Cùng dự có Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành; đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.
Gần 60 hoạt động đối ngoại, hơn 170 thỏa thuận hợp tác được ký kết
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về làm mới động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt trong năm 2024, ngoại giao kinh tế đã trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Nổi bật là các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, UAE, Qatar, Ả-rập Xê-út, Hungary, Rumani, Dominicana; thăm làm việc tại Trung Quốc, Nga...
Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết nhân dịp các hoạt động cấp cao. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Qua các hoạt động trao đổi cấp cao và các cấp đã thúc đẩy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á.
Cùng với đó, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, bên cạnh việc tiếp tục khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, triển khai quyết liệt việc tạo đột phá ở các thị trường mới, tiềm năng như khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông - châu Phi, Trung Đông Âu, Việt Nam đã thúc đẩy ngoại giao kinh tế với các đối tác quan trọng; phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển; đẩy mạnh công tác tham mưu chiến lược và đề xuất chính sách phục vụ điều hành kinh tế-xã hội, bám sát yêu cầu phát triển của đất nước.
Chính phủ Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy triển khai kết quả các chuyến thăm cấp cao, đóng góp hiệu quả thực hiện các đột phá chiến lược; tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Trong năm 2024, công tác đối ngoại tại tỉnh Yên Bái tiếp tục được triển khai rộng khắp, toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu trên cả 3 trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Các hoạt động đối ngoại được triển khai sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả với nhiều hoạt động đối ngoại nổi bật, trong đó có công tác ngoại giao kinh tế.
Tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư, thương mại vào tỉnh; tổ chức nhiều sự kiện nhằm tăng cường hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các đối tác mới; quảng bá về tiềm năng, lợi thế, chính sách đầu tư của tỉnh; tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp các nước tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch,... tại tỉnh Yên Bái.
Yên Bái đạt tổng giá trị xuất khẩu 423 triệu USD
Trong năm 2024, tỉnh Yên Bái đã đạt được một số kết quả kinh tế đối ngoại nổi bật như: tổng giá trị xuất khẩu đạt 423 triệu USD; Yên Bái hiện có 37 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tổng doanh thu của doanh nghiệp FDI đạt khoảng 150 triệu USD, tương đương 3.765 tỷ đồng.
Tỉnh cũng đã tiếp nhận 28 khoản viện trợ khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai bởi cơn bão số 3 (YAGI) với tổng vốn cam kết viện trợ bằng hiện vật và tiền mặt trên 140 tỷ đồng…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.
Đẩy mạnh 3 đột phá
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, năm 2024, ngoại giao kinh tế thu được nhiều kết quả quan trọng. Thủ tướng chỉ rõ, hội nghị này để nhìn lại, đánh giá lại năm 2024 chúng ta đã làm tốt được việc gì, chưa tốt việc gì trong thúc đẩy ngoại giao kinh tế, từ đó rút ra bài học và các kinh nghiệm quý để tiếp tục duy trì triển khai ngoại giao kinh tế trong thời gian tới.
Thủ tướng cho biết, đến giờ này chúng ta đã đạt 15/15 chỉ tiêu của năm, đặc biệt là tăng trưởng GDP trên 7%. Đây là một thành tựu chung của đất nước, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ, những kết quả đạt được chưa như kỳ vọng, vì dư địa phát triển vẫn còn nhiều và có thể làm tốt hơn nữa. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải bám sát tình hình, đánh giá đúng tình hình và đưa ra các giải pháp phù hợp để đạt được hiệu quả tốt hơn; mạnh dạn đề xuất điểm đột phá để tăng tốc trong thời gian tới đây và làm sao kéo được bạn bè quốc tế đầu tư nhiều hơn ở Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải xác định lấy nguồn lực bên trong là nguồn lực cơ bản, chiến lược lâu dài nhưng nguồn lực bên ngoài vẫn là quan trọng, đột phá; phải tăng cường chuyển giao công nghệ; phải đột phá về thể chế kinh tế thị trường; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, đổi mới sáng tạo và phải quản trị thông minh.
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ rõ, phải đẩy mạnh 3 đột phá: Thứ nhất là tạo môi trường đầu tư thông thoáng về cơ chế sách, giảm chi phí tuân thủ, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế phát triển. Thứ hai là về hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, đặc biệt là hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Thứ ba, vấn đề rất quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực để tăng năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động.
Đức Toàn