Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Nếu không thể đàm phán được mức thuế hợp lý, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thu hẹp sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm của hơn 3,4 triệu lao động. Trong bối cảnh mới và để ứng phó với những thách thức của chính sách thuế quan, các DN Việt phải đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu (XK) sang các thị trường khác đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA).
Để hỗ trợ DN dệt may, bên cạnh những nỗ lực đàm phán cần đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể; nỗ lực đẩy nhanh tiến trình ký kết các FTA mới để khai thác các thị trường khác cũng rất tiềm năng như Canada là một điển hình. Đồng thời, ông Cẩm đề nghị cơ quan thương vụ thông tin thường xuyên tình hình thị trường, xu hướng mới nhất của người tiêu dùng Hoa Kỳ, tiến độ đàm phán chính sách thuế.
"Hiện các DN đang dồn sức hoàn thành đơn hàng trong 90 ngày Hoa Kỳ hoãn thuế, song DN rất cần thông tin mới nhất để đánh giá tình hình thị trường để quyết định có nên tiếp tục ký kết đơn hàng hay không", ông Cẩm nói và cho rằng, ngành dệt may cũng cần thông tin cụ thể về khả năng đẩy mạnh XK sang các thị trường tiềm năng, nhất là Nga, Brazil, Chile, Trung Đông…
Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia XK thủy sản lớn nhất vào Hoa Kỳ. Trong 90 ngày hoãn thuế của Hoa Kỳ, các DN đang chạy đua sản xuất. Mặc dù tin tưởng vào các giải pháp ứng phó của các cơ quan chức năng, song DN đối mặt nhiều lo ngại. Căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc có thể làm cho thủy sản XK của Trung Quốc dư thừa buộc phải bán ra trong nước khiến sức cầu với thủy sản Việt Nam giảm xuống, tác động mạnh tới XK thủy sản Việt Nam tới thị trường này.
Do đó, ông Nam kỳ vọng các cơ quan chức năng, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ ngành khơi thông các thị trường tiềm năng như Brazil, Australia, thị trường châu Mỹ La tinh; Hồng Kông; Trung Đông... tham gia các hội chợ lớn để DN có thể mở rộng thị trường.
Tương tự, bà Nguyễn Thúy Ly - Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cũng kiến nghị, Bộ Công Thương tổ chức các hội nghị XTTM chuyên sâu tại các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Nga; thường xuyên cảnh báo sớm về chính sách thương mại, thuế quan của nước sở tại. Ngoài ra, cung cấp thông tin về các dòng sản phẩm điện tử có nhu cầu sử dụng cao, những lưu ý để được XK sản phẩm điện tử, các danh mục có thể tiếp cận với DN ngành điện tử…
Bên cạnh đó, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng cho rằng, sự thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ và EU sẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến các DN XK da giày. Do đó, các DN trong ngành đã mở rộng XK sang một số thị trường ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông với tiềm năng tiêu dùng lớn và đa dạng. Ngoài ra, trong năm nay, ngành da giày vẫn tập trung XK sang những thị trường như châu Phi, châu Á, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… Các DN cũng bước đầu tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon… nhằm mở thêm kênh tiêu thụ.
Trên thực tế, XTTM được xác định là giải pháp quan trọng giúp khai mở và đa dạng thị trường, ổn định XK trong bối cảnh thương mại thế giới bất ổn. Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, thông qua Chương trình cấp quốc gia về XTTM, Cục đã tích cực hỗ trợ DN tham gia các hoạt động XTTM nhằm mở rộng thị trường. Trong đó, tập trung triển khai các hoạt động tại thị trường mới và tiềm năng như châu Mỹ La tinh, thị trường Halal, Ấn Độ, Nga và các nước Trung Đông.
Giao thương qua các hội chợ, triển lãm và giao thương quốc tế giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác mới.
Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Tăng cường hội chợ, triển lãm và giao thương quốc tế. Trong năm 2024, gần 6.000 lượt DN được hỗ trợ tham gia các hoạt động này, nhiều hợp đồng có giá trị được ký kết lên tới hàng chục triệu USD. Cục cũng cung cấp hơn 500 lượt tư vấn về thị trường, ngành hàng, giúp DN nắm bắt cơ hội ở các thị trường mới và lớn.
Song, công tác XTTM nói chung, xúc tiến XK nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế. Đáng kể nhất là nguồn lực hạn chế của DN. Phần lớn DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thiếu vốn và kinh nghiệm để tham gia các chương trình XTTM quy mô lớn, hoặc chưa có điều chỉnh nhanh chóng chiến lược kinh doanh trước những rào cản thuế quan. Do đó, để triển khai hiệu quả công tác XTTM trong bối cảnh mới, cần đa dạng hóa thị trường, XK cần hướng tới một số thị trường "đích".
Cụ thể, khu vực châu Á, tăng cường XK sang Ấn Độ, Hàn Quốc, ASEAN (như Indonesia, Malaysia); Trung Đông (Ả Rập Xê Út, UAE). Châu Mỹ La tinh khai thác các thị trường như Mexico, Brazil, Argentina - nơi có tiềm năng lớn nhưng chưa được tận dụng triệt để. Với thị trường Halal, đẩy mạnh XK sang các nước Hồi giáo (Indonesia, Pakistan, Bangladesh) với các sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn. Nga và Đông Âu tận dụng nhu cầu hàng hóa Việt Nam tăng cao do các lệnh trừng phạt đối với Nga, tập trung vào thực phẩm, thủy sản và hàng tiêu dùng.
Tận dụng các FTA, trong đó sử dụng các FTA giúp DN tiếp cận thị trường Canada, Australia, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, ASEAN để giảm chi phí thuế quan và tiếp cận thị trường với lợi thế cạnh tranh. Tiếp tục hỗ trợ DN tham gia các hội chợ lớn như Anuga (Đức), Sial (Pháp); Canton Fair (Trung Quốc), World Food Moscow hoặc Trade Expo Indonesia... để tìm kiếm đối tác mới. Tổ chức các gian hàng Việt Nam tại các sự kiện quốc tế với sự hỗ trợ về chi phí và logistics.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường XK thông qua các FTA nhất là các FTA thế hệ mới. Cùng với đó, kích thích nhu cầu nội địa thông qua các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Về phía DN, thương vụ khuyến nghị, DN cần nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước. Mặt khác, cộng đồng DN cũng cần tăng cường khả năng phục hồi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian tập trung một thị trường.
Liên quan đến công tác phòng vệ thương mại, ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, do các quốc gia bị áp thuế có thể tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại, gây áp lực cạnh tranh lớn hơn cho thị trường Việt Nam. Vì vậy, việc hợp tác đầy đủ với phía Hoa Kỳ trong quá trình cung cấp thông tin cho các vụ kiện thương mại cũng là điều quan trọng để bảo vệ lợi ích DN và tránh các rủi ro pháp lý.
(Theo CAND)