Yên Bái hiện có khoảng trên 434.646 ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 63% - là địa phương nằm trong tốp đầu về độ che phủ rừng của toàn quốc.
Khai thác tiềm năng này, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách về đầu tư, giao đất lâm nghiệp, khoán bảo vệ rừng, sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty lâm nghiệp... Qua đó, góp phần quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất đai, tài nguyên rừng.
Hằng năm, toàn tỉnh trồng mới khoảng trên dưới 15.000 ha rừng các loại với sản lượng gỗ khai thác trên dưới 8.000 m3. Con số này đưa Yên Bái trở thành tỉnh trọng điểm phát triển rừng trồng sản xuất và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, diện tích rừng trồng tăng nhanh hàng năm nhưng năng suất, chất lượng rừng còn thấp, thu nhập từ rừng mang lại chưa cao.
Để khắc phục tồn tại này, tỉnh và ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng chương trình quản lý rừng bền vững để cấp Chứng chỉ rừng FSC nhằm hỗ trợ cho người trồng rừng có phương án kinh doanh hiệu quả hơn, mang lại thu nhập cao hơn, bảo vệ được môi trường sinh thái, tạo sự phát triển bền vững về lâm nghiệp.
Nội dung này cũng đã được đưa vào nghị quyết, các chương trình hành động, được xác định là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhưng thực tế việc cấp chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng rừng hiện có.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, năm 2024, toàn tỉnh có kế hoạch duy trì và cấp Chứng chỉ rừng FSC cho 22.550 ha rừng. Tuy nhiên, lũy kế đến nay, toàn tỉnh mới cấp được Chứng chỉ rừng FSC cho 12.914 ha rừng, đạt 57,3% kế hoạch, chủ yếu là duy trì diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ từ năm 2023. Một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ cấp chậm là trình độ quản trị rừng của các chủ rừng tại Yên Bái còn rất hạn chế; nhiều chủ rừng chưa nhận thức đầy đủ về quản lý rừng bền vững cũng như các lợi ích khi có chứng chỉ FSC. Việc thiếu kiến thức này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chí quản lý rừng bền vững, ảnh hưởng đến khả năng cấp chứng chỉ.
Ngoài vấn đề trình độ quản lý, khó khăn về tài chính cũng là một rào cản lớn. Để có được Chứng chỉ rừng FSC, các chủ rừng cần đầu tư một số tiền không nhỏ cho việc thuê chuyên gia và tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm. Chi phí này thường vượt quá khả năng tài chính của người trồng rừng quy mô nhỏ.
Bên cạnh đó, FSC yêu cầu thực hiện các tiêu chí quản lý và khai thác rừng nghiêm ngặt. Song, thực tế tại Yên Bái, phần lớn diện tích rừng trồng của các hộ gia đình còn nhỏ lẻ và manh mún, với nhiều loại cây trồng trong một lô rừng. Điều này làm giảm giá trị kinh tế khi tham gia vào chương trình FSC, khiến người dân không mặn mà với việc liên kết xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.
Bên cạnh những khó khăn kể trên, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiến độ cấp Chứng chỉ rừng FSC còn chậm do một số doanh nghiệp đang tham gia thực hiện cấp Chứng chỉ rừng FSC còn yếu về nguồn lực. Đặc biệt, thời gian qua, thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, không tiêu thụ được sản phẩm gỗ có Chứng chỉ rừng FSC; qua đó, sẽ có tác động lớn đến việc triển khai thực hiện cấp Chứng chỉ rừng FSC.
Trước thực trạng này, để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ rừng, ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát các thị trường tiêu thụ sản phẩm, thị trường nào phù hợp theo Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam PEFC/VFCS thì triển khai thực hiện; thị trường nào bắt buộc phải thực hiện theo hệ thống chứng chi quốc tế thì xem xét mời các đơn vị tư vấn trong nước thực hiện nội dung rà soát, thẩm định hiện trường, đánh giá hồ sơ đủ điều kiện gửi tư vấn quốc tế xem xét cấp chứng chỉ theo quy định; tiếp tục chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp với các doanh nghiệp, người dân rà soát lập hồ sơ quản lý rừng bền vững, triển khai đánh giá hiện trường để cấp chứng chỉ rừng bền vững; tiếp tục kêu gọi, bổ sung các đơn vị, doanh nghiệp có năng lực và thị trường tiêu thụ sản phẩm tham gia quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn tỉnh; tăng cường liên kết các hộ gia đình có diện tích nhỏ lẻ và hướng dẫn người dân cử người đại diện để thực hiện các bước công việc trong cấp Chứng chỉ rừng FSC.
Tuy nhiên, để nhân rộng những cánh rừng FSC, thời gian tới, ngành chức năng, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tới các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển rừng trên địa bàn nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp.
Cần phát triển các mô hình liên kết giữa các hộ gia đình trong việc quản lý rừng bền vững; từ đó, nâng cao giá trị kinh tế và tạo ra sức mạnh tập thể trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển trồng rừng gỗ lớn, cấp Chứng chỉ rừng FSC; tiếp tục đẩy mạnh thu hút cũng như khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đổi mới đầu tư công nghệ, mở rộng và vươn rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... là đầu tàu hỗ trợ người dân trong việc cấp và duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Phát triển kinh tế lâm nghiệp và cấp Chứng chỉ rừng FSC tại Yên Bái là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía. Bằng việc nâng cao trình độ quản lý, hỗ trợ tài chính và xây dựng sự liên kết cộng đồng cùng nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân sẽ góp phần nhân rộng những cánh rừng FSC, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp, sớm đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Chứng chỉ FSC được cấp bởi Hội đồng Quản lý rừng thế giới (Forest Stewardship Council nhằm khuyến khích các hoạt động khai thác đi đối với phát triển bền vững tài nguyên rừng. Rừng được cấp Chứng chỉ rừng FSC không chỉ mang lại nhiều lợi ích về môi trường, bảo vệ tài nguyên đất, nguồn nước, mà gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ sẽ xuất khẩu thuận lợi; trong đó, nhiều thị trường chỉ nhập khẩu gỗ từ rừng có Chứng chỉ rừng FSC.
|
Văn Thông