Sau sáp nhập ngày 1/12/2024, theo Nghị quyết số 1239 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xã Cường Thịnh có diện tích đất tự nhiên là 2.146 ha, với 1.313 hộ dân sinh sống ở 10 thôn. Đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024, xã có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh; kinh tế phát triển, việc làm và thu nhập của người dân được nâng lên, bình quân đầu người năm 2024 đạt 60,67 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn 0,45%.
Bí thư Đảng ủy xã Phạm Quang Chung cho biết: "Sau sáp nhập, đến nay, bộ máy đã ổn định đi vào hoạt động. Chúng tôi đã ban hành các văn bản chỉ đạo các chi bộ, thôn lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn nhân dân tập trung phát triển kinh tế trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và cây con truyền thống của địa phương. Người dân đã phát triển các cơ sở nuôi gà, cá, trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh, cây dược liệu…”.
Thực tế cho thấy, người dân Cường Thịnh đã có những thay đổi lớn trong làm kinh tế. Bà con đã nuôi trồng những cây con theo nhu cầu thị trường và theo hướng hàng hóa. Vườn cây ăn quả của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà ở thôn Ninh Phúc được trồng phần lớn là cây ổi và bưởi. Sau đợt lũ lụt do bão số 3 hồi cuối tháng 9/2024, vợ chồng chị đã kịp thời trồng bổ sung số cây chết và đẩy mạnh chăm sóc, nên diện tích bưởi và hơn 200 gốc ổi đã phục hồi cho thu hoạch.
Chị Hà chia sẻ: "Nhà tôi đầu tư hệ thống tưới chủ động, chú trọng khâu chăm sóc để cây luân phiên ra hoa và thu quả. Nhờ thế, ổi nhà tôi bán quanh năm, bình quân mỗi ngày bán quả thu 500 - 600 ngàn đồng. Mùa quả rộ, tôi còn ép lấy nước để đáp ứng nhu cầu của người sành ẩm thực”.
Thôn Ninh Phúc có 210 hộ thì khoảng 50 hộ trồng cây ăn quả, trong đó phải kể đến các gia đình chị Lê Thị Phương, Phạm Thị Hòa, Nguyễn Hải Yến, Đào Thị Loan… đã và đang cho thu nhập đáng kể. Được biết, 3 tháng đầu năm, người dân Cường Thịnh trồng mới 2,5 ha cây ăn quả, đạt 60% kế hoạch; nâng tổng diện tích cây ăn quả hiện có 85,6 ha, sản lượng quả thu hoạch 141 tấn, trong đó sản lượng diện tích chuyên canh 32 tấn.
Cùng với cây ăn quả, từ đầu năm đến nay, nhân dân Cường Thịnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy diện tích lúa và rau màu các loại; trồng trên 116 ha rừng vụ xuân, khai thác 2.200 m3 gỗ. Đồng thời tập trung chăm sóc 333 ha quế, thu hoạch 35 tấn vỏ khô; 22,8 ha chè, thu hoạch 40 tấn búp tươi; 56,5 ha sản lượng lá cây khôi nhung thu hoạch được 20,5 tấn, đạt 31,5% kế hoạch.
Đáng chú ý là cây khôi nhung đã trở thành cây dược liệu quý được trồng trên địa bàn xã, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là gia đình ông Phạm Bá Chiến ở thôn Đầm Hồng có diện tích 10.000 m2 cây khôi nhung cho thu nhập mỗi năm 350 - 400 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động. Gia đình còn là địa chỉ cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm cây khôi nhung cho người dân ở nhiều địa phương.
Đưa chúng tôi thăm một số mô hình kinh tế trong đó có chăn nuôi, ông Cao Văn Quân - Chủ tịch UBND xã Cường Thịnh thông tin: "Trên địa bàn xã có nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa, trong đó phải kể đến hàng chục trang trại chăn nuôi gà, nuôi lợn đã làm tốt công tác thú y, không để xảy ra dịch bệnh nên duy trì đàn lợn 6.500 con, đàn gia cầm 114.500 con. Người dân trong xã còn phát triển diện tích nuôi thủy sản với 32,3 ha, từ đầu năm đến nay, người dân cung cấp ra thị trường 41 tấn cá thịt…”.
Để làm rõ hơn, chúng tôi tới thăm mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn ở thôn Đồng Lần. Anh Tuấn đã trải qua nhiều nghề mưu sinh, trong đó gần chục năm nuôi cá.
Với kinh nghiệm có được, anh mạnh dạn thuê diện tích mặt nước hồ, rồi đầu tư gần 300 triệu đồng nuôi cá lồng. Thả giống từ tháng 9/2024, đến nay anh đã có thu hoạch vụ đầu.
"Bước đầu tôi đầu tư 8 lồng thả cá rô và cá trắm; quan tâm kỹ thuật chăm sóc, vả lại nguồn nước ở đây phù hợp nên chất lượng cá thịt được người mua đánh giá cao. Tôi sẽ cố gắng đầu tư để có khoảng 20 lồng nuôi trong thời gian tới” - anh Tuấn bày tỏ niềm tin trong hướng phát triển kinh tế của gia đình.
Đã qua gần 5 tháng hoạt động của bộ máy sáp nhập xã, những bước đi mới trong phát triển kinh tế đã củng cố niềm tin để người dân Cường Thịnh tiếp tục tập trung trí lực cho sự phát triển của địa phương, góp phần xây dựng vùng đất nông thôn mới giàu đẹp, hạnh phúc trong thời gian tới.
Quang Tuấn