Quy Mông phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/3/2025 | 3:05:50 PM

YênBái - Những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần thay đổi diện mạo xã Quy Mông, huyện Trấn Yên với những tuyến đường bê tông trải dài, cánh đồng lúa, dâu xanh mướt, đến những ngôi trường khang trang. Người dân Quy Mông không chỉ hài lòng với những đổi thay hôm nay mà còn mang theo khát vọng, nhiệt huyết để tiếp tục chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Khởi nghiệp xanh xã Quy Mông được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Khởi nghiệp xanh xã Quy Mông được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Là xã vùng thấp của huyện Trấn Yên, xã Quy Mông có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 2.000 ha, với khoảng hơn 1.400 hộ, hơn 5.400 nhân khẩu. Từ khi triển khai xây dựng NTM, xã đặt mục tiêu cốt lõi là nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bởi vậy tiêu chí thu nhập là một trong những tiêu chí được địa phương này đẩy mạnh thực hiện. Xã Quy Mông lấy phát triển kinh tế làm đòn bẩy để xây dựng NTM. Xã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế như: Áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất phát triển trồng trọt, chăn nuôi; tập trung thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh phù hợp với điều kiện sản xuất và lợi thế tự nhiên; đẩy mạnh việc thực hiện phát triển các sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng liên kết sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận chất lượng sản phẩm nông sản.


Ông Phùng Đức Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết: "Đến nay, kinh tế nông nghiệp trên địa bàn xã phát triển toàn diện và có bước đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và sản phẩm chủ lực có giá trị, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cao trên thị trường như: Vùng trồng và chế biến đao riềng với diện tích hơn 63 ha, giá trị đạt khoảng 10 tỷ đồng; vùng trồng dâu nuôi tằm có diện tích hơn 100 ha, sản phẩm kén tằm đạt khoảng 150 tấn/năm, giá trị thu nhập trên 20 tỷ đồng/năm”.

Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, xã Quy Mông cũng khẳng định vị thế trong phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung. Những mô hình nhỏ lẻ trước đây đã thay thế bằng hàng chục mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa. Mỗi mô hình không chỉ là nơi tạo ra giá trị kinh tế mà còn là minh chứng sống động cho sự chuyển mình mạnh mẽ của một vùng quê giàu khát vọng. Cách đây 10 năm, khi nhiều người dân còn loay hoay với những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, thì gia đình chị Bùi Thị Huyên ở thôn Thịnh Hưng đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm xây dựng mô hình phát triển kinh tế trên diện tích 1ha, chị bắt đầu hành trình chăn nuôi gà thương sản phẩm từ con số vài trăm con.

Những ngày đầu, gia đình chị Huyên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về vốn, kiến thức, kinh nghiệm, nhất là nỗi lo dịch bệnh thường xuyên đe dọa đàn gà. Nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, chị Huyên đã chủ động tìm hiểu thêm kiến thức qua sách báo, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do địa phương tổ chức, thậm chí lăn lộn tới nhiều tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Từ đây, gia đình chị đã xây dựng trang trại chăn nuôi gà quy mô 10.000 con với 2 giống gà chủ yếu là gà mía và gà 3F hàng năm cho thu nhập cao.

Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao hướng tới xã NTM kiểu mẫu người dân xã Quy Mông luôn nỗ lực khắc phục khó khăn vươn lên làm giàu. Tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi của tháng 3, gia đình anh Nguyễn Văn Uyên ở thôn Thịnh Vượng ra đồng lựa chọn những cây dâu già, đạt chuẩn để làm cây giống trồng lại dâu bị chết trong cơn bão số 3. Anh Nguyễn Văn Uyên chia sẻ: "Thời điểm này là thích hợp nhất để trồng dâu kịp đón vụ nuôi tằm vào mùa thu năm sau. Trồng lại cây dâu bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, không chỉ đơn giản là phục hồi kinh tế mà còn là bước chuẩn bị dài hạn cho những mùa vụ sắp tới để có nguồn lá dâu tươi, đảm bảo chất lượng cho con tằm”. Đến nay toàn xã đã trồng lại được 100% diện tích dâu bị thiệt hại. Nhiều hộ gia đình còn tình nguyện hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật và ngày công lao động để cùng khôi phục sản xuất.

Trong lộ trình xây dựng NTM, nếu như những thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng là minh chứng hiện hữu cho những nỗ lực của chính quyền và người dân thì thành quả đáng tự hào nhất ở xã Quy Mông là đã làm nên một tư duy đổi mới - yếu tố cốt lõi làm nên thành công của một chương trình không có điểm kết thúc như chương trình xây dựng NTM. Nhờ tư duy đổi mới trong phát triển kinh tế đã giúp người dân biết nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và cũng là nền tảng để xã Quy Mông vươn mình phát triển, ngày càng hiện đại và văn minh.
Bùi Minh

Tags Quy Mông Trấn Yên xây dựng nông thôn mới phát triển kinh tế

Các tin khác
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đã đầu tư phát triển mở rộng diện tích Tre Bát Độ của huyện Trấn Yên.

Đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trong giai đoạn 2021 - 2025, tính đến hết tháng 2/2025 từ nguồn vốn Chương trình MTQG, huyện Trấn Yên đã giải ngân 69 tỷ 163 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 55 tỷ 631,43 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương 13 tỷ 531,92 triệu đồng.

Yên Bái phấn đấu đến năm 2030 quy mô kinh tế số chiếm từ 20% GRDP trở lên; phấn đấu đến năm 2045, quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GRDP

Yên Bái phấn đấu đến năm 2030 quy mô kinh tế số chiếm từ 20% GRDP trở lên; phấn đấu đến năm 2045, quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GRDP; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm các tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Hội nghị đối thoại vận động, thuyết phục thu hồi đất tại xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái.

Trên địa bàn triển khai nhiều dự án, công trình xây dựng trọng điểm của tỉnh Yên Bái và thành phố, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được thành phố Yên Bái xác định là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên với tinh thần chủ động, linh hoạt, quyết liệt, bảo đảm đúng quy trình, đúng chính sách và cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ của các dự án.

Để hỗ trợ người dân vực dậy sau cơn bão số 3 YAGI, thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đưa nhanh vốn tín dụng ưu đãi về vùng bão lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hầu hết các hộ bị thiệt hại đã được tiếp cận các nguồn vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục