Những tháng đầu năm, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh xuất hiện trên đàn gia súc gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp linh hoạt, trọng tâm là các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”, trong đó chú trọng phát triển những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế của từng địa phương theo hướng hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết giá trị bền vững. Nhờ đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn đã đạt được những kết quả quan trọng duy trì tăng trưởng ở mức khá cao.
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện toàn diện, đồng bộ và tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong các tỉnh khu vực Tây Bắc. Đến hết tháng 9, toàn tỉnh đã công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 40% kế hoạch.
Huyện Yên Bình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và là đơn vị hành chính cấp huyện thứ 4 được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bão số 3 đã gây ra những hậu quả nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi và thủy sản, gây ra áp lực lớn cho việc giữ vững mục tiêu tăng trưởng chung. Theo thống kê, ngành nông nghiệp ước thiệt hại khoảng trên 510 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại về trồng trọt trên 90,8 tỷ đồng, lâm nghiệp trên 19 tỷ đồng, chăn nuôi 77,8 tỷ đồng, thủy sản 41,5 tỷ đồng, thủy lợi 281,2 tỷ đồng.
Trước thực tế này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Phương án số 01/PA-SNN nhằm đưa ra các giải pháp đồng bộ để khôi phục sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng trên 5,5% trong năm nay.
Theo đó, bên cạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Trung ương, của tỉnh do ảnh hưởng của bão số 3, ngành đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho từng lĩnh vực để phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân khôi phục các diện tích cây trồng, vật nuôi, mặt nước bị thiệt hại; đồng thời, thực hiện rà soát các quỹ đất trống, chuồng trại trống để hướng dẫn người dân nuôi, trồng tăng thêm diện tích các loại cây trồng, vật nuôi trong vụ đông, góp phần tăng sản lượng cây trồng, vật nuôi và khai thác gỗ rừng trồng.
Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Ngay sau lũ, Chi cục đã phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh việc phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người chăn nuôi khử trùng tiêu độc, không để các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát. Đồng thời, có các biện pháp khuyến khích đẩy mạnh chăn nuôi để bù đắp thiệt hại. Sau hơn một tháng thực hiện phương án khôi phục sản xuất sau bão lũ, ngành chăn nuôi Yên Bái đã phục hồi gần 400.000 con gia súc gia cầm, đặc biệt đàn gia cầm phát triển mạnh mẽ với trên 380.000 con”.
Cùng với phát triển chăn nuôi, để khôi phục lại sản xuất, đồng thời bù đắp một phần thiệt hại trong lĩnh vực lâm nghiệp, cũng như giá trị sản xuất của lĩnh vực lâm nghiệp, các địa phương trong tỉnh phấn đấu thực hiện trồng bổ sung khoảng 400 ha rừng sản xuất đồng thời đẩy mạnh khai thác rừng bổ sung với sản lượng gỗ khai thác tăng thêm khoảng 20.000m3, giá trị khoảng 35,331 tỷ đồng; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng thêm khoảng 16,080 tỷ đồng. Bên cạnh chăn nuôi và trồng rừng, hiện các địa phương cũng tập trung phát triển sản xuất cây vụ đông để bù đắp lương thực do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Bên cạnh thực hiện đồng bộ các biện pháp khắc phục và khôi phục sản xuất, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản năm 2024 đã được UBND tỉnh phê duyệt; Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia và hỗ trợ thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra... đảm bảo sát với tình hình thực tế của các địa phương.
Đồng thời, tiếp tục duy trì, phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm; tổ chức sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, gắn mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đa dạng chủng loại sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản xuất.
9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 5,34%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành, thứ 2/14 tỉnh trong vùng. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu của ngành cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 309.000 tấn bằng 97,1% kế hoạch, bằng 95% so với cùng kỳ; sản lượng chè búp tươi ước đạt 63.203 tấn, đạt 94,3% kế hoạch; tổng đàn gia súc chính ước đạt 853.289 con, đạt 97,9% kế hoạch, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 61.393 tấn, đạt 81,9% kế hoạch; trồng mới rừng ước đạt 15.400 ha, đạt 102,7% kế hoạch. |
Văn Thông