Vì mục tiêu "xanh hóa" ngành Lâm nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/4/2025 | 9:20:16 AM

YênBái - Chứng chỉ rừng FSC (Forest Stewardship Council) được xem là "tấm vé" giúp các sản phẩm gỗ Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên, tại Yên Bái, việc cấp chứng chỉ rừng FSC đang gặp nhiều khó khăn, khiến mục tiêu "xanh hóa" ngành Lâm nghiệp vẫn còn nhiều thách thức.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra việc thực hiện cấp chứng chỉ FSC tại huyện Trấn Yên.
Lực lượng kiểm lâm kiểm tra việc thực hiện cấp chứng chỉ FSC tại huyện Trấn Yên.


Huyện Trấn Yên là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn với hơn 44.000ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên gần 9.400 ha, rừng trồng gần 35.000 ha. Hàng vạn hộ dân đang có sinh kế từ các loại cây rừng trồng.

Theo ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trấn Yên là địa phương triển khai chương trình cấp chứng chỉ rừng FSC sớm ở Yên Bái nhưng đến nay cũng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Năm 2022, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các địa phương và Hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp An Việt Phát kiểm tra, rà soát đánh giá để cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn 4 xã Việt Cường, Lương Thịnh, Y Can, Quy Mông với diện tích hơn 1.730 ha của 464 hộ dân đạt tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty TNHH Lâm nghiệp Mai Lâm (đơn vị tiếp nhận và tiếp tục duy trì chứng chỉ rừng FSC), đến năm 2024, diện tích đạt tiêu chuẩn chứng chỉ FSC chỉ còn hơn 720 ha, diện tích còn lại không đạt tiêu chuẩn do người dân tự ý thay thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác như quế, tre măng Bát độ. 

"Mục tiêu phấn đấu của huyện đến hết năm 2023 có 3.000 ha rừng được cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, đến nay, vẫn không hoàn thành kế hoạch, diện tích đã được cấp chứng chỉ FSC thậm chí còn giảm. Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa hỗ trợ bao tiêu sản phẩm gỗ như cam kết, không đảm bảo điều kiện kinh tế dẫn đến việc các hộ dân đã tự thay thế cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn" - ông Mầu chia sẻ.

Trong khi đó, tại huyện Yên Bình dù là một trong những địa phương thực hiện nhanh và đạt kết quả cao nhất trong việc cấp chứng chỉ FSC tại tỉnh Yên Bái nhưng tổng quan tiến độ cũng không đạt mục tiêu đề ra. Bắt đầu triển khai từ năm 2021 đến hết năm 2024, toàn huyện đã có gần 10.800 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Trong đó, Công ty cổ phần Lâm nghiệp Hòa Phát là doanh nghiệp có diện tích lớn nhất với hơn 9.000 ha của 1.149 chủ hộ đã có chứng chỉ rừng FSC tại các xã Đại Đồng, Phú Thịnh, Tân Hương, Thịnh Hưng, Bảo Ái, Cảm Ân, Tân Nguyên và thị trấn Yên Bình. 

Ông Dương Anh Tuấn - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình cho biết: "Mục tiêu của huyện đến hết năm 2024 là sẽ cấp chứng chỉ FSC cho 12.000 ha rừng trồng, đến nay, đã thực hiện hoàn thành khoảng 90% kế hoạch. Đây là một tỷ lệ cao, cho thấy nỗ lực lớn nhất của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trong việc cung cấp quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn chậm tiến độ so với kế hoạch, nông dân chưa thấy được lợi ích cụ thể về việc cấp chứng chỉ rừng". 

