Quy định mới về giải thể ngân hàng

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/1/2025 | 9:17:47 AM

Tổ chức tín dụng chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không có tranh chấp tại tòa…

Ngân hàng chỉ được giải thể khi thanh toán hết các nghĩa vụ nợ
Ngân hàng chỉ được giải thể khi thanh toán hết các nghĩa vụ nợ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư 63/2024/TT-NHNN quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng (Thông tư 63).

Thông tư 63 quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được giải thể khi thuộc một trong 2 trường hợp sau đây:

Thứ nhất, bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.

Thứ hai, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm hoặc được kiểm soát đặc biệt có tổ chức tín dụng tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ nợ.

Trong quá trình giám sát thanh lý tài sản, nếu phát hiện tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ, NHNN quyết định chấm dứt thanh lý tài sản và thực hiện phương án phá sản tổ chức tín dụng theo quy định tại mục 5 Chương X và Điều 203 của Luật các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, Điều 203 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định, sau khi NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán, tổ chức tín dụng phải nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng, Tòa án áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về phá sản. Sau khi thẩm phán chỉ định quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, NHNN thu hồi giấy phép của tổ chức tín dụng.

Đối với thanh lý tài sản, thứ tự phân chia tài sản sau khi thanh lý lần lượt như sau: Thanh toán các khoản vay đặc biệt theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng; Các khoản lệ phí, chi phí thực hiện thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật;

Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; Các khoản chi trả cho người gửi tiền; Các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Cuối cùng là các khoản nợ khác.

Nếu còn thừa thì phần giá trị tài sản còn lại được chia cho các cổ đông, chủ sở hữu, thành viên góp vốn theo tỷ lệ góp vốn tại thời điểm thực hiện việc phân chia tài sản (hoặc thanh toán cho ngân hàng mẹ với trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

Ngân hàng không được tẩu tán tài sản trong quá trình giải thể, thanh lý tài sản

Tại Thông tư 63, NHNN quy định, kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định thông qua việc giải thể (hoặc kể từ ngày NHNN có văn bản chấp thuận nguyên tắc giải thể, hoặc kể từ ngày NHNN có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thanh lý tài sản), người quản lý, người điều hành, người lao động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được thực hiện các hành vi sau:

Thứ nhất, cất giấu, tẩu tán tài sản.

Thứ hai, từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ.

Thứ ba, chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thứ tư, cầm cố, thế chấp, tặng cho và cho thuê tài sản.

Thứ năm, ký kết thỏa thuận, hợp đồng mới trừ các thỏa thuận, hợp đồng nhằm thực hiện chấm dứt hoạt động.

Thứ sáu, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài

(Theo ANTĐ)

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC quay đầu tăng nhẹ.

Sáng nay (16/1), giá vàng trong nước quay đầu tăng trở lại. Theo đó, giá vàng SJC lên mức 86,6 triệu đồng/lượng.

Bất động sản khu Đông TP HCM, tháng 10/2024 nhìn từ trên cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ bất động sản.

Phấn đấu tổng vốn đầu tư của các dự án giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 44.500 tỷ đồng, chiếm 35-37% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Phấn đấu giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh Yên Bái thu hút bình quân 60 dự án đầu tư/năm. Trong đó: Mỗi huyện, thị xã, thành phố thu hút được ít nhất 2 dự án đầu tư/năm; mỗi ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư tối thiểu 5 dự án/năm.

Cựu chiến binh Hoàng Thị Lan chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Trấn Yên, xã Minh Quán về quy trình kỹ thuật nuôi đàn ong.

Gương cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế giỏi trong nhiều năm qua đã được nhắc đến nhiều. Thế nhưng, các hội viên HTX Nuôi ong lấy mật ở thôn 5, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên lại là một điển hình luôn mang trong mình sự nung nấu khác biệt, đó là phát triển sản phẩm mật ong quê hương chứa đựng bao tâm huyết của những người CCB để trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục