Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn 87,7 - 88,7 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 87,88 - 88,88 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 100.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn 87 - 85,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Giá vàng miếng SJC được nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) niêm yết 89 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng SJC 87 - 89 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới niêm yết 2.744 USD/ounce, tăng 10 USD/ounce so với sáng qua. Giá vàng thế giới tương đương 83 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn bất ngờ giảm sau gần nửa tháng qua tăng liên tục theo giá vàng thế giới. So với giữa tháng, mỗi lượng nhẫn trơn đã tăng hơn 5 triệu đồng/lượng. Còn so với đầu năm, nhẫn trơn tăng gần 26 triệu đồng/lượng.
Những ngày này, người dân khó mua cả vàng nhẫn và vàng miếng SJC tại các cửa hàng lớn. Trong khi đó, trên các "chợ vàng” trên mạng lại hoạt động vô cùng nhộn nhịp. Giá giao dịch đều cao hơn giá niêm yết chính từ từ 500.000 - 1 triệu đồng/lượng.
Trong văn bản trả lời phản ánh tình trạng khó mua, bán vàng miếng SJC mới đây, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ: "Từ 3/6/2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức bán vàng miếng SJC thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn) để bán trực tiếp vàng miếng tới người dân. Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các tổ chức thực hiện nghiêm túc phương án bán vàng miếng SJC; tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện bán vàng miếng tại các điểm bán vàng miếng SJC…”.
Những biện pháp kể trên của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy được hiệu quả. Không còn tăng nóng, giá vàng trong nước dần thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Người dân cũng hưởng lợi khi được mua vàng với giá trị thực khi giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới. Ngay cả chênh lệch giữa giá vàng nhẫn và giá vàng miếng gần như ngang bằng nhau.
Tuy nhiên, chính Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trong cuộc họp báo quý vừa qua thừa nhận rằng, giải pháp bán vàng miếng SJC qua hệ thống 4 ngân hàng và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn chỉ là giải pháp tình thế.
Nhiều chuyên gia không ít lần kiến nghị phải sửa Nghị định 24 liên quan đến quản lý vàng trong đó có bỏ độc quyền vàng miếng SJC và được phép nhập khẩu vàng.
Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần giảm thiểu can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường vàng, sớm sửa đổi Nghị định 24/2012 theo hướng chỉ quản lý, hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo quy định.
"Ngân hàng Nhà nước không nên một mình giữ quyền sản xuất vàng miếng mà nên cân nhắc nghiên cứu việc cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhập khẩu và sản xuất vàng miếng để cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu đầu tư, tích trữ của người dân”, báo cáo nêu rõ.
Theo nhóm nghiên cứu, hiện nay, thị trường vàng tương đối ổn định nên việc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu cho doanh nghiệp là cần thiết, không nên tiếp tục kéo dài thêm "giải pháp tình thế” đã áp dụng trong suốt 10 năm qua.
Trên thị trường tiền tệ, sáng 28/10, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.252 đồng/USD, giảm 3 đồng/USD so với sáng qua.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng nay tăng mạnh giá phiên thứ 2 liên tiếp so với phiên trước. Đồng USD giao dịch (mua - bán) ở quanh mức 25.717 – 25.817 đồng/USD, tăng mạnh 141 đồng/USD chiều mua vào và tăng 121 đồng/USD chiều bán ra so với phiên giao dịch trước đó.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại giảm giá mua - bán đồng USD so với hôm trước. Cụ thể, tỷ giá USD tại Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD 25.164 – 25.464 đồng/USD, giảm nhẹ 3 đồng/USD chiều mua và chiều bán ra so với phiên trước đó.
BIDV niêm yết giá mua - bán USD quanh mức 25.194 - 25.464 đồng/USD, giảm 5 đồng/USD chiều mua và giảm 3 đồng/USD chiều bán ra.
(Theo TPO)