Năm 2024, ngành điện cả nước, trong đó có ngành điện Yên Bái phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn cung điện mới cho miền Bắc gần như không có, các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều, nhu cầu phụ tải tăng cao…
Vì vậy, song song với các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thì việc khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu cũng đang được ngành Điện lực Yên Bái thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, chống quá tải lưới điện, vừa giúp khách hàng tiết kiệm chi phí tiền điện trong sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái cho hay, nguồn điện miền Bắc hiện nay vẫn chủ yếu từ các nguồn điện truyền thống là nhiệt điện và thủy điện, chiếm khoảng 85,7%, các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện sinh khối chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu nguồn điện. Trong đó, năm 2024 chỉ đóng điện được thêm 84.5MW nguồn điện lớn và 141.5 MW thủy điện nhỏ. Nhu cầu phụ tải tăng cao, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới được hình thành và dần đi vào hoạt động. Tốc độ tăng trưởng trên địa bàn cao trên 10%.
Năm 2025, được dự báo tiếp tục là một năm với nhiều khó khăn, thách thức đối với hoạt động cung cấp điện ổn định. Bởi nguồn dự phòng của các nhà máy điện khu vực miền Bắc còn yếu, nguy cơ sự cố cực đoan có thể khiến thiếu công suất lên đến 50% so với nhu cầu sử dụng.
Để giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, Công ty Điện lực Yên Bái đã chủ động xây dựng phương án cung ứng điện theo đúng quy định của cấp có thẩm quyền. Mặt khác, khuyến khích, hỗ trợ khách hàng lớn lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà.
Tỉnh Yên Bái có lượng bức xạ mặt trời trung bình khá tốt, đặc biệt là vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau). Số giờ nắng trung bình một năm là 1.278 giờ, độ ẩm trung bình là 87%, cường độ bức xạ mặt trời đạt 4,1 kWh/m2/ngày. Dù không bằng các tỉnh miền Trung hay miền Nam, nhưng vẫn đủ để khai thác hiệu quả điện mặt trời.
Vì vậy, hằng năm, Công ty Điện lực Yên Bái đã chỉ đạo các điện lực trực thuộc trao đổi, hướng dẫn chủ đầu tư và báo cáo, đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước để cập nhật, bổ sung các thủ tục, hồ sơ điện mặt trời mái nhà đúng quy định cho các khách hàng.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có 73 chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà, sản lượng phát lên lưới là gần 300 nghìn kWh. Bên cạnh đó cũng đã có nhiều khách hàng là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, ngân hàng, y tế lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, góp phần giảm chi phí điện năng.
Ông Ma Công Hiệu - Phòng khám Đa khoa Y cao Hồng Đức, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Qua tìm hiểu, tôi thấy việc lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà đã mạng lại rất nhiều lợi ích. Sau khi xây dựng phòng khám chúng tôi đã quyết định lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đã giúp cho phòng khám chủ động nguồn điện và tiết kiệm được nguồn chi phí sử dụng điện từ 10 – 20% tiền điện hàng tháng”.
Việc phát triển điện mặt trời mái nhà tại tỉnh Yên Bái thời gian qua là một giải pháp năng lượng xanh, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. Giải pháp thiết thực này đã và đang đáp ứng nhu cầu điện năng ngày một tăng cao, góp phần chung tay thực hiện chủ trương sử dụng năng lượng tái tạo bền vững của Chính phủ.
Ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái cho biết: Thời gian qua, Sở Công thương tỉnh Yên Bái cũng đã triển khai phối hợp, trực tiếp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng và các cơ quan có liên quan, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu cho cá nhân và doanh nghiệp…
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu "Đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu”. Mục tiêu này cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 135 ngày 22/10/2024 về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, phục vụ chính cho nhu cầu của tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà.
Vì vậy, việc lắp đặt và sử dụng điện mặt trời mái nhà không chỉ là giải pháp tiết kiệm chi phí điện năng mà còn là bước đi quan trọng hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng.
Tại tỉnh Yên Bái, dù số lượng tổ chức, cá nhân sử dụng điện mặt trời mái nhà chưa nhiều, nhưng với sự đồng hành của chính quyền, Công ty Điện lực Yên Bái và người dân, điện mặt trời mái nhà đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong tăng trưởng xanh. Để điện mặt trời mái nhà thực sự lan toả và phát triển bền vững, cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Đức Toàn