Nền móng cho kỷ nguyên phát triển bền vững của kinh tế tư nhân

  • Cập nhật: Chủ nhật, 11/5/2025 | 7:04:13 AM

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (gọi tắt là Nghị quyết 68).

Nghị quyết số 68-NQ/TW sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn. (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Bảo Minh, Nam Định)
Nghị quyết số 68-NQ/TW sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn. (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Bảo Minh, Nam Định)

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tổng điều hành hệ sinh thái DVL Ventures khẳng định: Nếu được triển khai đúng tinh thần và đến nơi đến chốn, Nghị quyết 68 sẽ là cột mốc quan trọng, đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển bền vững và tự chủ của kinh tế tư nhân Việt Nam.

 Luật sư Nguyễn Hồng Chung.
Luật sư Nguyễn Hồng Chung.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về Nghị quyết 68 vừa được Bộ Chính trị ban hành?

Luật sư Nguyễn Hồng Chung: Tôi cho rằng, Nghị quyết 68 đánh dấu một bước ngoặt cải cách sâu sắc. Nó không chỉ tiếp nối tinh thần đổi mới từ năm 1986 mà còn nâng tầm tư duy phát triển kinh tế quốc gia lên một giai đoạn mới. Quan trọng hơn, nghị quyết thể hiện một chuyển hóa mang tính lịch sử trong cách thức quản trị và xây dựng thể chế, đặc biệt với khu vực tư nhân - thành phần vốn giữ vai trò quan trọng nhưng lâu nay chưa được công nhận đầy đủ.

PV: Liệu có thể nói Nghị quyết 68 mang tính "cách mạng thể chế” cho kinh tế tư nhân không, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Hồng Chung: Tôi hoàn toàn đồng tình. Nếu công cuộc đổi mới năm 1986 là cuộc cách mạng về tư duy kinh tế vĩ mô thì Nghị quyết 68 là cuộc cách mạng thể chế từ bên trong bộ máy.

Lần đầu tiên, chúng ta thấy một mối quan hệ mới được xác lập: Nhà nước không còn là người "quản lý”, mà là người đồng hành, kiến tạo, phục vụ; doanh nghiệp không phải đối tượng quản lý, mà là đối tác phát triển. Nghị quyết 68 là một bản tuyên ngôn cải cách, đặt nền móng cho kỷ nguyên phát triển bền vững, tự chủ và có bản sắc của kinh tế tư nhân Việt Nam.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, cần có sự vào cuộc thực chất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, và hơn hết, doanh nghiệp tư nhân cũng phải tự thay đổi: Minh bạch, chuyên nghiệp và vươn tầm quốc tế. Nếu được triển khai đúng tinh thần và đến nơi đến chốn, Nghị quyết 68 sẽ là cột mốc quan trọng, đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển bền vững và tự chủ của kinh tế tư nhân Việt Nam.

PV: Điểm thay đổi nào theo ông là đáng chú ý nhất?

Luật sư Nguyễn Hồng Chung: Lần đầu tiên, Bộ Chính trị xác định kinh tế tư nhân "là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia” - một bước tiến lớn so với các văn kiện trước đây. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% GDP, hơn 30% thu ngân sách và hơn 80% việc làm. Việc chính thức khẳng định vai trò trung tâm ấy không chỉ là sự ghi nhận mà còn là một cam kết chính trị rõ ràng về việc đồng hành và thúc đẩy phát triển toàn diện khu vực này.

PV: Nghị quyết cũng chỉ rõ nhiều rào cản khiến kinh tế tư nhân chưa phát huy được hết tiềm năng. Ông bình luận gì về điều đó?

Luật sư Nguyễn Hồng Chung: Đây là một trong những điểm tôi rất trân trọng. Nghị quyết 68 là một dạng "tự phê bình ở cấp cao”. Lần đầu tiên, Đảng thẳng thắn chỉ rõ những rào cản tồn tại lâu nay: Định kiến, cơ chế "xin-cho”, chi phí tuân thủ cao và sự bất bình đẳng trong tiếp cận đất đai, vốn, công nghệ, nhân lực... Không dừng lại ở đó, nghị quyết còn sử dụng những khái niệm rất mới và mạnh mẽ như: "Xóa bỏ triệt để" định kiến về kinh tế tư nhân; xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; trao quyền sở hữu và quyền cạnh tranh thực chất. Đây không chỉ là ngôn từ chính trị mà thực sự là một lời hiệu triệu mang tính cải cách sâu sắc.

PV: Một nội dung rất nổi bật là chuyển đổi vai trò của Nhà nước từ "quản lý” sang "kiến tạo và phục vụ”. Ông nghĩ gì về nội dung này?

Luật sư Nguyễn Hồng Chung: Đây là bước ngoặt tư duy về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Nghị quyết yêu cầu rất rõ: Cắt giảm ít nhất 30% thời gian và chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp trong năm 2025; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; thực hiện đúng tinh thần: Doanh nghiệp được làm mọi thứ mà pháp luật không cấm, thay cho tư duy "không quản được thì cấm”. Đây là những chỉ dấu của một cuộc cải cách thể chế thật sự chứ không chỉ là cải cách hành chính đơn thuần.

PV: Các mục tiêu cụ thể về số lượng doanh nghiệp và tỷ trọng GDP có lẽ cũng thể hiện quyết tâm chính trị rõ ràng?

Luật sư Nguyễn Hồng Chung: Nghị quyết đặt ra các mục tiêu rõ ràng, có tầm nhìn dài hạn: Đến năm 2030, có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp khoảng 55-58% GDP; đến năm 2045, có 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp hơn 60% GDP, đạt năng lực cạnh tranh toàn cầu. Không chỉ là tăng về lượng mà là hướng đến chất lượng phát triển, năng lực hội nhập và bản sắc riêng của doanh nghiệp Việt Nam.

PV: Theo ông, đâu là những giải pháp đáng chú ý nhất trong nghị quyết?

Luật sư Nguyễn Hồng Chung: Khác với một số văn kiện trước đây thường nặng về định hướng, Nghị quyết 68 đưa ra một hệ giải pháp thực chất, rõ ràng và toàn diện.

Ví dụ: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp chính danh; mở rộng khả năng tiếp cận vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân - doanh nghiệp tư nhân-doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); cải cách pháp luật dân sự, hình sự, hạn chế hình sự hóa quan hệ kinh tế; bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và xử lý nghiêm hành vi lạm quyền, thanh tra tràn lan gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Nếu được thực thi quyết liệt, tôi tin rằng khu vực kinh tế tư nhân sẽ có cú hích bứt phá, đóng góp lớn hơn nữa vào các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh của đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(Theo QĐND)

Các tin khác
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Sáng 10/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình triển khai các dự án và đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.

Ảnh minh họa

Theo EVN, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành ấn nút khai trương đường bay thẳng

Tối 9/5 (theo giờ địa phương), dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, Hãng hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) đã tổ chức Lễ công bố đường bay thẳng giữa Hà Nội và Moscow.

Nhiều khu tái định cư vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng trong thời gian qua

Tỉnh Yên Bái có gần 7.900 hộ dân sống trong vùng nguy cơ ảnh hưởng thiên tai, nhiều khu tái định cư đã và đang được xây dựng để ổn định cuộc sống người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục