Yên Bái hướng đến nền lâm nghiệp hiện đại, bền vững, giá trị cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/5/2025 | 1:44:23 PM

YênBái - Với tiềm năng lâm nghiệp to lớn, Yên Bái đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số (CĐS) để khai thác bền vững nguồn tài nguyên rừng. Những nỗ lực này không chỉ bảo vệ hiệu quả "lá phổi xanh", mà còn gia tăng giá trị cho lâm sản, đáp ứng thị trường hiện đại.

Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh.


Trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Yên Bái, ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã làm rõ hơn về hành trình số hóa đầy ấn tượng này. 

P.V: Thưa ông, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ứng dụng công nghệ số để hiện đại hóa công tác quản lý rừng và cải cách thủ tục hành chính ra sao?

Ông Kiều Tư Giang: Chúng tôi nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của khoa học công nghệ và CĐS trong nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều công cụ đắc lực đã được đưa vào ứng dụng. Nổi bật là Hệ thống theo dõi diễn biến tài nguyên rừng (FRMS) và Phần mềm phát hiện sớm cháy rừng (PHSCR). FRMS giúp chúng tôi thu thập, cập nhật dữ liệu rừng liên tục và chính xác, trong khi PHSCR xử lý ảnh vệ tinh để cảnh báo nguy cơ cháy rừng theo thời gian thực. 

Việc ứng dụng đồng bộ hai hệ thống này giúp theo dõi chặt chẽ diễn biến rừng, nhanh chóng phát hiện những thay đổi hoặc nguy cơ cháy để kịp thời kiểm tra, xác minh và ứng phó. Hiệu quả ban đầu cho thấy, thời gian phát hiện sự cố rừng giảm đáng kể, nâng cao khả năng phản ứng nhanh với các tình huống khẩn cấp. 

Bên cạnh đó, chúng tôi đang triển khai Hệ thống iTwood làm cơ sở dữ liệu trung tâm quản lý thông tin về mã vùng trồng rừng, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc gỗ theo thời gian thực. Hệ thống này ứng dụng điện toán đám mây và mã QR, có thể tích hợp với Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORMIS). Tỉnh đang thí điểm cấp mã số vùng trồng tại huyện Yên Bình và Lục Yên. 

Lũy kế đến nay, đã cấp mã cho trên 1.697 ha rừng trồng nguyên liệu với 1.600 mã số. Duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả của các phần mềm này là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Công nghệ bản đồ số và giải đoán ảnh vệ tinh độ phân giải cao cũng được khai thác hiệu quả, đặc biệt hữu ích trong kiểm tra hiện trạng rừng, xác định chính xác diện tích rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc diện tích bị thiệt hại do vi phạm, nhất là tại các khu vực địa hình phức tạp. 

Song song với chuyên môn, CĐS còn là trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, hướng tới phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, xây dựng chính phủ số. Chi cục đã hoàn thành rà soát và đề xuất danh mục đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đang tích cực phối hợp hoàn thiện để sớm đưa lên Cổng dịch vụ công tỉnh. Mục tiêu là tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí đi lại (đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa), tăng tính công khai, minh bạch. 

Trong 4 tháng đầu năm, Chi cục đã tiếp nhận và xử lý 21 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, tất cả đều bảo đảm đúng thời gian quy định. Để hỗ trợ người dân, đơn vị đã xây dựng các hướng dẫn chi tiết và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương. Hoàn thiện cung cấp thông tin và tạo tài khoản cho cán bộ trên nền tảng "Bàn làm việc số". Đây là bước quan trọng trong lộ trình CĐS nội bộ.

P.V: Việc ứng dụng công nghệ chắc hẳn đi kèm không ít khó khăn. Chi cục đã đối mặt với những thách thức nào và có giải pháp gì để vượt qua, thưa ông?

Ông Kiều Tư Giang: Đúng vậy, ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả nhưng cũng đi kèm nhiều khó khăn. Đó là: hạn chế tài chính cho đầu tư thiết bị, kỹ năng cán bộ chưa đồng đều, hạ tầng vùng sâu, vùng xa yếu, phối hợp liên ngành và nhận thức của người dân cần nâng cao. Để vượt qua, chúng tôi triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, chúng tôi tích cực tranh thủ các nguồn vốn ; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công nghệ thông tin cho cán bộ; xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng và quy trình quản lý dữ liệu. 

Song song đó, chúng tôi tăng cường phối hợp liên ngành, huy động cộng đồng và tuyên truyền, vận động người dân tham gia ứng dụng công nghệ. Cuối cùng, nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa số trong toàn đơn vị. Ứng dụng công nghệ là quá trình liên tục, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm. Bằng việc nhận diện thách thức và triển khai giải pháp, Chi cục từng bước nâng cao hiệu quả công tác, góp phần phát triển bền vững địa phương.

P.V: Chi cục Kiểm lâm tỉnh có những định hướng, kế hoạch cụ thể nào để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và CĐS, hướng tới nền lâm nghiệp hiện đại, bền vững, giá trị cao, thưa ông?

Ông Kiều Tư Giang: Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và CĐS, hướng tới nền lâm nghiệp hiện đại, bền vững, giá trị cao, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái bám sát các định hướng, đồng thời, tập trung  đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: hoàn thiện FRMS, PHSCR, ứng dụng viễn thám/GIS, nghiên cứu flycam/thiết bị hiện trường. 

Song song với đó là phát triển hạ tầng số và xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, chuẩn hóa, cùng với nâng cấp hạ tầng kỹ thuật. Công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là ưu tiên hàng đầu, thông qua đào tạo, tập huấn kỹ năng, xây dựng đội ngũ nòng cốt, và nâng cao nhận thức về CĐS. 

Ngoài ra, chúng tôi sẽ đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn người dân sử dụng (nhất là vùng nông thôn, dân tộc thiểu số). Cuối cùng, tăng cường hợp tác, chia sẻ dữ liệu với các sở, ban, ngành, địa phương khác. Những định hướng này khẳng định quyết tâm của Chi cục trong  ứng dụng công nghệ số hiệu quả để bảo vệ vững chắc tài nguyên rừng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống người dân gắn bó với rừng theo hướng bền vững.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Văn Thông (Thực hiện)

Tags Yên Bái lâm nghiệp

Các tin khác
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước kiểm tra tiến độ một số công trình trọng điểm.

Thời gian đang đếm ngược tới những mốc son lớn: kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh 2/9. Trên từng công trường, khí thế vẫn bừng bừng. Mỗi công trình hoàn thành không chỉ là một cột mốc vật chất mà là bản tuyên ngôn kiêu hãnh cho một nhiệm kỳ dám nghĩ, dám làm, hành động quyết liệt vì nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Trà - thôn Khau Vi, xã An Phú đã thành công với mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.

Từ mảnh đất cằn cỗi và những bãi cỏ hoang sơ nơi vùng hồ rộng lớn, người dân xã An Phú, huyện Lục Yên đã tạo nên những “ốc đảo” giàu có. Họ thắp sáng giấc mơ no ấm bằng chính đôi tay và sự bền bỉ trước thiên nhiên khắc nghiệt. Những hòn đảo từng chỉ có cỏ dại, nay trở thành những mô hình kinh tế bền vững, hiệu quả - minh chứng sống động cho sức mạnh của con người trong việc thích ứng và phát triển.

Ngày hội tuyển dụng của GO! Yên Bái đã thu hút trên 400 hồ sơ, tham gia ứng tuyển ở rất nhiều vị trí việc làm.

Ngày 18/5, tại tỉnh Yên Bái, Tập đoàn Central Retail Việt Nam và Ban lãnh đạo Hệ thống siêu thị GO! miền Bắc tổ chức Ngày hội tuyển dụng nhằm chuẩn bị cho sự kiện khai trương Đại siêu thị GO! Yên Bái trong thời gian tới.

Giá vàng kết thúc tuần giảm.

Giá vàng hôm nay 18/5/2025 trên thế giới kết thúc tuần giữ được mốc 3.200 USD/ounce, sau nhiều lần điều chỉnh giảm mạnh. Trong nước, giá vàng miếng SJC tiếp tục lao dốc, về 118,5 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục