Du lịch - trợ lực giảm nghèo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/4/2025 | 8:37:08 AM

YênBái - Sau nhiều năm, những lợi ích từ hoạt động du lịch mang lại cho người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được khẳng định. Đó là tối đa hóa việc sử dụng lao động, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ địa phương, từ đó, người dân có thêm việc làm, thêm thu nhập và vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hướng dẫn viên, porter thuộc Hợp tác xã du lịch Màng Mủ, Mù Cang Chải cùng đoàn khách du lịch chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, Trạm Tấu.
Hướng dẫn viên, porter thuộc Hợp tác xã du lịch Màng Mủ, Mù Cang Chải cùng đoàn khách du lịch chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, Trạm Tấu.


Từng bước đồng bộ chính sách cho du lịch

Du lịch là một trong những lĩnh vực được Yên Bái xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, phù hợp cho các địa bàn vùng cao, vùng đồng bào DTTS với mục tiêu và kỳ vọng sẽ giảm nghèo hiệu quả, bền vững. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển du lịch. Ngày 19/4/2021, HĐND tỉnh ban hành 

Nghị quyết số 10 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Sau hơn 3 năm triển khai, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 270 hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đề nghị thụ hưởng các chính sách với tổng kinh phí trên 5,73 tỷ đồng, trong đó: thành lập mới 231 hồ sơ, duy trì các đội văn nghệ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ thành lập lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ duy trì làng nghề phát triển du lịch; hỗ trợ tổ thu gom rác thải cùng các lớp đào tạo nhân lực du lịch… 

Các chính sách đã góp phần hỗ trợ các tập thể, cá nhân, các thôn, bản phát triển các hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, đặc biệt  là du lịch cộng đồng, gắn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc với phát triển du lịch. Tuy nhiên, mới có 6/11 chính sách được triển khai thực hiện bởi nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân về điều kiện thụ hưởng khiến các đối tượng khó tiếp cận. Bởi thế mà giai đoạn 2024-2030, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 81 có hiệu lực từ ngày 10/10/2024. 

Nghị quyết có 12 chính sách trong đó có nhiều chính sách mới như: thưởng 1 tỷ đồng cho các thôn/bản được tỉnh công nhận đạt tiêu chí là thôn/bản du lịch cộng đồng; hỗ trợ lập hồ sơ dự án xây dựng thôn (bản) du lịch cộng đồng cho các địa phương có thôn (bản) được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt triển khai xây dựng thôn (bản) du lịch cộng đồng với chi phí không quá 400 triệu đồng/1 hồ sơ; hỗ trợ chi phí lập hồ sơ đề nghị công nhận thôn/bản du lịch cộng đồng; vay vốn để đầu tư phát triển du lịch được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái cho vay không quá 500 triệu đồng/1 hộ gia đình… 

Ngoài ra còn một số chính sách cũ từ Nghị quyết số 10 nhưng tăng về số tiền hỗ trợ, điều chỉnh về điều kiện thụ hưởng để người dân dễ tiếp cận hơn. 
Từ Nghị quyết số 10 cho tới Nghị quyết số 81, hệ thống chính sách cho du lịch đang bao trùm khá toàn diện và đồng bộ nhằm phát triển du lịch, từ hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực đến xúc tiến đầu tư, quảng bá; nhất là hỗ trợ khai thác thế mạnh của cảnh quan thiên nhiên kết hợp với bản sắc văn hóa các dân tộc để hình thành những sản phẩm du lịch độc đáo.

Du lịch - trợ lực giảm nghèo 

Song hành với hoàn thiện hệ thống chính sách, tỉnh cũng đã tập trung xây dựng thương hiệu du lịch Yên Bái, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị. Tỉnh hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, triển khai phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh tại các vùng du lịch trọng điểm như: sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa; xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; phát triển sản phẩm du lịch tâm linh; xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm; tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch… Đồng thời, mở thêm nhiều tour du lịch hấp dẫn, góp phần quan trọng tạo thành những mắt xích bền chặt để Yên Bái luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. 

Phải khẳng định rằng, du lịch phát triển, thu hút được ngày càng đông du khách đến địa bàn thì cuộc sống của người dân vùng đồng bào DTTS càng khởi sắc, có thêm việc làm và thu nhập. Điều này có thể nhìn thấy rõ nhất ở 2 huyện nghèo Mù Cang Chải và Trạm Tấu khi du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương, góp phần giúp các địa phương này giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo. 

Riêng năm 2024, Trạm Tấu đã giảm 418 hộ nghèo, 72 hộ cận nghèo; Mù Cang Chải giảm 1.298 hộ nghèo và 345 hộ cận nghèo. Với dân số trên 90% là đồng bào dân tộc Mông, trình độ, nhận thức còn nhiều hạn chế, lối sống thiếu tự tin và khép mình với xã hội thì du lịch đang từng bước góp phần thay đổi họ. Tranh thủ chính sách hỗ trợ, họ mạnh dạn vay vốn cải tạo, sửa sang nhà cửa để làm homestay, làm du lịch cộng đồng. 

Họ học tiếng Anh để giao tiếp với khách nước ngoài và tích cực tham gia các lớp tập huấn về du lịch do địa phương tổ chức. Họ vận động nhau thực hiện tốt việc chăn nuôi nhốt trâu bò, lợn, gà, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, trồng hoa từ cổng đến từng nhà để làm du lịch. Khuôn viên nhà được trồng nhiều hoa, cây xanh, có những tiểu cảnh đẹp phục vụ nhu cầu check-in của du khách. 

Ẩm thực địa phương được chú trọng, chỉn chu, ngon miệng và đẹp mắt. Các tour du lịch trải nghiệm được tổ chức thường xuyên, phục vụ tốt nhu cầu khám phá văn hóa, vui chơi, văn nghệ… Nhờ đó mà riêng năm 2024, 2 huyện nghèo này đón trên 520.000 khách du lịch, doanh thu mang lại trên 500 tỷ đồng. 

Du lịch đã thực sự tạo thu nhập, việc làm trực tiếp cho các cơ sở lưu trú và nhiều lao động địa phương tham gia vào hệ sinh thái du lịch như: cơ sở kinh doanh, bán lẻ hàng hóa, xe ôm, porter, hướng dẫn viên bản địa và cả nông dân sản xuất và chế biến nông sản địa phương… Rất nhiều người Mông nơi đây đã chia sẻ rằng, từ khi có đông khách du lịch đến địa phương, nông sản từ cây rau, quả rừng đến con gà, con lợn, chai mật ong… đều tiêu thụ dễ dàng hơn bao giờ hết. 


Các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Mông được tiêu thụ tốt hơn nhờ du lịch.

Những lợi ích từ hoạt động du lịch mang lại cho người dân vùng cao, vùng đồng bào DTTS đã khẳng định du lịch đang trở thành trợ lực giảm nghèo hiệu quả cho vùng này. Riêng năm 2024, hộ nghèo là DTTS đã giảm 6.433 người so với năm 2023, còn 11.283 hộ nghèo là DTTS, chiếm tới 89,7% hộ nghèo toàn tỉnh. Vì thế, du lịch được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng bào DTTS giảm nghèo. 

Tuy nhiên, để du lịch thực sự trở thành công cụ giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương cần tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự để thu hút du khách thập phương; tăng cường việc xây dựng hình ảnh du lịch đến với bạn bè quốc tế bằng cách tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, tổ chức thông tin hướng dẫn, hỗ trợ du khách tại các điểm du lịch, đặc biệt là xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành, nhiệt tình đối với du khách; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng cường đầu tư hạ tầng du lịch nhằm phát huy hết tiềm năng sẵn có. 

Đồng thời, có giải pháp hữu hiệu phục hồi, phát huy các hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào, tạo dấu ấn riêng phục vụ khách du lịch trải nghiệm. Có như vậy, người dân mới không đứng ngoài cuộc và được hưởng những lợi ích mà ngành du lịch mang lại.

Năm 2024, Yên Bái đón và phục vụ trên 2,1 triệu lượt khách, tăng 3%, trong đó khách quốc tế ước đạt 270.000 lượt; doanh thu ước đạt 1.790 tỷ đồng, bằng 119,3% kế hoạch, tăng 4% so với cùng kỳ. Quý I năm 2025, Yên Bái cũng ước đón 742.335 lượt du khách, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước; khách quốc tế đạt 83.582 lượt, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2024; doanh thu ước đạt trên 632,2 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hoài Anh

Tags Yên Bái du lịch dân tộc thiểu số phát triển kinh tế thoát nghèo giảm nghèo

Các tin khác
Công nhân Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn trong công đoạn tạo hình sản phẩm sứ cách điện.

Hòa trong không khí hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp ở Yên Bái đang diễn ra sôi nổi. Tiếng máy nhịp nhàng, sự tập trung của người lao động (NLĐ) trong từng công đoạn sản xuất đang thể hiện quyết tâm cao độ cho việc hoàn thành sản lượng, kế hoạch đã đề ra, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.

Tấm pin năng lượng mặt trời.

Việt Nam cam kết thúc đẩy hoạt động thương mại một cách công bằng, minh bạch và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về phân cấp thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai, trong đó sẽ điều chỉnh hàng loạt quy định đất đai phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước kiểm tra tiến độ triển khai các Dự án đường nối Quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15)

Ngày 24/4, đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và Đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra tiến độ triển khai các Dự án đường nối Quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục