Chú trọng sản phẩm chủ lực, có thương hiệu
Khai thác tiềm năng, lợi thế các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, Yên Bái đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang tính đặc trưng vùng miền như chè Shan tuyết Suối Giàng, quế Văn Yên, gạo nếp Tú Lệ, sơn tra Mù Cang Chải, khoai sọ nương Trạm Tấu, măng tre Bát độ Trấn Yên, gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC Yên Bình phục vụ xuất khẩu… góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu và xây dựng thương hiệu nông sản địa phương. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ cùng với các chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp.
Có thể nói, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai thực hiện nỗ lực và quyết liệt trong những năm qua đã thực sự là đòn bẩy quan trọng, "thổi” vào nền kinh tế nông nghiệp có phần chưa mấy rõ nét của Yên Bái một luồng sinh khí mới, góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.
Trở lại câu chuyện của cây khoai sọ nương của huyện Trạm Tấu. Từ cây trồng chống đói, khoai sọ nương Trạm Tấu đã trở thành một mặt hàng nông sản đặc sản, được nâng tầm sản phẩm OCOP 3 sao; được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất và kinh doanh sản phẩm khoai sọ nương; liên kết sản xuất, xúc tiến quảng bá, đưa sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu vào các siêu thị lớn và các sàn thương mại điện tử.
Bà Đào Thị Thùy - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh, sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy, thị trấn Trạm Tấu cho hay: "Để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người dân, Hợp tác xã liên kết sản xuất, hướng dẫn các thành viên và nông dân sản xuất theo hướng sạch, an toàn nhằm đạt chuẩn OCOP. Song song, HTX đẩy mạnh xúc tiến thương mại, bảo đảm các tiêu chuẩn về bao bì, nhãn mác để sản phẩm có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới từ khoai sọ nương Trạm Tấu”.
Hết năm 2024, huyện Trạm Tấu có 10 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Năm 2025, huyện tiếp tục phát triển thêm 5 sản phẩm OCOP mới về trà. Mục tiêu của địa phương là 100% sản phẩm OCOP đã được chứng nhận từ 3 sao trở lên và các sản phẩm OCOP phát triển mới trong năm 2025 đủ điều kiện được đưa lên các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn và các sàn thương mại điện tử uy tín để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm… Nông nghiệp Yên Bái đã có nhiều sản phẩm đặc sản, chủ lực, khẳng định lợi thế trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Đến nay, toàn tỉnh có gần 300 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, trong đó có gần 30 sản phẩm OCOP 4 sao.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (người đầu tiên, bên phải) thăm mô hình trồng cà chua tại bản Lả Khắt và Cáng Dông, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.
Mở rộng nông nghiệp sinh thái
Khái niệm "nông nghiệp xanh” không còn xa lạ với người nông dân Yên Bái. Trên cánh đồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại thành phố Yên Bái, vùng sản xuất chè Shan tuyết hữu cơ ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn và Phình Hồ, huyện Trạm Tấu; vùng hồ nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà, huyện Yên Bình; vùng chuyên canh quế, chè, măng Bát độ tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn…, người dân đang dần từ bỏ lối canh tác truyền thống, mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới theo hướng tuần hoàn tạo ra những chuỗi sản xuất khép kín, không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Nông nghiệp xanh đã và đang là xu thế tất yếu để phát triển bền vững - điều mà chính nông dân - người sản xuất, kinh doanh nhận thức rõ nhất. Nhận thấy mô hình trồng quế truyền thống chủ yếu bán nguyên liệu thô với giá thấp, anh Lý Hai - nông dân thôn Làng Mới, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên quyết định phát triển mô hình quế hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX Bình An được thành lập do anh làm Giám đốc đã nhanh chóng liên kết những hộ có chung ý chí trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm quế hữu cơ.
Hiện nay, HTX Bình An đã có trên 40 thành viên, liên kết với hơn 300 hộ dân trong xã với diện tích 400 ha. HTX tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu sản xuất bảo đảm chất lượng quế đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn. Vì vậy, sản phẩm quế hữu cơ luôn có giá bán cao hơn từ 20 - 30% so với sản phẩm sản xuất truyền thống và đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị trong nước và đang được xúc tiến để xuất khẩu sang châu Âu.
Giám đốc HTX Bình An Lý Hai chia sẻ: "Điều quan trọng nhất của mô hình quế hữu cơ là nâng cao giá trị thương hiệu quế trên thị trường quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc nâng cao giá trị kinh tế cho cây quế - người trồng quế - doanh nghiệp.
Thực tế chỉ khi giá trị thương hiệu của cây quế được bảo đảm, có vậy mới phát triển được vùng nguyên liệu bền vững cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Hay như mô hình VAC kết hợp với du lịch sinh thái của anh Ngô Quang Hà ở Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng là một ví dụ - đây được xem là mô hình kinh tế xanh tiêu biểu của địa phương này.
Kết hợp nông nghiệp với phát triển du lịch trên cơ sở diện tích đất đai sẵn có là 4 ha, sử dụng Internet làm cầu nối để liên kết các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt tại địa phương và quảng bá hình ảnh du lịch trên nền tảng số. Anh Hà cũng nhận thức, phát triển xanh hiện nay là một xu thế. Mô hình nông nghiệp xanh kết hợp với du lịch của gia đình tuy thu nhập chưa cao song đã mở ra hướng đi cho phát triển bền vững.
Với mô hình này, mỗi năm đem lại cho gia đình nguồn thu nhập trên 150 triệu đồng và tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương. Tại xã vùng cao Nậm Khắt của huyện Mù Cang Chải, đã có những mô hình nông nghiệp xanh hiệu quả như mô hình trồng nấm dược liệu của Công ty TNHH Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải tại bản Hua Khắt.
Doanh nghiệp này bình quân mỗi năm thu hoạch và bán ra thị trường trên 250 tấn nấm hương, thu về trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động địa phương. Mô hình trồng cà chua ở 2 bản Lả Khắt và Cáng Dông có quy mô lớn với diện tích trên 9 ha, tạo việc làm cho trên 60 lao động. Quy trình sản xuất cà chua được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm xuất bán chủ yếu ra thị trường ngoại tỉnh, cho giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều lần những cây trồng truyền thống ở địa phương.
Đến nay, Yên Bái có gần 50 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, vệ sinh an toàn thực phẩm với diện tích trên 1.000 ha, chủ yếu là các loại cây như chè, quế hữu cơ và các mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình nông nghiệp kết hợp trồng trọt với chăn nuôi theo hướng VietGAP… Theo đó, các sản phẩm nông sản được chuẩn hóa bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu cũng ngày một nhiều hơn.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 23.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, quế hữu cơ; 77 mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu được cấp mã, trong đó 40 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu được áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cơ bản, VietGAP, GlobalGAP, Organic, góp phần nâng cao giá trị chất lượng cho sản phẩm nông sản. Yên Bái cũng đã xác định có 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực và 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc sản. Định hướng của tỉnh là khi quy mô các vùng sản xuất như hiện nay đã đủ lớn, thay vì mở rộng sản xuất, tỉnh ưu tiên mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ.
Những bước tiến này nhìn từ ngành nông nghiệp cho thấy, Yên Bái đang từng bước hiện thực hóa triết lý phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” trên quan điểm phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.
Minh Thúy
(Bài cuối: Phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới bền vững)