Bà Lê Thị Lụa - Chủ tịch HND huyện Trấn Yên cho biết: HND huyện Trấn Yên hiện có gần 14.000 hội viên, sinh hoạt tại 21 cơ sở hội, 184 chi hội. Xác định phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, Hội thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến khích, động viên hội viên, nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp…
Hàng năm, các cấp HND thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân; cung ứng hàng nghìn tấn phân bón, thức ăn chăn nuôi, cây con giống, vật tư nông nghiệp theo phương thức trả chậm, hỗ trợ hàng nghìn lượt nông dân phát triển sản xuất; tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình sản xuất giỏi trong và ngoài tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, HND huyện đã phối hợp tổ chức 184 buổi tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 8.500 lượt hội viên; các cơ sở hội phối hợp cung ứng vật tư, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho 1.500 lượt hội viên về kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi; cung ứng hơn 550 tấn phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật... trị giá trên 3,2 tỷ đồng theo phương thức trả chậm.
Cùng với đó, Hội đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và phối hợp thỏa thuận với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các cơ sở hội, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, thúc đẩy các mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả.
Trong đó, triển khai được 12 dự án với 34 hộ vay tổng số tiền 1.600 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. Duy trì ủy thác thực hiện 6 dự án tại xã Việt Thành, Hồng Ca, Báo Đáp, Hưng Khánh, Hòa Cuông, Minh Quán, Kiên Thành cho 57 hộ vay tổng số tiền 4.350 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương và tỉnh.
Thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, HND đang quản lý 77 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ 176 tỷ đồng cho 2.561 hộ vay. Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duy trì hoạt động của 34 tổ vay vốn tại 8 cơ sở hội, với tổng dư nợ 134 tỷ đồng, cho 1.005 hộ vay vốn.
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi được quan tâm, ngày càng đi vào chiều sâu đã tạo sức lan tỏa, xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân tiêu biểu trong SXKD, dám nghĩ, dám làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tính riêng trong năm 2023, toàn huyện có trên 7.500 hộ hội viên đăng ký và có trên 6.600 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp.
Mô hình nuôi chim bồ câu của ông Nguyễn Thanh Khang, thôn Yên Ninh, xã Hưng Thịnh cho hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, các cấp Hội đã thành lập trên 120 tổ hợp tác (THT), 10 hợp tác xã (HTX), 8 chi hội và 27 tổ hội nông dân nghề nghiệp làm ăn có hiệu quả. Nhiều THT, HTX tiêu biểu hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội.
Có thể kể đến các điển hình như: HTX Dịch vụ và môi trường, xã Đào Thịnh; HTX Chăn nuôi Thành Công, xã Minh Quán; HTX Dịch vụ tổng hợp, HTX cây giống, xã Báo Đáp; THT trồng cây lá khôi thôn Bản Dọc, Bản Vần, xã Việt Hồng; THT trồng dâu, nuôi tằm các xã: Báo Đáp, Y Can, Việt Thành; Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi vịt bầu, trồng cây dược liệu kết hợp du lịch truyền thống xã Việt Hồng; Tổ hội may mặc xã Nga Quán...
Trên địa bàn huyện, có 7 sản phẩm gỗ rừng trồng được chứng nhận chất lượng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và chứng chỉ FSC; 13 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết, sản xuất các loại cây trồng chủ lực, vùng sản xuất hàng hóa tập trung có thế mạnh. Đến nay, quy mô, sản lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa đều tăng, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 1.600 tỷ đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt trên 27.600 tấn/năm.
Cụ thể là vùng sản xuất tre măng Bát độ trên 4.200 ha, sản lượng khai thác măng thương phẩm đạt 33.000 tấn; vùng trồng dâu trên 900 ha, sản lượng kén tằm đạt gần 1.300 tấn; diện tích quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ là 3.433ha; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt trên 167.000 m khối.
Chăn nuôi hàng hóa phát triển theo hướng trang trại, gia trại đã phát triển được trên 620 cơ sở, nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm đạt trên 1 vạn con/lứa. Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 12.600 tấn; khai thác, sử dụng có hiệu quả diện tích nuôi trồng thủy sản với 490 ha, 79 lồng nuôi cá, sản lượng khai thác thủy sản trên 1.700 tấn/năm.
Với những việc làm thiết thực và hiệu quả, Phong trào "Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” huyện Trấn Yên đã thể hiện rõ vai trò, sự đồng hành của tổ chức Hội, khơi dậy ý chí quyết tâm, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình của mỗi hội viên, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vũ Đồng