Phát triển mạnh các mô hình rau màu an toàn

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/4/2025 | 2:17:06 PM

YênBái - Là huyện vùng cao, khí hậu mát mẻ, phù hợp cho phát triển rau màu nên những năm gần đây, nhiều người dân ở huyện Mù Cang Chải mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để phát triển các mô hình chuyên canh rau màu an toàn, quy mô tập trung mang lại giá trị kinh tế cao.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Mù Cang Chải tham quan mô hình trồng cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nậm Khắt.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Mù Cang Chải tham quan mô hình trồng cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nậm Khắt.


Phát triển rau màu an toàn không chỉ giúp người dân vùng cao Mù Cang Chải nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất ruộng, vườn kém hiệu quả mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Điển hình như các mô hình trồng cây dâu tây đang mang lại tín hiệu vui, hứa hẹn có thể trở thành cây trồng mới có ưu điểm trong sản xuất nông nghiệp vùng cao. 

Ông Lý A Vàng -  tổ 3, thị trấn Mù Cang Chải chia sẻ: "Vụ đông xuân năm nay, tôi trồng thử hơn 1.000 gốc dâu tây. Chăm sóc đơn giản, sau 4 tháng, dâu đã cho ra quả sai trĩu, ăn ngọt, lại dễ bán, giá bán lẻ trung bình từ 100.000 - 120.000 đồng/1kg mà còn không đủ cho khách mua. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi  có lãi hàng chục triệu đồng. Lợi thế vùng khí hậu ở đây mát mẻ, phù hợp nên cây dâu tây phát triển tốt, cho sản lượng, chất lượng khá, tôi thấy cây dâu tây rất có triển vọng để người dân thay thế các cây trồng truyền thống như ngô, lúa, khoai, sắn”. 

Cũng như ông Vàng, ông Giàng A Sở ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải phấn khởi cho biết: "Sau nhiều lần tham khảo, nghiên cứu về đặc tính, môi trường sinh trưởng của dâu tây, cuối năm 2024, tôi đã mạnh dạn mua hơn 3.000 gốc dâu tây về trồng trên diện tích đất ruộng khoảng 3.000m2. Sau khi thu hoạch xong, gia đình tôi có thu nhập trên 35 triệu đồng. Trong khi đó, cùng diện tích ruộng này, trước đó trồng lúa hoặc ngô chỉ thu được khoảng 10 triệu đồng chưa trừ chi phí vật tư và công lao động. Qua đó, càng giúp tôi có thêm động lực học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc dâu tây để tiếp tục trồng, phát triển trong thời gian tới”.

Cùng với dâu tây, trên địa bàn huyện còn nhiều mô hình trồng rau, trồng nấm khác mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế thiết thực như: mô hình rộng hơn 30 ha, lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động để trồng su su, bí đỏ, rau cải, bắp cải, hành, cà chua, ngô ngọt, dưa chuột, cho thu hoạch khoảng 10 tấn sản phẩm các loại/ngày và tạo việc làm liên tục cho 50 lao động quanh năm của ông Phạm Quang Thọ ở bản Thái, xã Khao Mang; mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu và trồng rau, dưa chuột, cải mầm đá, cà chua... trên diện tích hơn 6 ha của Công ty TNHH Sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu Mù Cang Chải do ông Nguyễn Hoàng Anh làm giám đốc, mỗi năm cho thu hoạch trên 30 tấn nấm các loại cùng số lượng lớn rau màu khác, tạo việc làm cho trên 60 lao động địa phương. 

Hay một số mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang phát huy hiệu quả như: HTX Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải có quy mô 0,7 ha; HTX Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải với hơn 2 ha sản xuất rau theo hướng hữu cơ; HTX Nông nghiệp sạch T&D hơn 12 ha; mô hình trồng cà chua hơn 2 ha được đầu tư hệ thống tưới tiêu, nhà lưới của ông Nguyễn Văn Mùi ở thôn Lả Khắt, xã Nậm Khắt...

Ông Nguyễn Văn Mùi chia sẻ: "Giống cà chua Beep rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Mù Cang Chải nói chung và ở xã Nậm Khắt nói riêng. Do đó, cà chua trồng ở đây không quá công phu về kỹ thuật chăm sóc, chỉ cần chú ý bón phân trong thời điểm cây bắt đầu ra hoa, đậu quả là đã cho năng suất, chất lượng tốt”. 

Nhờ mạnh dạn đầu tư nhà màng cùng hệ thống tưới nước sạch từ khe núi xuống, áp dụng quy trình sản xuất cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP, chỉ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hữu cơ, có sổ ghi nhật ký, theo dõi nghiêm ngặt quá trình phát triển và thực hiện cách ly bảo đảm thời gian trước khi thu hái... mà vườn cà chua của gia đình ông Mùi cho năng suất, chất lượng quả tốt, hạn chế sâu bệnh, quả chín đều, thu hái lần lượt từ gốc đến ngọn, thời gian thu hoạch kéo dài đến hơn 3 tháng, mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Từ thực tế rau màu là sản phẩm thiết yếu liên quan trực tiếp đời sống hàng ngày của người dân, huyện Mù Cang Chải đã chú trọng định hướng người dân tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển, mở rộng diện tích theo hướng sản xuất sạch, an toàn, chất lượng cao, bảo đảm ngoài phục vụ tốt nhu cầu tại chỗ, không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước mà còn hướng tới mục tiêu mở rộng ra thị trường ngoài nước trong thời gian tới. Qua đó, từng bước xây dựng uy tín, mở hướng đi bền vững cho cây trồng ngắn ngày của huyện.

Châu Á

Tags Mù Cang Chải rau màu dâu tây sản xuất mô hình kỹ thuật

Các tin khác
Đợt 1/2025 huyện Văn Yên phấn đấu thực hiện kiến cố hóa trên 66 km đường GTNT.

Những năm qua, với sự đồng lòng, chung sức của người dân, huyện Văn Yên đã huy động, lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện kiên cố hóa đường giao thông nông thôn (GTNT), góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng GTNT, tạo thuận lợi cho giao thương đi lại, thúc đẩy kinh tế - xã hổi của địa phương.

Tập đoàn Đèo Cả thi công xuyên lễ dịp 30/4-1/5 tại Dự án cao tốc cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và Hữu Nghị-Chi Lăng.

Nhà thầu tại các dự án giao thông trọng điểm đã huy động nhân lực, máy móc thiết bị thi công xuyên nghỉ lễ 30/4-1/5 nhằm đẩy nhanh tiến độ, đưa công trình về đích.

Kỳ điều hành giá xăng dầu sắp tới được thực hiện vào ngày 5/5.

Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương, kỳ điều hành giá xăng dầu vào thứ Năm tuần này trùng với dịp nghỉ Lễ quốc tế lao động, do đó sẽ được lùi vào ngày 5/5.

Giá vàng giảm mạnh từ cuối tuần trước đến nay.

Sáng nay (29/4), giá vàng trong nước tiếp đà giảm mạnh còn 119,5 triệu đồng/lượng vàng miếng SJC và 118,5 triệu đồng/lượng vàng nhẫn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục