Phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/1/2025 | 1:48:43 PM

YênBái - Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hợp tác xã và sự thay đổi tư duy, tập quán canh tác của người dân cùng các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Trấn Yên đã hình thành và phát triển được một số vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn, ngày càng mở rộng diện tích sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Người dân huyện Trấn Yên chăm sóc quế theo hướng hữu cơ.
Người dân huyện Trấn Yên chăm sóc quế theo hướng hữu cơ.

Từ nhiều năm nay, huyện Trấn Yên đã tích cực triển khai các giải pháp: tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mở rộng diện tích, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất, mời gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến… nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường. 

Các vùng chuyên canh nông nghiệp hàng hóa dần hiện hữu rõ nét, mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình phải kể đến vùng trồng tre măng Bát độ có diện tích trên 4.200 ha, sản lượng măng tươi đạt khoảng 80.000 tấn và là vùng chuyên canh măng tre Bát độ lớn nhất trong các địa phương trên toàn tỉnh. Từ nhiều năm nay, cùng với việc mở rộng diện tích, huyện đã chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ người dân thâm canh, chăm sóc, cải tạo những diện tích tre già cỗi đồng thời xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm măng Bát độ; khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị. 

Ông Nguyễn Thành Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: "Ngay tại địa phương đã hình thành được mạng lưới thu mua sản phẩm măng tre cho bà con rất thuận tiện. Bên cạnh 2 doanh nghiệp đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ là Công ty cổ phần Yên Thành và Công ty TNHH Vạn Đạt, xã cũng đã vận động nhân dân thành lập HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca từ 7 năm nay là cầu nối giữa doanh nghiệp và nhân dân trong thu mua, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm”.

Cho đến nay, mạng lưới thu mua măng tre Bát độ được phân bổ rộng khắp tại các xã vùng nguyên liệu; có nhiều doanh nghiệp vào địa bàn huyện để liên kết sản xuất, tiêu thụ với người dân và các HTX. Nhờ đó, sản phẩm măng Bát độ được các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài, giá thu mua ổn định từ 5.500 - 6.500 đồng/kg và trở thành cây làm giàu cho người dân Trấn Yên. Trung bình mỗi héc-ta măng Bát độ, người dân có thu nhập trên 50 triệu đồng, thâm canh cao có thể đạt 70 - 80 triệu đồng. Sản phẩm măng tre Bát độ hiện không chỉ được tiêu thụ tại thị trường nội địa mà còn được chế biến và xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Đài Loan…

Tại các vùng sản xuất chuyên canh, huyện Trấn Yên cũng đã thu hút được nhiều nhà máy, cơ sở chế biến tại chỗ, góp phần tiêu thụ ổn định cho người dân vùng nguyên liệu. Đó là Công ty TNHH YAMAZAKI tại xã Hưng Khánh đã kết nối với 2 HTX và 12 tổ hợp tác trên toàn tỉnh thu mua 35 - 50 tấn măng tươi/ngày để chế biến mỗi năm trên 500 tấn măng muối xuất sang thị trường Nhật Bản. Đó là Nhà máy thuộc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái ở xã Báo Đáp có công suất 150 tấn tơ thành phẩm/năm, lượng kén tằm tiêu thụ khoảng 1.200 tấn/năm… Ngoài ra, huyện cũng chú trọng thực hiện công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực nông lâm nghiệp. 

Đến nay, toàn huyện có 7 sản phẩm chủ lực được bảo hộ sở hữu trí tuệ, 36 sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc. Trấn Yên là huyện duy nhất mà tất cả các xã, thị trấn đều có sản phẩm OCOP. Trấn Yên cũng là huyện có số sản phẩm OCOP dẫn đầu toàn tỉnh với tổng số 50 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao và 44 sản phẩm đạt 3 sao. 

Đáng chú ý, nhiều sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện còn có chứng nhận VietGAP, hữu cơ, chỉ dẫn địa lý như: sản phẩm chè, quế, cây ăn quả có múi, măng tre Bát độ. Huyện có 4 cơ sở đạt tiêu chuẩn HACCP (Hệ thống xác định, đánh giá và kiểm soát các mối nguy đáng kể đối với an toàn thực phẩm) bao gồm: Cơ sở sản xuất miến Việt Hải Đăng, Cơ sở sản xuất chè của HTX Chè Khe Năm, Cơ sở sản xuất chè của HTX Sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng, Cơ sở sản xuất chuối tiêu sấy dẻo Việt Thành. 

Việc đẩy mạnh sản xuất theo vùng hàng hóa chủ lực, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, chú trọng đến chất lượng và thương hiệu tại huyện Trấn Yên đã mang lại những hiệu quả kinh tế rõ rệt, bền vững, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người lên 58,8 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,99%. Qua đó giúp huyện Trấn Yên từng bước hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao, đưa mỗi địa phương trên địa bàn huyện tiếp tục trở thành những miền quê đáng sống.

Không chỉ có vùng trồng tre măng Bát độ, huyện Trấn Yên còn có các vùng chuyên canh hàng hóa như: vùng trồng dâu nuôi tằm được duy trì với diện tích trên 900 ha, sản lượng lá dâu đạt trên 17.000 tấn/năm, sản lượng kén tằm đạt trên 900 tấn/năm; vùng quế có diện tích khoảng 20.000 ha, sản lượng quế vỏ khô gần 5.000 tấn, trong đó vùng chuyên canh có diện tích 12.000 ha, 3.433 ha quế đã được cấp chứng nhận quế hữu cơ; vùng cây ăn quả có diện tích 1.260 ha, trong đó khoảng 600 ha chuyên canh tập trung, sản lượng hàng năm khoảng 7.500 tấn; vùng chè trên 600 ha; vùng cây dược liệu gần 200 ha…

Hoài Anh

Tags Trấn Yên VietGAP vùng chuyên canh sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa

Các tin khác
Nhân dân xã Nậm Lành bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cùng hướng đi đúng đắn, mục tiêu rõ ràng mà diện mạo nông thôn mới (NTM) ở xã vùng cao Nậm Lành, huyện Văn Chấn đã đổi thay, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống, tinh thần cho nhân dân địa phương. Xã Nậm Lành nỗ lực vươn lên hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM năm 2024.

Mua bán vàng tại Công ty vàng Bảo Tín Mạnh Hải.

Giá vàng thế giới tăng cao, giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC trong nước sáng 3/1 cũng tiếp đà tăng mạnh.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Văn Yên tham dự Lễ khởi công xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp công viên cây xanh trung tâm huyện.

Những ngày này, trên khắp các nẻo đường từ trung tâm huyện đến các xã, thị trấn đều rực rỡ cờ hoa, khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập huyện Văn Yên. Nhiều công trình, cơ sở hạ tầng đang được đẩy nhanh tiến độ, dần hoàn thiện khang trang như minh chứng cho sự đổi thay mạnh mẽ của vùng đất Cao Sơn Ngọc Quế.

Chè Bát tiên ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, VietGAP.

Ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên có hàng trăm hộ thâm canh chè theo hướng hữu cơ và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, ngăn ngừa, hạn chế ô nhiễm ảnh hưởng đến đất trồng, chất lượng chè búp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục