Xanh lại những đồng rau Tuy Lộc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/4/2025 | 8:41:40 AM

YênBái - Xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, từ lâu đã được biết đến là vùng trồng rau màu lớn nhất của tỉnh với diện tích trên 100 ha. Hằng năm, Tuy Lộc cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn rau xanh. Trong trận lũ lịch sử tháng 9 năm 2024, gần như toàn bộ diện tích rau màu của xã đã bị chìm trong biển lũ khiến cho nhiều hộ dân rơi vào cảnh lao đao. Song, đến nay, nhờ ý chí, quyết tâm, chung sức, đồng lòng của toàn thể cấp ủy, chính quyền và nhân dân, những cánh đồng nay đã phủ kín màu xanh.

Bà Trần Thị Phương, thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc kiểm tra, chăm sóc vườn rau của gia đình.
Bà Trần Thị Phương, thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc kiểm tra, chăm sóc vườn rau của gia đình.


Dọn bùn, lật đất, ươm lại màu xanh 

Đêm mùng 9 rạng sáng ngày 10 tháng 9 năm 2024, đó là ký ức không bao giờ quên đối với nhiều người dân thành phố Yên Bái nói chung và xã Tuy Lộc nói riêng. Nước từ thượng nguồn đổ về bất ngờ khiến mực nước sông Hồng dâng cao kỷ lục. Lũ tràn bờ, đã nhấn chìm 1.240 ngôi nhà, cuốn trôi nhiều tài sản, vật nuôi và tàn phá, bồi lấp hoàn toàn hơn 70 ha hoa màu của người dân trong xã.

"Chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đến vậy. Cả vườn rau cải non chuẩn bị thu hoạch bị vùi dưới lớp bùn dày gần nửa mét. Nhà thì hỏng, đất thì hoang, nhìn đâu cũng chỉ thấy cảnh hoang tàn, đổ nát” - bà Bùi Thị Hương, thôn Minh Long bùi ngùi kể. 

Ngoài thiệt hại về rau màu, toàn xã Tuy Lộc còn có hơn 30 ha lúa sắp vào vụ gặt bị đổ rạp, hơn 4 ha cây ăn quả gẫy đổ hàng loạt, 19,4 ha ao cá của các hộ nuôi trồng thủy sản thì trắng tay. Nhiều con đường nội đồng bị sạt lở, hệ thống kênh mương bị bồi lấp hoàn toàn. Thiệt hại ước tính lên tới gần 90 tỷ đồng. 

Buồn nản, hoang mang là điều không tránh khỏi, song ngay sau khi nước rút, người dân xã Tuy Lộc đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc tái thiết cuộc sống. Trong khi nhà cửa vẫn còn ngổn ngang bùn đất, người dân đã ưu tiên dọn ruộng vườn, cải tạo đất. Các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất rau tại các thôn: Bái Dương, Minh Thành, Minh Long... lập tức huy động lực lượng, chia ca làm việc, khôi phục từng luống rau, bờ kè, con mương. 

"Khó khăn nhất là giai đoạn đầu, đất thì nặng, cây giống hiếm, nước sinh hoạt còn thiếu nhưng bà con không ai than vãn. Người dọn bùn, người lật đất, người cắm lại hệ thống tưới tiêu, người người, nhà nhà đều làm từ sáng sớm tới tối muộn” - chị Vũ Thị Linh Nhâm, thôn Hợp Thành kể. 

Cùng với sự chủ động của người dân, chính quyền xã Tuy Lộc cũng đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc, chỉ trong vòng vài tuần sau lũ, xã đã tiếp nhận và cấp phát cho người dân hơn 1.100kg hạt giống, 1.000kg phân bón, đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát, khắc phục sửa chữa các công trình thủy lợi. 

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp của thành phố cũng đã hướng dẫn người dân xử lý đất bị nhiễm khuẩn, nhiễm phèn sau lũ bằng vôi bột và chế phẩm sinh học; hướng dẫn người dân các biện pháp làm nông nghiêp sạch, trồng rau an toàn… Nhờ vậy, nguy cơ sâu bệnh sau lũ được kiểm soát, cây trồng sinh trưởng trở lại bình thường. 

Đến cuối tháng 12/2024, hơn 60 ha rau vụ đông trên địa bàn xã Tuy Lộc đã được gieo trồng trở lại. Tuy sản lượng chưa phục hồi hoàn toàn nhưng đã đủ để khẳng định một điều - "Tuy Lộc không gục ngã, không khuất phục thiên tai”. Mặc dù bắt đầu muộn hơn thường lệ, song nhờ sự tập trung cao độ, vụ rau đông 2024 vẫn đạt sản lượng khá. Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, khoảng 100 tấn rau xanh của nông dân xã Tuy Lộc đã được thu hoạch và tiêu thụ, góp phần quan trọng vào việc phục hồi kinh tế cho các hộ nông dân. 

Bà Trần Thị Phương - thôn Hợp Thành cho hay: "Gia đình tôi có hơn 4.000m2 đất trồng rau màu, trong trận lũ lịch sử vừa qua, toàn bộ hệ thống giàn trồng các loại cây leo (bầu, bí, mướp, su su) và diện tích canh tác các loại rau ăn lá đã bị hỏng, ước tính thiệt hại trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi nước rút, cả gia đình đã tập trung nhân lực, vật lực, cải tạo ruộng vườn nên đã kịp trồng các loại rau ngắn ngày để bán trong dịp tết nguyên đán, thu về gần 20 triệu đồng”. 

Những cánh đồng hồi sinh


Cánh đồng rau xã Tuy Lộc xanh màu trở lại.

 Khó khăn, vất vả và cả những giọt mồ hôi, nước mắt của người nông dân xã Tuy Lộc đã được đền đáp xứng đáng. Đến nay, 95% diện tích trồng lúa, trồng màu của xã đã xanh màu trở lại. Màu xanh của sự tươi mới, màu xanh của niềm tin, hy vọng vào một tương lai tươi sáng, vào một nền nông nghiệp phát triển bền vững. 

Trên những cánh đồng trải dài tít tắp, ngày ngày, không khí lao động diễn ra sôi nổi, nhộn nhịp. Tiếng cười nói rộn rã giữa những luống rau xanh mướt, tiếng máy bơm rì rầm, tiếng bước chân dập dìu trên những con đường nội đồng như đang khẳng định một điều giản dị mà sâu sắc - "sự sống đã hồi sinh trở lại”. Sau lũ, hầu hết diện tích canh tác đã được cải tạo tốt nên các loại rau sinh trưởng, phát triển tốt. Những luống rau cải, mùng tơi, rau dền, cà chua, đỗ, su su… xanh non, trĩu quả, hàng ngày theo những chuyến xe hàng ra chợ đã khiến cho bao vất vả, mệt nhọc của người nông dân đều tan biến. 

Bà Nguyễn Thị Hòa - một nông dân gắn bó với nghề trồng rau hơn 20 năm ở xã Tuy Lộc xúc động chia sẻ: "Khi nước lũ vừa rút, tôi đứng trên đồng ruộng mà rơi nước mắt vì tất cả đã bị cuốn trôi, mất sạch. Nhưng được xã hỗ trợ cải tạo đất, được con cái hỗ trợ kinh phí mua vật tư, cây giống, tôi lại quyết tâm không bỏ cuộc. Giờ nhìn rau lên tốt thế này, tôi thấy như chính mình được tiếp thêm sức sống”. 

Không chỉ là nguồn thu nhập, ruộng rau còn là niềm tự hào của người dân Tuy Lộc - nơi lưu giữ kinh nghiệm canh tác truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác. Giờ đây, những kiến thức cũ đang được bổ sung bằng kỹ thuật mới, bằng tư duy sản xuất hàng hóa, liên kết thị trường và ứng dụng công nghệ. Sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại đã làm nên sức sống mới cho vùng rau Tuy Lộc. Tinh thần đoàn kết cũng là một trong những yếu tố giúp người dân vượt qua khó khăn. 

Sau lũ, nhiều hộ dân sẵn sàng chia sẻ giống rau, hỗ trợ ngày công cho nhau, cùng dọn đất, cải tạo ruộng. Những hình ảnh ấy tạo nên một bức tranh làng quê ấm áp, nhân văn và càng khiến màu xanh trên cánh đồng thêm ý nghĩa. Hiện tại, ngoài việc tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong thành phố, nhiều hộ dân còn thành lập nhóm bán hàng online, hỗ trợ bà con quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, mang rau sạch Tuy Lộc đến với người tiêu dùng cả trong và ngoài tỉnh. 

Ông Nguyễn Mạnh Huân - Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Tuy Lộc cho biết: "Tuy Lộc có điều kiện đất đai phù hợp, người dân có kinh nghiệm trồng rau lâu năm nên rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Quan trọng là cần định hướng rõ ràng, quy hoạch vùng trồng, đồng thời hỗ trợ bà con tiếp cận vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ”. 

Ông Huân cũng cho rằng, việc thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là thiên tai ngày càng khốc liệt, phải trở thành ưu tiên hàng đầu trong phát triển nông nghiệp. Trong đó, việc ứng dụng chuyển đổi số như: lập nhật ký điện tử, gắn mã QR truy xuất nguồn gốc, giám sát sâu bệnh qua thiết bị cảm biến… sẽ giúp sản xuất trở nên chủ động, minh bạch và hiệu quả hơn. 

Có thể nói, với sự đồng hành của chính quyền, ngành nông nghiệp và tinh thần đổi mới từ chính người nông dân, xã Tuy Lộc đang dần hình thành nền nông nghiệp hiện đại, bền vững - không chỉ vượt qua thiên tai mà còn sẵn sàng vươn xa trên thị trường. Từ những cánh đồng hồi sinh hôm nay, Tuy Lộc đang vươn mình mạnh mẽ, không chỉ để phục hồi sản xuất mà còn khẳng định vị thế là vùng rau trọng điểm, an toàn, chất lượng của thành phố Yên Bái. Đó không chỉ là thành quả của lao động mà còn là biểu tượng đẹp về lòng yêu đất, yêu nghề và khát vọng vươn lên của người nông dân trong thời đại mới.

Hồng Oanh

Tags Yên Bái Tuy Lộc trồng rau rau xanh nông dân

Các tin khác

Nếu thế giới không chia sẻ trách nhiệm và lợi ích một cách công bằng thì sẽ không thể đòi hỏi các quốc gia có thu nhập thấp gìn giữ tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.

Các doanh nghiệp thành lập đi vào hoạt động góp phần tăng thu ngân sách địa phương.

Năm 2025, huyện Lục Yên phấn đấu thành lập mới 70 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác.

Năm 2025 dự kiến gia hạn thuế gần 102.000 tỷ đồng - tiếp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 81 và 82/2025, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong năm 2025.

Để hạ nhiệt giá vàng, cần sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước.

Thời gian gần đây, giá vàng trong nước liên tục "phi mã" và lập những đỉnh cao nhất lịch sử, vậy cần làm gì để chặn đứng đà tăng điên cuồng này?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục