Khi còn là hộ nghèo, gia đình bà Vi Thị Thúy tại thôn Tầm Vông, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên đã được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện cho vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để phát triển chăn nuôi. Nhờ đồng vốn chính sách mà bà Thúy đã mở rộng quy mô chăn nuôi gà lên 500 con/lứa, mang lại thu nhập mỗi năm từ 120 triệu – 150 triệu đồng. Bà Thúy phấn khởi chia sẻ: "Nhờ đồng vốn chính sách mà tôi đã mở rộng quy mô chăn nuôi, có việc làm và thu nhập ổn định, giúp gia đình thoát khỏi hộ nghèo vào cuối năm 2022”.
Không chỉ gia đình bà Thúy, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Lục Yên đã được vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Trước khi có Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách triển khai tại huyện Lục Yên là 267 tỷ đồng với 12.007 hộ vay vốn. Trong đó, có 9.629 hộ là người dân tộc thiểu số (DTTS) với tổng dư nợ đạt 215 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 80,05%.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị, đến 30/6/2024, dư nợ tín dụng chính sách của huyện Lục Yên đạt trên 809 tỷ đồng, tăng trên 542 tỷ đồng (tăng hơn 3 lần) so với năm 2014. Trong đó, đã có 11.204 hộ vay là người DTTS với dư nợ trên 703 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 86,87%.
Với ưu đãi về lãi suất cho vay, thời gian cho vay; quy trình, thủ tục phục vụ người dân ngay tại cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các DTTS được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Đồng bào các DTTS ở Lục Yên đã sử dụng nguồn vốn tín dụng đúng mục đích, cơ bản có hiệu quả, trả nợ đúng hạn và có lãi để đầu tư tái sản xuất.
Ông Nguyễn Viết Giang – Trưởng phòng Dân tộc huyện Lục Yên cho biết: Việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay đã có rất nhiều mô hình sản xuất của hộ đồng bào DTTS có hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng cây ăn quả của hộ gia đình ông Nông Đức Ái, thôn 11 xã Mường Lai có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp của hộ gia đình ông Đình Quang Thơ, thôn Khau Dự, xã Minh Tiến cho thu nhập 150 triệu đồng/năm.
Cùng đó là mô hình dự án sản xuất gạch không nung của hộ gia đình ông Trần Văn Cương, tổ 2, thị trấn Yên Thế, thu nhập 500 triệu đồng/năm; mô hình thực hiện dự án chế tác đá phong thủy của hộ gia đình ông Hoàng Văn Học, thôn Ngòi Kèn, xã Liễu Đô thu nhập 800 triệu đồng/năm; mô hình thực hiện dự án sản xuất tràng hạt của hộ gia đình ông Nông Mạnh Tuân, thôn Sơn Hạ, xã Mai Sơn cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm; mô hình dự án xây dựng nhà lưới trồng rau và hoa quả sạch của hộ gia đình các bà Lý Thị Cúc, Long Thị Ca, Đào Thị Lý ở thôn São, xã Tân Lập mỗi năm thu nhập trên 700 triệu đồng....
Ngoài ra, nguồn vốn cho vay để đầu tư cho lĩnh vực xã hội, phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân đã phát huy hiệu quả, giúp cho đồng bào xây dựng được nhà cửa khang trang, ổn định cuộc sống, tạo việc làm cho lao động nông thôn; học sinh có thêm nguồn tài chính để đi học nghề, học cao đẳng, đại học...
Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho đồng bào DTTS đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Đến 30/6/2024, huyện Lục Yên đã giảm 2 xã thuộc khu vực III, 4 xã thuộc khu vực II theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,8%/năm; huyện phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 58 triệu đồng.
Ông Đoàn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong thời gian tới, huyện Lục Yên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các chương trình tín dụng chính sách đến đồng bào DTTS. Tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trong sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ gốc và lãi đảm bảo theo quy định.
Tiếp tục cập nhật công khai, minh bạch các đối tượng thụ hưởng và các chính sách tín dụng qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi họp dân hoặc niêm yết công khai tại các điểm giao dịch xã để dân biết, dân tham gia đôn đốc và giúp đỡ các đối tượng thụ hưởng sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả. Tăng cường hơn nữa công tác khảo sát nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng để chủ động trong việc đáp ứng nguồn vốn vay, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận; quản lý, kiểm tra, giám sát sử dụng nguồn vốn mục đích và hiệu quả.
Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động giao dịch xã, thực hiện công khai về các thông tin, các chủ trương chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn, đồng thời phát huy vai trò giám sát cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước tại địa phương.
Mạnh Cường