Vị thế nông sản chủ lực

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/4/2025 | 8:40:28 AM

YênBái - Với những nỗ lực không ngừng trong nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nông sản chủ lực của Yên Bái đã và đang gặt hái được những thành quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sản xuất, chế biến măng tại Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình.
Sản xuất, chế biến măng tại Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình.


Năm 2024, ghi nhận những bước tiến vượt bậc trong hoạt động xuất khẩu nông sản của Yên Bái. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm sản chế biến đạt trên 160 triệu USD, chiếm 37,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Đà tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong quý đầu tiên của năm 2025 với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 120,05 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2024. 

Trong số các sản phẩm chủ lực, quế Văn Yên gần như giữ vị trí đầu. Sản phẩm quế của Yên Bái không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra các thị trường khó tính như: Trung Quốc và châu Âu, thậm chí đã có mặt tại Vương quốc Anh. Diện tích trồng quế của tỉnh đạt trên 81.000 ha và đáng mừng là diện tích quế được chứng nhận hữu cơ ngày càng tăng. 

Ông Nguyễn Bá Mão - Quản lý sản xuất, Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam cho biết: "Quế Yên Bái có hương vị đặc trưng và chất lượng vượt trội. Chúng tôi luôn nỗ lực để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm quế thông qua việc chế biến sâu thành nhiều sản phẩm khác nhau như: tinh dầu quế, bột quế, các sản phẩm mỹ nghệ từ quế. Chúng tôi cũng chú trọng đến việc xây dựng vùng nguyên liệu quế hữu cơ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường Mỹ và châu Âu". 

Bên cạnh đó, chè Shan tuyết Suối Giàng cũng là một điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông sản của Yên Bái. Sản phẩm này đã đạt chứng nhận OCOP và có mặt tại thị trường Vương quốc Anh. Hồng trà Shan tuyết và Diệp trà Shan tuyết của Hợp tác xã Suối Giàng đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn châu Âu và được xuất khẩu sang Anh và Nhật Bản. Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận cũng thành công trong xuất khẩu chè sang nhiều thị trường như: Mỹ, Ả rập Xê út và châu Âu. Ngoài ra, gạo Séng cù Mường Lò và nếp Tan Tú Lệ với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, đang tự tin hướng đến phân khúc thị trường cao cấp... 

Để đạt được những thành tựu trên, không thể không kể đến sự quan tâm và hỗ trợ tích cực từ chính quyền tỉnh Yên Bái. Tỉnh đã triển khai hàng loạt chính sách, sáng kiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt là hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh là nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm nông, lâm sản. 

Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 23.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC và chứng nhận hữu cơ. Đồng thời 77 mã số vùng trồng đã được cấp để phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cho nhiều loại cây trồng. Các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và Organic được áp dụng rộng rãi. Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ truy xuất nguồn gốc được ít nhất 10 nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, Yên Bái còn chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản chủ lực, hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. 

Hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo đó, Yên Bái hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh, tạo điều kiện tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; tích cực hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông sản chủ lực trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời triển khai nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất và chế biến nông sản, khuyến khích phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn hữu cơ và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tỉnh quan tâm xây dựng các mối liên kết sản xuất và chuỗi giá trị trong nông nghiệp, hỗ trợ các hợp tác xã và các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. 


Để tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu thời gian tới, Yên Bái khuyến khích và hỗ trợ đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm nông sản chủ lực như: quế, chè, măng tre; xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các đặc sản nông sản của tỉnh, tận dụng hiệu quả các chỉ dẫn địa lý hiện có và mở rộng cho các sản phẩm tiềm năng khác; chủ động tìm kiếm và khai thác các thị trường xuất khẩu mới, bên cạnh các thị trường truyền thống, đặc biệt là các thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm hữu cơ và chất lượng cao; tiếp tục hỗ trợ và mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững và hữu cơ để đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh; tăng cường sự hợp tác và liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu để xây dựng các chuỗi giá trị nông sản bền vững và hiệu quả... từng bước khẳng định vị thế của vùng đất giàu tiềm năng nông nghiệp trên bản đồ nông sản Việt Nam và quốc tế. 

Hùng Cường

Tags Yên Bái nông sản xúc tiến thương mại đa dạng hóa sản phẩm

Các tin khác
Cánh đồng dâu tại thôn Lan Đình, xã Thành Thịnh rực rỡ sắc hoa, sẵn sàng đón du khách trải nghiệm hái lá dâu, quả dâu và check in.

Phát triển “du lịch xanh” được xem là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Là vùng chuyên canh dâu tằm, xã Thành Thịnh, huyện Trấn Yên đang hướng đến phát triển cây dâu tằm gắn với xây dựng cảnh quan khu vực trồng dâu, nuôi tằm và tạo ra các sản phẩm từ cây dâu để phát triển mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm. Mô hình du lịch trải nghiệm này hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, phát huy các di sản, văn hóa, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường để tăng thu nhập cho người nông dân, người sản xuất, góp phần phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ.

Có thể bố trí một trụ sở làm việc cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính vừa có hướng dẫn bổ sung việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính khi tới đây sẽ thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Giá trị sản xuất công nghiệp huyện Trấn Yên quý I/2025 ước đạt 445 tỷ đồng

Trong quý I/2025, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) trên địa bàn huyện Trấn Yên ước đạt 445 tỷ đồng, bằng 22,3% kế hoạch, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Trong thời gian qua, thành phố Yên Bái đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các xã, phường tăng cường bám sát cơ sở, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm A/H5N1, bệnh viêm da nổi cục trâu, bò....

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục