Mai Sơn:

Hướng đi mới từ nghề nuôi ốc nhồi

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/4/2025 | 9:20:12 AM

YênBái - Những năm gần đây, bên cạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, xã Mai Sơn, huyện Lục Yên đã mạnh dạn chuyển hướng sang phát triển nghề nuôi ốc nhồi. Đây được xem là một hướng đi mới, không chỉ giúp người dân đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Nuôi ốc nhồi được xem là một hướng đi mới của người dân xã Mai Sơn, huyện Lục Yên, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.
Nuôi ốc nhồi được xem là một hướng đi mới của người dân xã Mai Sơn, huyện Lục Yên, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.


Nghề mới, tiềm năng mới

Xã Mai Sơn có địa hình bán sơn địa, hệ thống ao, hồ, ruộng nước khá phong phú, thuận lợi cho việc phát triển thủy sản. Nhận thấy tiềm năng sẵn có, từ năm 2023, chính quyền xã đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn, đưa giống ốc nhồi về thử nghiệm. Kết quả bước đầu khả quan đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người dân. 

Theo ông Âu Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn: "Trước đây bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thu nhập bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết. Từ khi có mô hình nuôi ốc nhồi, nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định hơn. Chúng tôi xác định đây sẽ là hướng phát triển kinh tế chủ lực trong thời gian tới". 

Ốc nhồi (hay còn gọi là ốc bươu đen) vốn là đặc sản được nhiều người ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng cao. Nhu cầu tiêu thụ trên thị trường lớn, trong khi nguồn ốc tự nhiên ngày càng khan hiếm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi ốc nhồi phát triển bền vững. Điển hình trong phong trào nuôi ốc nhồi tại xã Mai Sơn phải kể đến hộ gia đình anh Hoàng Văn Vượt ở thôn Sơn Bắc. Năm 2023, anh Vượt mạnh dạn đầu tư cải tạo diện tích ao và ruộng rộng hơn 1.000m2 để nuôi ốc nhồi sau khi đi tham quan học hỏi một số mô hình nuôi ốc nhồi ở nhiều địa phương. 

Anh Vượt chia sẻ: "Ban đầu cũng bỡ ngỡ, lo lắng vì chưa có kinh nghiệm. Nhưng sau một lứa nuôi, tôi nhận thấy ốc nhồi dễ chăm sóc, nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thả khoảng 3 vạn con giống và thu được khoảng gần 3 tấn ốc thương phẩm. Với giá bán từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thức ăn, con giống, gia đình tôi thu về khoảng hơn 100 triệu đồng tiền lãi". 

Nhờ nguồn thu ổn định từ nuôi ốc, anh Vượt đã mua thêm được nhiều thiết bị phục vụ sản xuất và tiếp tục mở rộng quy mô ao nuôi. Không những vậy, anh còn hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều hộ dân khác trong thôn, xã, góp phần lan tỏa mô hình. 

Tương tự, gia đình anh Âu Văn Triệu ở thôn Bắc Sơn cũng là một trong những hộ nuôi ốc nhồi thành công. Với diện tích nuôi gần 1.500m2, trung bình mỗi năm, anh Triệu thu hoạch được khoảng 2,8 tấn ốc, thu lãi gần 130 triệu đồng. 

Anh Triệu cho biết: "Nuôi ốc nhồi không tốn nhiều công sức như chăn nuôi lợn, gà, lại tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có như bèo tấm, lá sắn. Tôi dự định sang năm sẽ mở rộng diện tích để tăng sản lượng".

Đưa nghề nuôi ốc thành hướng đi chủ lực

Tính đến nay, toàn xã Mai Sơn có 60 hộ dân tham gia nuôi ốc nhồi với tổng diện tích ao, hồ nuôi trên 11 ha. Năm 2024, toàn xã Mai Sơn đã xuất ra thị trường gần 10 tấn ốc, đem lại nguồn thu trên 540 triệu đồng cho người dân. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của xã Mai Sơn giảm còn 5,58%. Kết quả này có được, phần lớn nhờ vào sự phát triển của các mô hình kinh tế mới, trong đó có nuôi ốc nhồi. 

Dù tiềm năng lớn, song để nghề nuôi ốc nhồi phát triển bền vững, xã Mai Sơn cũng đang đối mặt với một số thách thức. Đó là việc quản lý chất lượng con giống, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước do nuôi trồng tập trung cũng như biến động giá cả thị trường. "Do đó, cùng với việc xây dựng thương hiệu "Ốc nhồi Mai Sơn”, xã Mai Sơn cũng đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia nuôi ốc nhồi thực hiện quy trình nuôi an toàn, không sử dụng hóa chất gây hại môi trường. 

Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, đối tác lớn vào đầu tư, ký kết hợp đồng tiêu thụ lâu dài, bảo đảm đầu ra ổn định cho bà con nông dân”, ông Âu Văn Tình cho biết thêm. 

Nhìn lại chặng đường sau hơn 2 năm phát triển nghề nuôi ốc nhồi, người dân xã Mai Sơn hoàn toàn có thể tự hào về thành quả đạt được. Với sự hỗ trợ từ chính quyền và sự chủ động, cần cù của bà con nông dân, tin rằng, nghề nuôi ốc nhồi sẽ tiếp tục mở ra hướng đi mới, góp phần đưa Mai Sơn trở thành vùng kinh tế trọng điểm của huyện Lục Yên.

Hồng Oanh

Các tin khác
Nông dân xã Nghĩa Lộ kiểm tra, chăm sóc vườn nhãn đang độ ra hoa.

Tháng 4, nhãn trên địa bàn xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ bước vào giai đoạn ra hoa, đậu quả - thời điểm quan trọng quyết định năng suất cả mùa vụ. Chính quyền địa phương và người dân đang tích cực triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nhằm tăng tỷ lệ đậu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

Sản xuất hạt nhựa xuất khẩu tại Công ty cổ phần An Tiến Industries, Khu công nghiệp phía Nam.

Quý I/2025 đã chứng kiến một bước tiến vượt bậc của ngành công nghiệp Yên Bái, vẽ nên bức tranh kinh tế đầy màu sắc tươi sáng cho tỉnh nhà. Những con số tăng trưởng ấn tượng không chỉ là minh chứng cho sự nỗ lực bền bỉ của chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng lao động, mà còn là tín hiệu đáng mừng, nâng cao vị thế cạnh tranh của Yên Bái trong lĩnh vực công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.

Quý đầu tiên của năm 2025 khép lại với một con số thu ngân sách nhà nước ấn tượng tại Yên Bái: 1.339,3 tỷ đồng. Con số này không chỉ vượt xa kịch bản đề ra với tỷ lệ 141,4%, mà còn cao hơn 175,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thủ tướng từng nhấn mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng là 2 trong số 6 lĩnh vực mà DNNN phải tiên phong. (Ảnh minh họa)

Sáng nay, Thủ tướng chủ trì hội nghị với chủ đề với chủ đề: Doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục