Nuôi hươu sao lấy nhung, hướng thoát nghèo mới tại miền núi Quảng Nam

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/11/2024 | 8:54:54 AM

Nuôi hươu sao lấy nhung được xem là hướng thoát nghèo mới đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là 1 trong nhiều mô hình về “phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đang được tỉnh Quang Nam triển khai.

Nuôi hươu sao lấy nhung, hướng thoát nghèo mới tại miền núi Quảng Nam
Nuôi hươu sao lấy nhung, hướng thoát nghèo mới tại miền núi Quảng Nam

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã triển khai chương trình liên kết chăn nuôi hươu sao lấy nhung. Huyện này liên kết với HTX Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ người dân chăn nuôi. UBND huyện Đông Giang làm chủ đầu tư hỗ trợ vốn các hộ dân tham gia chuỗi giá trị. Hợp tác xã Hương Sơn cung cấp con giống, cử cán bộ thú y theo dõi, hướng dẫn người dân cách chăn nuôi, làm chuồng trại và cam kết thu mua sản phẩm nhung hươu theo giá thị trường, tùy vào thời điểm thu mua.

Ông A Lăng Dự, ở xã Tà Lu, huyện miền núi Đông Giang là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia chương trình liên kết nuôi hươu sao lấy nhung. Sau khi dự lớp tập huấn cách nuôi hươu và đi tham quan thực tế tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, ông Dự được cấp 5 con hươu giống gồm 3 con cái, 2 con đực và làm chuồng thả nuôi. Sau gần 1 năm, hươu phát triển tốt, 1 con đã cho khai thác nhung lứa đầu tiên. Mỗi con hươu trong năm có 2 vụ khai thác nhung, vụ chính từ tháng Chạp năm trước đến tháng Giêng năm sau, vụ khai thác vét vào khoảng tháng 6, tháng 7.

Ông A Lăng Dự cho biết, tùy vào chế độ chăm sóc, mỗi năm 1 con hươu khai thác từ 1kg đến 1,5 kg nhung. Giá 1kg nhung hươu hiện nay trên thị trường khoảng 14 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt, nguồn thu nhập từ bán nhung hươu là rất lớn: "Con hươu này cũng ít bệnh vặt, với lại nuôi cũng dễ. Một ngày bỏ ra thời gian chăm sóc từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ, 1 tiếng cắt cỏ và thời gian còn lại chia ra để cho hươu ăn. Cỏ chủ yếu mình trồng, như cỏ voi, mía, lá cây ngoài tự nhiên như lá sung, loại dây leo. Thời điểm thu mua nhung hươu nếu giá thị trường tăng thì bên HTX cũng tăng giá lên”.

Tại xã Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam hiện có 5 hộ tham gia mô hình liên kết nuôi hươu lấy nhung. Mỗi hộ được hỗ trợ 5 con hươu giống để phát triển đàn. Hiện nay, huyện Đông Giang đang khuyến khích nuôi theo nhóm hộ, từ 10 hộ đến 15 hộ lập một nhóm để làm chuồng trại quy mô lớn, phân công nhau cắt cỏ, cho hươu ăn và khai thác nhung để tiết kiệm thời gian và nhân công.

Ông A Lăng Lam, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, bước đầu cho thấy mô hình nuôi hươu sao lấy nhung có nhiều triển vọng. Đây là một trong những hướng đi góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, mở ra triển vọng làm giàu cho bà con miền núi. Địa phương thường xuyên phối hợp với đơn vị liên kết mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, làm chuồng trại, khuyến khích người dân tham gia nuôi hươu lấy nhung.

"Quá trình kiểm tra theo dõi thấy hươu phát triển tốt, một số hộ cũng đã cắt nhung, được đơn vị liên kết chuỗi cung ứng đến mua. Thấy bà con cũng rất phấn khởi. Mong muốn sau này được phát triển, nhân rộng mô hình này để bà con có thu nhập, vươn lên thoát nghèo”, ông A Lăng Lam nói.