Có thể thấy, việc cấp chứng chỉ rừng FSC tại Yên Bái đang gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư ban đầu cao và lợi ích kinh tế chưa rõ ràng. Bà Nguyễn Thị Thương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Lâm nghiệp Hòa Phát cho biết: "Để thực hiện cấp chứng chỉ FSC cho 5.000 ha rừng, Công ty đã đầu tư 1,8 tỷ đồng trong năm đầu tiên để tập huấn kỹ thuật cho người dân, thuê chuyên gia tư vấn, đo đạc bản đồ và cấp chứng chỉ. Trong 4 năm tiếp theo, sẽ tiếp tục đầu tư 800 triệu đồng/năm để duy trì chứng chỉ. Trong khi đó, sản phẩm gỗ có chứng chỉ được mua cao hơn chỉ 5-7% so với gỗ rừng thông thường, mức chênh lệch này chưa đủ hấp dẫn để người dân đầu tư”. 

Bên cạnh đó. để được cấp và duy trì chứng chỉ FSC, người dân phải tuân thủ các nguyên tắc và tiêu chí khắt khe, nhiều tiêu chí khó áp dụng với điều kiện sản xuất của hộ gia đình.

Ngoài ra, sự thiếu liên kết giữa người dân và doanh nghiệp cũng khiến việc triển khai cấp chứng chỉ rừng còn nhiều khó khăn. Như tại huyện Trấn Yên, diện tích đã được cấp chứng chỉ FSC thậm chí còn giảm do doanh nghiệp chưa hỗ trợ bao tiêu sản phẩm gỗ như cam kết. Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhận định: "Việc cấp chứng chỉ rừng FSC tại Yên Bái đang gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Ngoài chi phí cao, thủ tục phức tạp, còn có vấn đề về nhận thức của người dân. Nhiều hộ dân vẫn quen với cách làm truyền thống, chưa sẵn sàng thay đổi. Bên cạnh đó, diện tích rừng của mỗi hộ nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn trong việc quản lý, giám sát". 

Việc "xanh hóa" ngành lâm nghiệp thông qua chứng chỉ FSC là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế và yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường. Để tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy việc nhân rộng chứng chỉ FSC tại Yên Bái trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và sự chung tay của cả cộng đồng trong tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; cần có các chính sách hỗ trợ tài chính thiết thực cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình cấp chứng chỉ FSC, như: hỗ trợ chi phí đánh giá, cấp chứng chỉ, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo; đơn giản hóa quy trình cấp chứng chỉ; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người dân… 

Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu cấp chứng chỉ rừng đạt 22.550 ha. Trong đó, huyện Yên Bình dự kiến cấp mới 2.000 ha và duy trì 13.285 ha; huyện Lục Yên cấp mới 2.000 ha và duy trì 310 ha; huyện Văn Chấn cấp mới 3.000 ha; huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái duy trì gần 2.000 ha. Tuy nhiên, trong cả năm 2024, không có diện tích rừng nào được cấp chứng chỉ FSC mới và hiện chỉ có gần 13.000 ha đạt chứng chỉ, tương đương 57,3% kế hoạch.

Hùng Cường

Tags Yên Bái Chứng chỉ rừng FSC

Các tin khác
Hội viên nông dân xã Minh Quân thu hái chè chính vụ.

Với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn huyện Trấn Yên đã tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn huyện, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Nhiều gia đình đã nỗ lực vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá, giàu, đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội các địa phương phát triển.

Người dân xã Thạch Lương thu hoạch ớt xuất khẩu

Những năm gần đây, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được triển khai mạnh mẽ ở xã Thạch Lương (thị xã Nghĩa Lộ) nhằm khai thác tối đa tiềm năng, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân. Trong đó, trồng ớt xuất khẩu đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho người nông dân nơi đây.

Ống thép luồn dây điện và Ống ruột gà lõi thép Cát Vạn Lợi đạt chứng nhận hợp quy QCVN 16:2023/BXD

Cát Vạn Lợi nổi lên như một biểu tượng của khát vọng "Made by Vietnam", không ngừng khẳng định vị thế trên bản đồ sản xuất công nghiệp uy tín.

Quang cảnh lớp tập huấn.

Từ ngày 31/3 đến ngày 3/4, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải đã phối hợp với Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, Công ty cổ phần SUPE Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Syngenta Việt Nam tổ chức 16 lớp tập huấn cho nông dân các xã trên địa bàn huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục