Với vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng tuân thủ đúng quy định của pháp luật, hoạt động an toàn, hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng tập trung mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và người dân duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tổng nguồn vốn huy động của các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng đến 31/12/2024 đạt 55.357 tỷ đồng, tăng 10,94% so với 31/12/2023, trong đó: nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 34.933 tỷ đồng, tăng 10,58% so với 31/12/2023. Ước đến 31/1/2025, tổng nguồn vốn đạt 55.800 tỷ đồng, tăng 0,8% so với 31/12/2024, trong đó: nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 35.250 tỷ đồng, tăng 0,9%. Các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đã tiếp tục chủ động được nguồn vốn, tăng trưởng nguồn vốn ngay từ đầu năm 2025 được duy trì đều, đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn.
Năm 2024, các chi nhánh ngân hàng và QTDND tiếp tục thường xuyên rà soát, đánh giá, phân loại khách hàng; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tích cực để thu hồi và xử lý nợ xấu, kiểm soát nợ xấu. Các chi nhánh ngân hàng, QTDND chấp hành nghiêm túc tỷ lệ an toàn vốn, tính thanh khoản. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến 31/12/2024 chỉ chiếm 0,36% tổng dư nợ.
Vốn tín dụng tiếp tục đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giải ngân các dự án đã cam kết, cho vay các đối tượng chính sách xã hội. Dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55, Nghị định số 116 của Chính phủ đạt 21.199 tỷ đồng, tăng 9,9%, chiếm 43,4% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 701 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng dư nợ.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cho biết: "Chi nhánh đã tập trung giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch từ đầu năm cho vay 17 chương trình tín dụng ưu đãi đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách xã hội... Dư nợ đến 31/12/2024 đạt 5.491 tỷ đồng, tăng 12,8% so với 31/12/2023, đạt 128% kế hoạch đề ra; trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 1.336 tỷ đồng; cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đạt 770 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo là 677 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm đạt 943 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 780 đồng; cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường đạt 714 tỷ đồng... Kết quả trên đã giúp hộ nghèo, đối tượng chính sách có vốn đầu tư vào sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống và từng bước thoát nghèo”.
Năm 2025 được dự báo là một năm tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; đồng thời, là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục bám sát định hướng, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn; thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai chính sách, nhất là tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, các dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, cho vay xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, chủ động phòng, chống, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật...
Các tổ chức tín dụng bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN Việt Nam, hội sở chính để thực hiện kế hoạch kinh doanh; tăng cường huy động vốn từ nội bộ nền kinh tế thông qua việc phát triển sản phẩm, dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình huy động, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng…
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
Tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân đến 31/12/2024 đạt 48.825 tỷ đồng, tăng 17,56% so với 31/12/2023. Trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn, đạt 23.346 tỷ đồng, tăng 19,7% so với 31/12/2023, chiếm 47,8% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 24.832 tỷ đồng, tăng 12,6% so với 31/12/2023, chiếm 50,8% tổng dư nợ, cho vay khác đạt 647 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng dư nợ. Ước đến 31/1/2025, tổng dư nợ cho vay trên toàn địa bàn đạt 49.200 tỷ đồng, tăng 0,7% so với 31/12/2024, trong đó: dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 23.560 tỷ đồng, tăng 0,9% so với 31/12/2024; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 24.940 tỷ đồng, tăng 0,4% so với 31/12/2024; cho vay khác đạt 700 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng dư nợ, chủ yếu cho vay bằng Việt Nam đồng chiếm 99,35% tổng dư nợ. |
Quang Thiều