Đến nay, tại huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã triển khai 10 chuỗi liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Bình quân mỗi chuỗi có giá trị đầu tư khoảng 5 tỷ đồng.

Trước khi triển khai các Dự án liên kết, UBND huyện Đông Giang đã cử các đoàn công tác đi đến các địa phương trong tỉnh và các tỉnh Hà Tĩnh, Yên Bái và khu vực Tây Nguyên để tìm hiểu, tham khảo thực tế các mô hình điểm, có điều kiện về tự nhiên, thổ nhưỡng và xuất phát điểm tương đồng. Sau đó, huyện mời gọi nhà đầu tư vào khảo sát, tìm hiểu và liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến nay, một số mô hình liên kết bước đầu mang lại hiệu quả, điển hình như nuôi hươu sao lấy nhung, trồng quế, chè dây, ba kích… đều đang phát triển tốt, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho bà con.

"Một số mô hình hiện nay đang triển khai như nuôi hươu sao chẳng hạn, đây là mô hình mới. Hiện nay, một số địa phương như thị trấn Prao, xã Tà Lu, Zà Hung và xã Tư đã triển khai, bước đầu đó thành quả nhất định về chuỗi liên kết giá trị. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và nhân rộng thêm một số địa phương khác. Huyện tiếp tục nghiên cứu cho bà con vào nuôi cá lồng bè tại các thủy điện Sông Kôn, thủy điện A Vương”, ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết.

Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 về "Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đang được tỉnh Quang Nam triển khai. Đây cũng là 1 trong số các dự án thuộc chương trình mục tiêu này có tỷ lệ giải ngân tốt và bước đầu đánh giá là có hiệu quả. Một số mô hình liên kết mở ra hướng đi mới, có triển vọng để giúp bà con miền núi Quảng Nam thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Trong quá trình triển khai các dự án, nhận thức của người dân thay đổi tích cực trong cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế hộ gia đình và tham gia xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh tiếp tục triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

"Quảng Nam cũng ưu tiên tập trung chỉ đạo các huyện bảo đảm về việc nâng cấp sản phẩm đã có, đi đôi với phát triển mới sản phẩm. Trong đó, chúng tôi tập trung đăng ký chỉ dẫn địa lý, để đảm bảo cho thương hiệu, nhãn mác của sản phẩm”, ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm.

(Theo VOV)

Các tin khác
Người dân thôn Át Thượng, huyện Lục Yên đang gây dựng lại cuộc sống sau vụ sạt lở đất kinh hoàng hồi đầu tháng 9 năm nay.

Những mầm xanh đã vươn mình mạnh mẽ trên đồng đất vùng lũ; những trường học hư hỏng, ngập tràn bùn đất giờ rộn rã tiếng học sinh nô đùa và trong câu chuyện của những gia đình phải dựng lại nhà cửa, tái định cư tại nơi ở mới lấp lánh niềm hy vọng và khát vọng hồi sinh.

Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Yên Bái.

Một trong đó chính là sự thông thoáng, thay đổi trong cách tiếp cận, phục vụ và sự tương tác của chính quyền đối với cộng đồng doanh nghiệp; đơn cử như vấn đề giải quyết thủ tục hành chính.

Nông dân tổ dân phố 9, thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thu hoạch chè. Ảnh: NGUYỄN HẰNG

Việt Nam là quốc gia sản xuất, xuất khẩu chè (trà) đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng và khối lượng, nhưng kim ngạch xuất khẩu chè nhiều năm qua chỉ đạt 200-300 triệu USD/năm. Giá chè xuất khẩu cũng thấp so với giá chè của các quốc gia xuất khẩu khác trên thị trường. Vì đâu chè Việt Nam lại lâm vào tình cảnh như vậy?

Theo Tổng cục Thuế, trong tháng 10, cơ quan thuế các cấp tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách và kiểm soát thủ tục hành chính thuế; duy trì và mở rộng hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân thực hiện khai thuế, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục