Tỉnh đã kịp thời ban hành một số nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 24/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường; Quyết định số 1593/QĐ-UBND ngày 29/7/2021 phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025; Đề án, phương án phát triển khu cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2030… Theo đó, lĩnh vực công nghiệp đã có bước phát triển tích cực, tạo việc làm mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.
Khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương là các mỏ đá trắng có trữ lượng lớn, chất lượng đá đã được các nhà khoa học đánh giá là tốt nhất Đông Nam Á, Công ty TNHH Nasaki Việt Nam đặt tại khu công nghiệp phía Nam, tỉnh Yên Bái đã đầu tư sâu vào lĩnh vực kinh doanh bột đá và phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm bột đá với những sản phẩm chất lượng cao như ngói màu Nasaki, tấm ốp nano; mỗi năm tiêu thụ khoảng 4.000 tấn bột đá siêu mịn.
Bà
Nguyễn Thị Khuyên - Giám đốc Công ty TNHH Nasaki Việt Nam chia sẻ: "Khởi nghiệp kinh doanh bột đá, tôi nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng cao về việc sử dụng sản phẩm bảo vệ môi trường, làm đẹp cho các ngôi nhà, các khu đô thị, cùng với việc tạo điều kiện của tỉnh và Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thuận lợi rất lớn là nguồn nguyên liệu tại tỉnh Yên Bái rất tiềm năng cho việc đầu tư sản xuất như bột đá siêu mịn, giá thuê mặt bằng thấp, nhiều chính sách ưu đãi, nhất là các chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, tôi đã mạnh dạn đầu tư sang lĩnh vực sản xuất sản phẩm mới - ngói màu không nung theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản với chất lượng cao, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Các sản phẩm ngói màu Nasaki do Công ty đã được cấp chứng nhận ISO 9001:2015 và nhãn hiệu bảo hộ. Năm 2022, Công ty tiếp tục đầu tư Nhà máy sản xuất tấm ốp nano SAFETY, mục tiêu của chúng tôi là phát triển thị trường tại các thành phố phía Bắc và miền Tây Nam bộ, tiến tới xuất khẩu”.
Công ty cổ phần Yên Thành (thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình) đã và đang liên kết với 12 hợp tác xã, tổ hợp tác theo hình thức sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm xuất khẩu ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Đây là một trong những doanh nghiệp mũi nhọn sản xuất, kinh doanh hàng nông - lâm sản xuất khẩu của tỉnh với các ngành hàng chủ lực, thế mạnh là chế biến gỗ rừng trồng; chế biến măng tre Bát độ; trồng rừng và cung cấp cây giống tre Bát độ.
Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành Nguyễn Đức Dũng cho biết: "Năm 2023, Công ty đã mở rộng vùng nguyên liệu lên 4.000 - 5.000 ha tre măng Bát độ tại tỉnh Sơn La để xây dựng thêm nhà máy chế biến, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng nguyên liệu phát triển, theo đó nông dân có thêm việc làm, thu nhập ổn định. Công ty cũng đã đạt mục tiêu xuất khẩu khoảng 25.000 tấn măng các loại, 10.000m3 gỗ các loại và ổn định doanh thu trong khoảng 170 tỷ đồng/năm; ổn định thu nhập cho người lao động với mức trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Nhiều sản phẩm của Công ty đã xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Đài Loan và đang hướng tới các thị trường châu Âu”.
Nhất quán định hướng phát triển bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường, những năm qua, tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp như Khu công nghiệp phía Nam, Khu công nghiệp Âu Lâu, Khu công nghiệp Minh Quân, Cụm công nghiệp Yên Thế… Giai đoạn 2021 - 2024, Yên Bái đã thu hút 40 dự án có quy mô khá cùng máy móc tiên tiến, hiện đại vào các khu, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 9.775 tỷ đồng.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lấp đầy bình quân các khu công nghiệp đạt trên 76%; các cụm công nghiệp bình quân đạt trên 60%; tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Cùng với đó, hạ tầng lưới điện được tỉnh chỉ đạo chú trọng quan tâm nâng cấp, cải tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Được biết, giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân đạt 9%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân giai đoạn này ước đạt khoảng 9%. Cơ cấu nội ngành phát triển đúng hướng, thực hiện giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng (năm 2021 là 7,04%, dự ước năm 2025 là 5,06%); tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, từ 79,47% năm 2021 dự ước năm 2025 đạt 80,12%; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp sản xuất, phân phối điện nước; giảm dần ngành công nghiệp hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải.
Công nhân Công ty TNHH Unico Global Yên Bái, Khu công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái trong dây chuyền sản xuất.
Nhìn vào nội tại của ngành để thấy những tín hiệu vui khi công nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển tích cực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn. Những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua cùng với Quy hoạch tỉnh Yên Bái đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1086/QĐ-TTg là tiền đề quan trọng để đưa Yên Bái phát triển nhanh hơn trong những năm tới.
Song, cũng phải thừa nhận rằng, khả năng huy động các nguồn lực trong xã hội phục vụ phát triển công nghiệp còn hạn chế; chưa có nhiều dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược mang tính đột phá trong lĩnh vực công nghiệp.
Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công Thương nhận định: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục tác động trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với nền kinh tế trong nước và của tỉnh. Dự báo trong giai đoạn tới, do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết cực đoan, thiên tai… tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, trong điều kiện quy mô nền kinh tế của tỉnh nhỏ, hạ tầng công nghiệp, thương mại chưa đồng bộ, năng suất lao động cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh.
Nhất quán định hướng và quan điểm phát triển công nghiệp đã được xác định trên cơ sở mục tiêu đến năm 2030, đưa công nghiệp trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh chỉ đạo khai thác triệt để thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với đó là khai thác tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên để phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đầu tư đổi mới công nghệ, tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, song song với phát triển vùng nguyên liệu nông - lâm sản chất lượng cao để phục vụ phát triển công nghiệp.
Bố trí và huy động nguồn lực hiệu quả; ưu tiên huy động huy động, bố trí các nguồn lực cho công tác xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cũng như cho triển khai thực hiện các chính sách đầu tư phát triển công nghiệp. Tập trung đầu tư dứt điểm từng khu, cụm công nghiệp theo thứ tự ưu tiên, không đầu tư dàn trải…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỉnh Yên Bái phấn đấu trong giai đoạn 2026 - 2030, tỷ trọng công nghiệp đóng góp khoảng 28% trong GRDP của tỉnh, trong đó tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 70%; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 19%.
Tính riêng trong 4 năm (2021 - 2024), vốn ngân sách tỉnh đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng các khu, cụm công nghiệp là trên 300 tỷ đồng. Tỉnh đã thu hút mời gọi được 1 tập đoàn đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; mời gọi, lựa chọn được một số chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu cụm công nghiệp; trong đó, Khu công nghiệp Trấn Yên với tổng mức đầu tư trên 1.860 tỷ đồng (Dự án đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Tổng Công ty Viglacera-CTCP); Cụm công nghiệp Phú Thịnh 1, Phú Thịnh 2, Phú Thịnh 3, Y Can, Hợp Minh, tổng vốn đầu tư trên 2.700 tỷ đồng.
|
Minh Thúy