Minh Quán tăng giá trị từ liên kết chuỗi

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/4/2025 | 8:27:16 AM

YênBái - Nền kinh tế của xã Minh Quán, huyện Trấn Yên đang chuyển dịch mạnh mẽ khi cơ cấu ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ hiện chiếm tỷ trọng 64%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 36%.

Chủ tịch UBND xã Minh Quán Lương Mạnh Hùng (ngoài cùng bên phải) nắm bắt tình hình tiêu thụ sản phẩm quế tại HTX Quế hữu cơ Tuyết Chính.
Chủ tịch UBND xã Minh Quán Lương Mạnh Hùng (ngoài cùng bên phải) nắm bắt tình hình tiêu thụ sản phẩm quế tại HTX Quế hữu cơ Tuyết Chính.


Việc giảm tỷ trọng nhưng tăng giá trị giúp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của địa phương này phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường. Thay vì chỉ phụ thuộc vào sản xuất quy mô nhỏ lẻ, giá trị thấp, việc tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong trồng trọt và chăn nuôi đang mở ra hướng đi hiệu quả cho nông dân Minh Quán. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi của xã năm 2024 đạt 98 tỷ đồng, tăng 2,9 tỷ so với năm 2024, đưa Minh Quán dẫn đầu tốp những xã có bình quân thu nhập đầu người cao nhất của huyện Trấn Yên.  

Đưa chúng tôi đi thăm các trang trại liên kết chăn nuôi gà của Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ, Chủ tịch UBND xã Minh Quán Lương Mạnh Hùng vui vẻ chia sẻ: "Nói không phải tự hào, Minh Quán đang là địa phương có chuỗi liên kết chăn nuôi gà tốt nhất của huyện. Ngành chăn nuôi mà chủ yếu và chăn nuôi gà theo hướng trang trại và gia trại trong vài năm trở lại đây ở địa phương phát triển rất mạnh". 

Tổng đàn gia cầm của Minh Quán đang đứng đầu các địa phương trong huyện với trên 178.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia cầm gần 600 tấn. Việc liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị không chỉ mang đến nguồn thu nhập ổn định, tạo việc làm cho lao động địa phương mà quan trọng đã giúp các hộ chăn nuôi thay đổi tư duy, chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi liên kết, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh quy mô lớn, nâng cao giá trị, thương hiệu nông sản địa phương. 

Minh Quán cũng còn được biết đến là một trong những vùng trồng quế lớn của huyện Trấn Yên với trên 1.000 ha, trong đó có trên 800 ha quế hữu cơ, quế sinh thái. Quế đang trở thành cây kinh tế mũi nhọn cho nguồn thu ổn định đối với nhiều gia đình. Là một trong những thành viên của HTX Quế Minh Quán, gia đình anh Nguyễn Ngọc Tiêm ở thôn 4 hiện có khoảng 10 ha quế từ vài ba năm đến vài ba chục năm tuổi. Gia đình anh cũng là một trong những hộ tham gia chuỗi liên kết sản xuất quế hữu cơ của xã. 

Anh Tiêm chia sẻ: "Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị quế hữu cơ sẽ tạo ra vùng nguyên liệu sạch đạt quy chuẩn đưa sản phẩm quế của Minh Quán vươn ra các thị trường khó tính như châu Âu. Điều này về lâu dài sẽ giúp tăng giá trị sản phẩm. Trên thực tế, giá thu mua sản phẩm quế hiện nay mà HTX và các công ty liên kết sản xuất trên địa bàn vẫn trên nguyên tắc của giá thị trường, song đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định. Mỗi năm, gia đình khai thác khoảng 10 tấn quế vỏ và đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình”.  

Với mục tiêu phát triển kinh tế rừng hiệu quả và bền vững, trong đó cây quế đóng vai trò chủ đạo, xã Minh Quán tích cực vận động nhân dân tập trung canh tác theo mô hình quế hữu cơ và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trên địa bàn xã những năm qua đã có các công ty, doanh nghiệp phối hợp liên kết xây dựng vùng quế đạt tiêu chuẩn quế hữu cơ. Trong đó, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà (Văn Yên) HTX Quế Khánh Thành, xã Hòa Cuông, Trấn Yên đã phối hợp với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu HG SPICES triển khai dự án phát triển quế hữu cơ với quy mô gần 1.600 ha với gần 1.000 hộ dân của 2 xã Hòa Cuông và Minh Quán tham gia. 

Tại xã Minh Quán, Công ty TNHH Quế Hà Anh đã liên kết sản xuất với các hộ trồng quế trong xã xây dựng vùng quế hữu cơ và bao trọn sản phẩm đầu ra. Chị Trần Thị Tuyết - Giám đốc HTX Quế hữu cơ Tuyết Chính ở thôn 4 cũng là đại diện Công ty TNHH Quế Hà Anh cho biết: "Xây dựng vùng nguyên liệu quế hữu cơ, chúng tôi đã chủ động liên kết với các hộ trồng quế trong xã xây dựng và phát triển vùng quế hữu cơ khoảng 300 ha, đảm bảo các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường châu Âu. Khi nông dân và doanh nghiệp liên kết trong sản xuất sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản, đặc biệt là sản phẩm có cơ hội cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế”. 

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng ở Minh Quán với định hướng tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã và đang thúc đẩy các ngành kinh tế ở địa phương phát triển. Hiện nay, trên địa bàn đã có 3 doanh nghiệp, 4 HTX, 31 tổ hợp tác, 8 cơ sở thu mua chế biến quế, sản lượng đạt 280 tấn quế khô; 6 cơ sở kinh doanh vận tải gỗ và lá quế; 72 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ trên địa bàn năm 2024 đạt 54 tỷ đồng, tăng 3,7%. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của địa phương này đạt 69,87 triệu đồng. 

Chủ tịch UBND xã Lương Mạnh Hùng khẳng định: "Nông, lâm nghiệp vẫn phải là trụ đỡ của nền kinh tế và mục tiêu xã đặt ra trong năm 2025 là phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng; tập trung phát triển vùng chuyên canh quế 500 ha; diện tích quế hữu cơ 700 ha; trong đó, diện tích công nhận mới 500 ha; sản lượng quế hữu cơ 50 tấn...; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 72 triệu đồng, để đến năm 2030 sẽ đạt 85 triệu đồng”. 

Minh Thúy

Tags Minh Quán huyện Trấn Yên hợp tác xã trồng quế chuỗi giá trị

Các tin khác
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên kiểm tra rừng ở xã Nà Hẩu.

Tỉnh Yên Bái có hơn 461.532 ha đất có rừng. Trong đó: rừng đặc dụng hơn 35.509 ha, rừng phòng hộ hơn 138.700 ha, rừng sản xuất 287.322 ha. Hiện nay, thời tiết hanh khô kéo dài trên diện rộng sẽ làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.

Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản được thực hiện công khai, minh bạch.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2025/NĐ-CP quy định thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Nhân dân xã Nậm Có làm đất trồng ngô xuân hè năm 2025.

Vụ ngô xuân hè năm 2025, huyện Mù Cang Chải phấn đấu gieo trồng 4.200 ha ngô, chủ yếu là các giống ngô lai cho năng suất, chất lượng cao như: CP 511, NK4300, AG 59, Nk 66, CP 111…và một số giống ngô địa phương.

Xã An Bình vận động nhân dân trên địa bàn tham gia phong trào dịch rào hiến đất, mở rộng đường giao thông nông thôn.

Thời gian qua, bằng những bước đi phù hợp và có tính chiến lược, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Văn Yên đã đạt được những kết quả đáng mừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục