Đại Phác “bén rễ” cây dâu

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/5/2025 | 8:15:12 AM

YênBái - Triển khai Đề án “Phát triển trồng dâu nuôi tằm giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030” gắn với Nghị quyết phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững của huyện Văn Yên, xã Đại Phác đã tập trung quy hoạch, tận dụng hiệu quả tiềm năng đất nông nghiệp, áp dụng các giải pháp đồng bộ, đến nay, Đại Phác đã bước đầu hình thành vùng sản xuất dâu tằm với hơn 30 ha, thành lập một hợp tác xã, thu hút 40 hộ dân tham gia, mở ra hướng đi mới trong nâng cao thu nhập và giá trị canh tác cho người nông dân.

Lãnh đạo huyện Văn Yên và xã Đại Phác kiểm tra diện tích cây dâu của các hộ dân.
Lãnh đạo huyện Văn Yên và xã Đại Phác kiểm tra diện tích cây dâu của các hộ dân.


Về thôn Tân Thành những ngày này, dễ dàng cảm nhận được không khí rộn ràng, khẩn trương của người dân đang tất bật chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Nổi bật trong số đó là anh Phạm Văn Hoàn - một nông dân tiêu biểu, đôi mắt luôn ánh lên niềm vui khi giá kén tằm đang ở mức cao, mở ra hy vọng về một năm bội thu. Được biết, con đường lập nghiệp của anh không phải lúc nào cũng suôn sẻ. 

Gia đình anh từng chịu tổn thất nặng nề khi cơn bão số 3 năm 2024 quét qua. Với tinh thần "vượt bão hồi sinh”, anh Hoàn cùng gia đình nhanh chóng bắt tay khôi phục lại vườn dâu, tiếp tục gắn bó với nghề nuôi tằm.

Anh cho biết: "Hiện nay, gia đình tôi đang canh tác 2 ha dâu, chủ yếu là giống dâu lai cho năng suất cao. Ngoài ra, tôi còn đầu tư xây dựng nhà nuôi tằm rộng 300 m2, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng tằm. Mỗi năm, chúng tôi thu hoạch trên 2 tấn kén. Với giá bán như hiện tại, mô hình này mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, trung bình gần 400 triệu đồng mỗi năm”. 

Chị Hoàng Thị Mai ở thôn Đại Thắng là 1 trong 7 thành viên trong tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm chia sẻ: "Đồng đất Đại Phác rất phù hợp để cây dâu phát triển. Nhờ khí hậu thuận lợi, các thành viên trong tổ hợp tác có thể nuôi từ 8 - 10 lứa tằm mỗi năm, thậm chí 15 - 16 lứa nếu có nhà tằm đủ lớn để nuôi gối. So với trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm cho lợi nhuận cao hơn từ 3,5 - 4 lần, chi phí đầu tư cũng không lớn và thu hồi vốn nhanh”.

Thực hiện Nghị quyết của HĐND huyện Văn Yên cùng các văn bản chỉ đạo liên quan, xã Đại Phác xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Đề án trồng dâu nuôi tằm năm 2025. Kế hoạch đặt trọng tâm là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích mở rộng diện tích trồng dâu với các giống mới có năng suất cao. 

Song song với đó, xã cũng tập trung định hướng, hướng dẫn bà con tiếp cận tiến bộ khoa học, tận dụng các chính sách hỗ trợ để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng dâu nuôi tằm. 

Trên cơ sở đề án của huyện, xã Đại Phác đã đưa nội dung phát triển nghề dâu tằm vào nghị quyết của Đảng bộ, nghị quyết HĐND xã và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2026. 

Đồng chí Lê Quang Đạo - Bí thư Đảng ủy xã Đại Phác chia sẻ: "Chúng tôi đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ mở rộng thêm 30 ha dâu tại 5 thôn trên địa bàn. Người dân được khuyến khích lựa chọn giống dâu mới, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ khâu trồng đến chăm sóc nhằm đạt năng suất cao. Xã cũng chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng thu nhập cho nông dân, tạo việc làm tại chỗ, đồng thời thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm từ dâu và kén tằm”. 

Để hiện thực hóa mục tiêu này, xã Đại Phác đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trồng mới các giống dâu có năng suất cao trên những diện tích đất kém hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề về kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, kỹ năng phòng chống dịch bệnh và kỹ thuật nuôi tằm con tập trung. Người dân cũng được hướng dẫn sử dụng máy thái lá dâu nhằm nâng cao năng suất và ổn định sản lượng kén. 

Đại Phác hướng tới xây dựng các mô hình điểm trong nuôi tằm, ứng dụng công nghệ hiện đại, kiểm soát chặt chẽ chất lượng trứng giống, tằm con và hạn chế rủi ro trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, xã đã chủ động triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ trồng mới, xây dựng nhà nuôi tằm, mua sắm thiết bị... 

Các chính sách này đều được thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát và tham gia đầy đủ của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và chính người dân. Ở xã Đại Phác, nghề trồng dâu nuôi tằm đang có những bước tiến đáng kể. Toàn xã hiện có hơn 30 ha trồng dâu, 40 hộ nuôi tằm, 2 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã duy trì hoạt động trong lĩnh vực trồng dâu nuôi tằm.  

Để hướng tới mục tiêu phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm một cách bền vững, trong năm 2025, Đại Phác tập trung triển khai mô hình chuỗi liên kết theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, đồng thời mở rộng thêm 10,2 ha dâu. Cùng với đó, xã dự kiến đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng với việc xây dựng 14 nhà nuôi tằm lớn, 5 nhà tằm con, sửa chữa 3 nhà tằm và trang bị thêm 16 bộ né. 

Với mức lợi nhuận cao gấp 3,5 - 4 lần so với trồng lúa, ngô, kinh phí đầu tư không lớn, thời gian thu hồi vốn nhanh, mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Đây là nền tảng vững chắc để người dân yên tâm gắn bó với nghề, góp phần khẳng định trồng dâu nuôi tằm là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế nông thôn, không chỉ ở xã Đại Phác mà trong toàn huyện Văn Yên.

Trần Ngọc

Tags Đại Phác Văn Yên dâu tằm

Các tin khác
Người dân Mù Cang Chải nuôi ong dưới tán cây Sơn Tra.

Nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, huyện Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ mà còn là vùng đất có điều kiện lý tưởng để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Với khí hậu mát mẻ, hệ sinh thái rừng phong phú và nguồn hoa tự nhiên dồi dào, người dân nơi đây đang từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương, biến nghề nuôi ong thành hướng phát triển kinh tế mới theo hướng xanh và bền vững.

Giao thương qua các hội chợ, triển lãm và giao thương quốc tế giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác mới.

Mở rộng thị trường, khơi thông các thị trường tiềm năng, trọng điểm và hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại (XTTM) là những đề xuất liên tục được các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp (DN) đưa ra tại các cuộc họp giao ban XTTM với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức. Điều đó cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, việc kết nối thị trường, đẩy mạnh hoạt động XTTM là hoạt động hỗ trợ thiết thực đối với DN.

Sản xuất lắp ráp ô tô tại nhà máy của Công ty Ford Việt Nam (liên doanh giữa Tập đoàn Ô tô Ford Hoa Kỳ và Công ty Diesel Sông Công).

Sự kiện Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng đối với nhiều nước tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế, đầu tư toàn cầu. Trong đó, giới chuyên gia dự báo, hoạt động đầu tư quốc tế sẽ diễn biến khó lường theo xu hướng giảm trên bình diện rộng.

Người dân mua sắm tại hệ thống siêu thị Coopmart.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số quốc gia Đông Á-Thái Bình Dương. Triển vọng tăng trưởng cao hay thấp sẽ phụ thuộc một phần vào triển vọng tăng trưởng chung, nhưng quan trọng không kém là cách các quốc gia ứng phó với những bất ổn trên toàn cầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục