Công khai giải ngân các công trình, dự án quan trọng quốc gia

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/12/2024 | 2:29:03 PM

Bộ Tài chính vừa có Văn bản số 13213/BTC-ĐT gửi Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công khai giải ngân các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý, các dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023.

Thi công cầu Xà No Km103+251.71, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, thuộc địa bàn huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
Thi công cầu Xà No Km103+251.71, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, thuộc địa bàn huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Theo đó, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 bố trí cho các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải và dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý là 161.539 tỷ đồng, chiếm 23,8% tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (680.075 tỷ đồng).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết: Đến hết ngày 30/11/2024 các dự án mới giải ngân được 82.336 tỷ đồng, đạt 50,96% kế hoạch năm, thấp hơn ước tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (60,43%). Trong số đó, vốn trong nước giải ngân 67.268 tỷ đồng, đạt 55,1% kế hoạch; vốn nước ngoài giải ngân 1.959,7 tỷ đồng, đạt 26,1% kế hoạch.

Cụ thể, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải giải ngân 69.228 tỷ đồng, đạt 53,4% kế hoạch. Các dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý giải ngân 13.108 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch.

Đặc biệt các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã giải ngân được 2.622,76 tỷ đồng, đạt 65,57% kế hoạch vốn ngân sách trung ương giao. Bộ Tài chính cho biết, thời hạn giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 đến hết ngày 31/12/2024, chỉ còn gần 1 tháng, song vẫn còn 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 50%, khó có khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân đến ngày 31/12/2024 theo quy định.

Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo đúng các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 19/9/2024 về "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", Văn bản số 673/TTg-CN ngày 5/9/2024 về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025 và Công điện số 115/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; việc tạm ứng, mức vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc tạm ứng hợp đồng theo đúng quy định, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách nhà nước và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài các kiến nghị chung nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện nghiêm các mốc thời gian giải ngân vốn theo đúng Quyết định số 1162/QĐ-TTg, đó là chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hoàn thành dự án theo quy định; tổ chức thực hiện và giải ngân vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 được bổ sung chậm nhất đến ngày 31/12/2024 theo đúng quy định của pháp luật.

(Theo CAND)

Các tin khác
Dịp cao điểm Tết, nhu cầu đi lại nhiều nên giá vé máy bay tăng.

Ngày 11/12, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của các hãng hàng không Việt Nam, tổng số ghế cung ứng trên các đường bay quốc tế và nội địa giai đoạn từ 14/1/2025 đến 12/2/2025 đạt hơn 7 triệu ghế, tăng hơn 5% so Tết Nguyên đán 2024, trong đó ghế cung ứng nội địa đạt hơn 4,9 triệu ghế, với bình quân 165 nghìn ghế/ngày, tăng khoảng 4,8% so với năm 2024.

Người dân đến Chi cục Thuế thành phố Yên Bái giải quyết thủ tục hành chính thuế.

Năm 2024, thành phố Yên Bái được giao chỉ tiêu thu ngân sách hơn 914,8 tỷ đồng. Để hoàn thành chỉ tiêu được giao, thành phố đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tăng thu một cách hiệu quả trong tháng cuối năm.

Hợp tác xã Chế biến kinh doanh Tổng hợp Đoàn Lương, thành phố Yên Bái ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Central Retail.

Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Yên Bái đã chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cầu Yên Bái - huyết mạch giao thông quan trọng ra vào thành phố Yên Bái dừng hoạt động khiến việc lưu thông của phương tiện và người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2024, tỉnh Yên Bái chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai, đặc biệt, cơn bão số 3 (Yagi) đã phá hủy nhiều công trình giao thông, trong đó có cầu Yên Bái. Sớm khắc phục, sửa chữa để đưa cây cầu nằm trên huyết mạch giao thông quan trọng này lưu thông trở lại là mong muốn của người dân. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Việt Dũng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Yên Bái về vấn đề này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục