớn với trên 1.370 ha lúa, ngô, hoa màu; trên 174 ha cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; 444 ha cây lâm nghiệp; 82 ha diện tích nuôi cá truyền thống và 3 lồng cá; 21.350 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi. Để sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân, huyện đã triển khai song song kế hoạch phục hồi sản xuất sau thiên tai gắn với triển khai sản xuất vụ đông năm 2024, bảo đảm không để ruộng hoang nhằm bù đắp những thiệt hại do thiên tai.
Ông Phạm Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "UBND huyện Văn Yên đã thành lập 9 tổ công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Huyện ủy viên làm trưởng đoàn xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, thống kê số thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực đến từng thôn bản, từng hộ gia đình. Cùng với đó, huyện cũng huy động hơn 20 nghìn người từ các lực lượng tập trung xuống các thôn bản để hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Đối với những diện tích không thể khôi phục, huyện cũng chỉ đạo tập trung xử lý, cải tạo đất để trồng cây vụ đông với chủ đạo là cây ngô, cây dâu và một số loại rau màu với phương châm không để đất trống.
Huyện cũng đồng thời xây dựng kế hoạch trồng bổ sung 967 ha ngô trên đất hai vụ lúa và đất đồi, soi bãi để bù đắp sản lượng thiệt hại do mưa lũ. Đối với chăn nuôi, thuỷ sản, huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp nghiên cứu, vận dụng, triển khai các chương trình, chính sách của tỉnh, Trung ương để tiếp tục tái đàn, tăng đầu đàn, mở rộng diện tích nuôi thuỷ sản để nâng cao thu nhập cho các hộ dân”.
Nhờ tinh thần đồng lòng, quyết tâm và những giải pháp kịp thời, quyết liệt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Văn Yên đã dần hồi phục. Những bao lúa, ngô giống đã được vận chuyển về tận sân, những vườn dâu tằm đang xanh mướt trở lại, những chuồng trại đã được vệ sinh khử trùng đón ch lứa chăn nuôi mới đã mang theo niềm vui và hy vọng về một vụ đông thắng lợi cho người nông dân vùng đất quế Văn Yên.
Thu Trang