Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp và 2 lâm trường, quản lý tổng diện tích đất lâm nghiệp trên 8.300 ha và đây đều là các đơn vị Nhà nước. Song, nhiều năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh các đơn vị này chỉ đủ nuôi bộ máy và đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân. Riêng 2 lâm trường kinh doanh thua lỗ, nợ nần kéo dài, mất khả năng thanh toán.
Nguyên nhân có nhiều nhưng các đơn vị này đều giống nhau đó là: do vốn của chủ sở hữu thấp và không được vay vốn ưu đãi dài hạn để trồng rừng sản xuất; đất đai bị lấn chiếm, tranh chấp; thiên tai, dịch bệnh làm giảm chất lượng nhiều khu rừng; giá gỗ rừng trồng không ổn định; năng lực, trình độ cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu; một số cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn…
Qua tìm hiểu mô hình hoạt động của Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ngòi Lao được biết, Công ty phải trả tiền thuê đất hàng năm trên 1.550 ha nhưng thực tế đất trồng được rừng chỉ có khoảng 1.200 ha, còn lại là đất tranh chấp, khe rãnh, đá nổi không thể trồng được rừng. Trong khi đó, vốn sở hữu chỉ có trên 2,5 tỷ đồng nên việc vay vốn dài hạn để trồng rừng, chế biến gỗ gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu không thuận lợi như gió lốc, mưa đá, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và sâu, bệnh làm mất hàng chục héc-ta rừng mỗi năm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng rừng. Nhiều thời điểm, Công ty phải bán lỗ hoặc không bán được gỗ do giá cả giảm mạnh, các xưởng chế biến hoạt động cầm chừng, thu mua không ổn định.
Đến nay, tổng diện tích đất rừng do các công ty lâm nghiệp giao khoán gần 5.400 ha, còn lại hơn 2.900 ha là đất rừng đã bàn giao cho địa phương, đất tranh chấp và đất bị lấn chiếm, đáng chú ý tỷ lệ đất tranh chấp và lấn chiếm lên tới gần 20% tổng diện tích đất rừng quản lý. Thực tế cho thấy, việc quản lý, sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp chủ yếu được giao khoán cho các hộ gia đình sống trên địa bàn thông qua hợp đồng trồng rừng, ăn chia sản phẩm theo thỏa thuận ký kết. Tuy nhiên, toàn bộ rủi ro được đẩy cho các hộ nhận khoán.
Do vậy, khi các hộ nhận khoán gặp khó khăn thì kéo theo sự khó khăn của các công ty lâm nghiệp và lâm trường, các công ty lâm nghiệp, lâm trường trên địa bàn tỉnh đều nợ nhiều tỷ đồng tiền thuê đất; hoạt động sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm; 2 lâm trường gần như ngừng hoạt động, không có khả năng thanh toán các khoản công nợ nhưng chưa được giải thể.
Để tháo gỡ khó khăn cho các công ty lâm nghiệp, lâm trường, tạo sự chuyển biến về phương thức quản lý và quản trị doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả, gắn quyền lợi với trách nhiệm trong sử dụng đất, tài nguyên rừng. Tỉnh Yên Bái đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập và chuyển đổi hình thức hoạt động một số lâm trường; trong đó, có chuyển sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn lâm nghiệp nhà nước. Kết quả đã thực hiện việc sáp nhập Lâm trường Văn Chấn vào Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải; chuyển đổi Lâm trường Trạm Tấu thành Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu.
Chuyển đổi các lâm trường thành 4 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp, song phương thức tổ chức hoạt động, quản lý sản xuất và quản trị kinh doanh của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể, việc chuyển đổi kéo dài, ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý người lao động, trong khi sự chuyển đổi thực chất từ bên trong còn nhiều hạn chế, dẫn đến kìm hãm sự phát triển và ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của Công ty.
Để hoàn thành mục tiêu sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp, thời gian tới, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp và các địa phương liên quan; xử lý triệt để tồn đọng, tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ lâm trường, công ty lâm nghiệp. Đặc biệt, xử lý dứt điểm tình trạng bị chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm, kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng đất không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích.
Các công ty cần đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động; tập trung xử lý kịp thời, hiệu quả, dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện phức tạp. Cùng đó, tiếp tục đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; hoàn thiện quy định pháp luật về mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên; cơ chế chính sách về tài chính doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ từ ngân sách Trung ương giải quyết các tồn tại về tài chính đối với các lâm trường giải thể mất khả năng thanh toán; chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đối với ngành sản xuất lâm nghiệp; có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi về trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng...
Các công ty lâm nghiệp nghiên cứu cải thiện giống cây trồng và thâm canh rừng trồng, sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao phục vụ phát triển rừng sản xuất. Cùng đó, đầu tư công nghệ chế biến sâu, kết hợp giữa sản xuất và chế biến tiêu thụ sản phẩm tạo thành chuỗi để tăng hiệu quả sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông - lâm sản; khẩn trương thực hiện và hoàn thành việc cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi hình thức sử dụng đất cho phù hợp; giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa các công ty lâm nghiệp, lâm trường, doanh nghiệp Nhà nước và người dân.
Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới hoạt động các công ty lâm nghiệp và giải thể 2 lâm trường. Theo đó, sẽ chuyển hình thức hoạt động của 4 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp sang công ty cổ phần Nhà nước giữ cổ phần chi phối và công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp; đồng thời, giải thể Lâm trường Văn Yên và Lâm trường Lục Yên. Tuy nhiên, tất cả đang trong giai đoạn chờ đợi, chưa có phương án giải quyết dứt điểm. Trong khi chờ đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án, tỉnh Yên Bái đã có chủ trương tháo gỡ việc nộp tiền thuê đất theo chu kỳ trồng rừng; nghiên cứu chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đối với sản xuất lâm nghiệp; giải quyết tình trạng xâm lấn và chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; xử lý dứt điểm số công nợ phải trả và tài sản trên đất của 2 lâm trường để tiến hành giải thể. |
Quang Thiều