Yên Bái quyết liệt gỡ điểm nghẽn, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/5/2025 | 8:25:30 AM

YênBái - Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa then chốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái. Nhận thức rõ điều này, lãnh đạo tỉnh đang thể hiện quyết tâm cao độ, chỉ đạo sát sao triển khai các dự án, đặc biệt là các công trình hạ tầng trọng điểm, nhằm khơi thông dòng vốn, vượt qua các "điểm nghẽn" cố hữu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án Đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án Đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15).


Sát sao kiểm tra, đôn đốc dự án trọng điểm

Những ngày cuối tháng 4/2025, đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra thực địa, nắm bắt tình hình và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn tại các dự án trọng điểm. Tại Dự án Đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15), tiến độ giải ngân đến tháng 4/2025 còn rất chậm, mới đạt 6,16% kế hoạch vốn năm. 

Nhiều đoạn gặp khó khăn trong việc tiếp cận do địa hình phức tạp và vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB). Dự án Đường nối quốc lộ 32 với cao tốc (IC14), thì khá hơn, đạt 22,89% kế hoạch vốn năm. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất vẫn là GPMB khi còn tới 41/492 hộ chưa bàn giao mặt bằng. 

Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước đã đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, coi đây là mệnh lệnh yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương liên quan phải tập trung tối đa nguồn lực. Đồng chí yêu cầu các địa phương (huyện Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ) phải đẩy mạnh tuyên truyền, sớm hoàn tất thủ tục phê duyệt giá đất, giải quyết dứt điểm các vướng mắc GPMB và bảo vệ thi công nghiêm ngặt. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư tăng cường giám sát, đôn đốc nhà thầu, chủ động tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn về bãi đổ thải, đất rừng; còn các nhà thầu phải tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành mục tiêu giải ngân và tiến độ chung của các dự án.

Thực trạng giải ngân toàn tỉnh

Đến hết ngày 20/4, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt gần 20% kế hoạch năm. Cụ thể, tổng số vốn đã giải ngân là 1.072,2/5.445,8 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao. Đáng chú ý, phần kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp, tiến độ giải ngân khả quan hơn. Đến ngày 20/4, tỉnh đã giải ngân 969,9/4.257,4 tỷ đồng vốn giao, đạt tỷ lệ 22,8%. Tuy nhiên, giải ngân vẫn chậm so với tiến độ đề ra. Nổi cộm và phức tạp nhất vẫn là công tác GPMB đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp. 

Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: "Tại Dự án đường nối quốc lộ 32 vẫn còn 41 hộ dân có vướng mắc về mặt bằng. Tương tự, Dự án đường kết nối Mù Cang Chải - IC15 cũng gặp trở ngại trong phê duyệt giá đất cụ thể cho các bãi đổ thải và đường công vụ, các vị trí hạ lưu cống nằm ngoài phạm vi GPMB; tình trạng người dân ngăn cản thi công do các vấn đề đền bù đất đai ở một số đoạn tuyến…”. 

Thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cũng là một rào cản không nhỏ, với sự chậm trễ thường thấy trong các khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu và thanh quyết toán, nhất là đối với nguồn vốn ODA, quy trình giải ngân phải tuân thủ đồng thời các quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu từ phía nhà tài trợ. 

Về nguồn lực, việc lập kế hoạch vốn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu không ổn định từ đất đai, trong khi việc phân bổ vốn chi tiết đôi khi còn chậm, gây bị động cho các chủ đầu tư. Năng lực thực thi của một số cán bộ, đơn vị quản lý dự án và nhà thầu còn hạn chế, cùng với những biến động khó lường của giá cả vật liệu xây dựng, cũng góp phần làm chậm tiến độ chung của các dự án.

Giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Trước thực trạng giải ngân còn chậm và nhiều vướng mắc, tỉnh Yên Bái đang tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Trọng tâm là tăng cường sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh, gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, sở ngành và chủ đầu tư với kết quả giải ngân, đồng thời duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ công tác đặc biệt. Song song đó, tỉnh chú trọng tháo gỡ các nút thắt về thể chế và cải cách thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả Luật Đầu tư công (sửa đổi), đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đặc biệt là trong phê duyệt giá đất, rà soát cắt giảm các thủ tục không cần thiết trong GPMB và thanh quyết toán. 

Công tác GPMB được xác định là khâu đột phá, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường tuyên truyền, vận động, đối thoại để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về giá, nguồn gốc đất và xử lý nghiêm các trường hợp cản trở thi công. Tỉnh cũng linh hoạt trong điều hành vốn, thường xuyên rà soát để điều chuyển vốn kịp thời từ các dự án chậm sang các dự án cần vốn, xây dựng kịch bản giải ngân chi tiết. Cuối cùng, việc nâng cao năng lực thực thi được chú trọng thông qua tăng cường giám sát, hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu, nâng cao chất lượng khảo sát, thiết kế và yêu cầu các nhà thầu tập trung tối đa nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ.

Hùng Cường

Tags Yên Bái giải ngân vốn đầu tư công tiến độ dự án

Các tin khác
Không chỉ thừa nhận, Nghị quyết 68 còn trân trọng, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, khẳng định vai trò của doanh nhân là những người

Trong suốt gần 40 năm Đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào GDP, giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chưa bao giờ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ như trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, khi lần đầu tiên 'kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân'.

Giá xăng, dầu trong nước cùng giảm nhẹ trong kỳ điều hành sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Nông dân huyện Trấn Yên phát triển trồng dâu nuôi tằm

Năm 2025, huyện Trấn Yên triển khai thực hiện hỗ trợ 61 cơ sở chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa theo Nghị quyết số 69 của Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND) tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Dù còn một số thách thức khách quan, ngành công nghiệp của tỉnh vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, với động lực chính đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành chế biến, chế tạo và sản xuất, phân phối điện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục