Khát vọng Vàng Ngần

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/4/2025 | 8:37:40 AM

YênBái - Nhìn về những sự đổi thay tích cực của Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn, tôi tin rằng, một ngày không xa người dân nơi đây sẽ không còn phải lo lắng về cái đói, cái nghèo. Những khát vọng và ước mơ của người dân vùng cao Vàng Ngần như những hạt mầm đang dần nảy nở để vươn lên mạnh mẽ.

Người dân thôn Vàng Ngần thu hoạch quế.
Người dân thôn Vàng Ngần thu hoạch quế.


Hồi sinh

Bản Vàng Ngần là đích đến của chúng tôi. Dừng chân trước một ngôi nhà mới của một gia đình bị thiệt hại do thiên tai. Hai vợ chồng với nụ cười rạng rỡ vì có nhà mới, tràn đầy hy vọng về một cuộc sống ổn định hơn trong tương lai. 

Vàng Ngần - mảnh đất từng chịu nhiều thiệt hại sau trận lũ lịch sử hơn ba năm trước, nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Những ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi mọc lên san sát, tạo nên một khung cảnh của một bản làng vùng cao no ấm. Những con đường bê tông uốn lượn như dải lụa mềm vắt ngang qua những đồi quế trập trùng xanh biếc, nối liền các thôn, bản và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, đi lại của người dân. 

Sự hồi sinh kỳ diệu này không chỉ là kết quả của sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức xã hội, mà còn phản ánh tinh thần đoàn kết, nỗ lực không ngừng của cộng đồng địa phương. Người dân Vàng Ngần đã cùng nhau vượt qua khó khăn, chung tay xây dựng lại quê hương ngày càng no ấm. 

Không chỉ cải thiện về cơ sở hạ tầng, đời sống văn hóa và giáo dục tại Vàng Ngần cũng được chú trọng phát triển. Trường học được xây dựng kiên cố, trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện cho con em địa phương tiếp cận với tri thức một cách tốt nhất. Các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống được khôi phục và tổ chức thường xuyên, giữ gìn bản sắc dân tộc và tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng. 

Vàng Ngần là một trong những thôn xa trung tâm xã nhưng đội ngũ cán bộ rất năng nổ, nhiệt tình và biết cách khơi dậy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của nhân dân. Từ việc định canh, định cư đến việc khắc phục khó khăn do thiên tai đã khẳng định, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ đã khơi dậy được tinh thần tương trợ, đồng sức, đồng lòng để trở thành thôn, bản tiêu biểu ở Suối Quyền. Sự đổi thay tích cực này đã biến Vàng Ngần thành một biểu tượng của sự kiên cường và khả năng phục hồi sau thiên tai, là nguồn cảm hứng cho nhiều địa phương khác trong công cuộc tái thiết và phát triển bền vững.

Ước mơ "sự học”

Tại Vàng Ngần, chúng tôi dành phần lớn thời gian của chuyến đi để hỏi thăm và trò chuyện cùng các gia đình trong bản. Đặc biệt, chúng tôi gặp gỡ nhiều gia đình có con cái đang trong độ tuổi đi học. Điều khiến chúng tôi bất ngờ là sự khát khao được đi học của các em, đặc biệt là những đứa trẻ vừa kết thúc cấp học trung học cơ sở. Cả nam lẫn nữ đều mong muốn được tiếp tục học lên, dù là học trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên hay học nghề. Mục tiêu không chỉ là có thêm kiến thức, mà còn là cơ hội để thoát khỏi những mùa ngô, mùa măng và đặc biệt là tránh phải lập gia đình quá sớm khi vừa đủ 18 tuổi. 


Trẻ em ở xã Suối Quyền khát khao học tập để xây dựng quê hương. 

Phùng A Sáng - cậu bé học lớp 9 mà chúng tôi gặp, nói với ánh mắt sáng rực: "Cháu muốn được học lên cao đẳng nghề để có việc làm, thu nhập ổn định giúp bố mẹ thoát nghèo”. 

Khát khao ấy không chỉ là của riêng A Sáng mà còn là của nhiều đứa trẻ khác trong bản. Chúng không muốn dừng lại ở cái nghèo, cái khó mà ông bà, cha mẹ đã trải qua. Chúng muốn vươn ra khỏi bản làng, muốn học hỏi thêm và làm chủ cuộc sống của mình. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay chính là thuyết phục các bậc phụ huynh. Họ vẫn còn lưỡng lự, đặc biệt là với con gái. Bởi con gái ở tuổi 18, nhiều gia đình đã nghĩ đến chuyện lo dựng vợ, gả chồng. Việc đưa con gái đi học nghề, học tiếp trung cấp, cao đẳng dường như là điều xa vời với nhiều bậc cha mẹ. Nhưng nếu những đứa trẻ này có cơ hội học hành, tương lai của chúng sẽ tươi sáng hơn rất nhiều.

Trong những buổi trò chuyện thân tình, chúng tôi cũng gặp lại một người bạn cũ - Phùng Tòn Pham. Ngày mới gặp, Pham chỉ là một cậu học trò, nhưng giờ đây, cậu đã trở thành lãnh đạo xã, một người đi đầu trong các hoạt động phát triển địa phương. Thật có duyên khi trong đoàn chúng tôi có một thầy giáo đã từng công tác ở Suối Quyền. 

Gặp lại người thầy cũ, Pham không giấu được niềm xúc động và bắt đầu ngân nga một vài câu thơ mà cậu tự sáng tác: "Nhìn về Nghĩa Lộ không xa/ Lâng lâng mây gió đầy vơi nỗi niềm”. Câu thơ không chỉ ngợi ca vẻ đẹp của quê hương mà còn là nỗi niềm suy tư về những chặng đường đã qua. Pham tâm sự: "Nếu không có sự học, có lẽ tôi đã không thể vượt qua được những khó khăn, gian khổ của cuộc sống và sẽ không bao giờ có thể trưởng thành như ngày hôm nay”. 

Câu chuyện của Pham trở thành nguồn động lực, cảm hứng lớn cho những người trẻ trong bản, khẳng định rằng chỉ có học tập mới có thể thay đổi cuộc sống. Bữa cơm ngày hôm đó, chúng tôi ngồi lại bên nhau, những người thầy và người bạn cũ cùng nhau ôn lại những câu chuyện về cuộc sống. Giữa những món ăn giản dị, chúng tôi đồng lòng với một suy nghĩ: "Sự học” là con đường tốt nhất để thay đổi cuộc đời, dù là xưa, nay hay trong tương lai. Con đường này sẽ không dễ dàng, nhưng nó là hành trình quan trọng, phải thấm nhuần trong từng gia đình, từng bản làng.

Nhìn về những sự đổi thay tích cực của Vàng Ngần, tôi tin rằng, một ngày không xa người dân nơi đây sẽ không còn phải lo lắng về cái đói, cái nghèo, mà sẽ được tiếp cận với tri thức, được đi xa để trở về xây dựng quê hương. Và khi ấy, mỗi mái nhà ven núi, lưng đồi sẽ tràn đầy niềm tin và hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Chuyến đi này đã mang lại cho chúng tôi nhiều điều đáng suy ngẫm. Những khát vọng và ước mơ của người dân vùng cao Vàng Ngần như những hạt mầm đang dần nảy nở để vươn lên mạnh mẽ.

Suối Quyền là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, đa phần dân số là đồng bào Dao. Những năm trước, nơi đây giao thông đi lại khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào kinh tế nông - lâm nghiệp với diện tích đất sản xuất hạn chế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Suối Quyền trong đó có thôn Vàng Ngần đã có những bước chuyển mình đáng kể. Nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước và nỗ lực của địa phương cùng nhân dân các dân tộc Vàng Ngần đã có nhiều đổi thay.

Anh Dũng

Tags Vàng Ngần quế Suối Quyền Văn Chấn người dân

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra vùng trồng dâu tằm tại xã Đại Phác.

Trồng dâu, nuôi tằm đang là một trong những chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp quan trọng của huyện Văn Yên. Năm 2025, huyện đặt mục tiêu phát triển vùng trồng dâu tập trung gắn với chuỗi giá trị quy mô đạt trên 330 ha, bổ sung cơ cấu cây dâu có năng suất, chất lượng phát triển mở rộng ra các xã trong huyện; phấn đấu sản lượng kén đạt trên 550 tấn, giá trị thu trên 80 tỷ đồng. Tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên.

Giá vé máy bay dịp lễ 30/4 tăng cao, nhiều chặng hết vé.

Nhu cầu di chuyển của người dân trong dịp lễ 30/4-1/5 tăng cao khiến nhiều chặng bay trong tình trạng "cháy" vé, tiềm ẩn tình trạng lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ.

Trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh

Trong 3 tháng đầu năm 2025, mặc dù kim ngạch xuất khẩu có giảm, tuy nhiên Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam.

Giá vàng sáng nay ổn định ở mức 112-114 triệu đồng/lượng (mua - bán)

Giá vàng SJC hôm nay ghi nhận tại mức 112 triệu đồng/lượng (mua vào) và 114 triệu đồng/lượng (bán ra), chênh lệch giá mua - bán chỉ còn 2 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục