YênBái - Trong bối cảnh kinh tế thế giới liên tục biến động do bất ổn địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng và chính sách thuế quan thay đổi từ các thị trường lớn như: Mỹ, Trung Quốc, châu Âu; việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, các ngành chức năng, các doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực vượt khó để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
|
Công ty TNHH Dafu Stone Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp để ứng phó với những biến động của thị trường.
|
Công ty TNHH Dafu Stone Việt Nam là doanh nghiệp sản xuất đá thạch anh nhân tạo có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp phía Nam. Mới đi vào hoạt động từ tháng 6/2024, Công ty đã nhanh chóng ổn định sản xuất và xuất khẩu những đơn hàng đầu tiên vào tháng 11/2024. Từ đó đến nay, Công ty luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao với sản lượng xuất khẩu trung bình gần 11.000m³ sản phẩm mỗi tháng; trong đó, thị trường Mỹ chiếm đến 98%.
Tuy nhiên, "cái bóng lớn” từ thị trường Mỹ cũng chính là một thách thức khi quốc gia này công bố có khả năng áp dụng mức thuế chống bán phá giá mới đối với các sản phẩm nhập khẩu đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam trong năm 2025.
Ngay khi nhận thấy dấu hiệu rủi ro, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền tỉnh Yên Bái, đặc biệt là Sở Công Thương và Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh để nắm bắt nhanh các diễn biến từ cơ quan xúc tiến thương mại, thương vụ Việt Nam tại Mỹ và các tham tán thương mại. Trên cơ sở đó, Dafu Stone đã triển khai hàng loạt giải pháp như: nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, kiểm soát xuất xứ nguyên liệu; làm việc lại với đối tác để phân kỳ đơn hàng, điều chỉnh điều khoản hợp đồng; tìm kiếm và tiếp cận thị trường mới để đa dạng hóa đầu ra. Cùng với đó, việc Mỹ giãn thời gian áp thuế mới được xem là "cơ hội vàng" giúp doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị chiến lược đối phó hiệu quả.
Ông Zang Zhu Zhong - Giám đốc Công ty TNHH Dafu Stone Việt Nam cho biết: "Chúng tôi rất lo lắng khi nhận được thông tin từ các đối tác phía Mỹ về việc áp thuế mới. Đơn hàng, hợp đồng, vận chuyển - tất cả đều có nguy cơ bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. Tuy nhiên, điều tích cực là phía Mỹ đã thông báo lùi thời gian áp dụng mức thuế mới, giúp doanh nghiệp có khoảng đệm quan trọng để phản ứng kịp thời. Thời gian này, chúng tôi đã đưa ra nhiều biện pháp để ứng phó với tình hình biến động của thị trường. Tôi rất cảm ơn và đánh giá cao vai trò đồng hành của tỉnh Yên Bái trong việc chủ động cung cấp thông tin, hỗ trợ chúng tôi kết nối với các chuyên gia tư vấn pháp lý và thuế quan; đồng thời, giới thiệu cơ hội xúc tiến thương mại tại các thị trường mới”.
Cùng chung chiến lược không ngừng đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường mới, Công ty TNHH Nasaki Việt Nam - một trong những đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng theo định hướng phát triển xanh trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang dần tạo được chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Với hàng chục dòng sản phẩm vật liệu xây dựng đủ các thể loại Công ty không chỉ là đối tác của nhiều tập đoàn lớn trong nước mà đã phát triển ra nhiều thị trường khu vực như Trung Quốc, Thái Lan - những thị trường có sức tiêu thụ lớn nhưng cũng đầy biến động. Trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, bên cạnh đầu tư cải tiến dây chuyền công nghệ, chuẩn hóa quy trình sản xuất, việc không ngừng tìm tòi áp dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ AI trong mở rộng mạng lưới tiêu thụ quốc tế với chiến lược "đa thị trường" đã giúp Công ty ổn định sản lượng và giảm thiểu rủi ro.
Bà Nguyễn Thị Khuyên - Giám đốc Công ty TNHH Nasaki Việt Nam cho biết: "Năm 2025, thị trường trong nước và quốc tế sẽ có rất nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, chúng tôi xác định biến thách thức thành thời cơ. Về thị trường, chúng tôi sẽ chinh phục những thị trường mới như: Nhật Bản và Hàn Quốc. Chúng tôi cũng tập trung nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo để khách hàng có trải nghiệm tốt khi sử dụng sản phẩm”.
Những nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu trong chủ động, linh hoạt điều hành sản xuất, nắm bắt cơ hội thị trường, thích ứng với sự biến động của tình hình quốc tế, giảm sự rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh đã góp phần bảo đảm sự tăng trường theo mục tiêu đã đề ra. Nhờ vậy, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Yên Bái không chỉ duy trì tăng trưởng ổn định, từng bước khẳng định vị thế của tỉnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn đóng góp tích cực vào nâng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Theo thống kê của Sở Công Thương, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt trên 270 triệu USD. Ngay trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 120 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2024, bằng 24%kế hoạch năm 2025. Động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu đến từ các mặt hàng chủ lực như nông sản (quế, chè, tinh bột sắn), khoáng sản chế biến, vật liệu xây dựng, may mặc và đá thạch anh nhân tạo. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI có tổng doanh thu trong quý I đạt trên 800 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 65 tỷ đồng.
|
Mạnh Cường
Tags
Yên Bái
doanh nghiệp
đầu tư
tăng trưởng
xuất khẩu
Sáng 20/5, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung tại Yên Bái trong những năm qua đã thể hiện nỗ lực lớn của tỉnh nhằm cải thiện đời sống người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để những công trình trị giá hàng trăm tỷ đồng này thực sự phát huy hiệu quả đang là bài toán cấp thiết, đòi hỏi những giải pháp căn cơ và sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
Những năm qua, công tác giảm nghèo tại huyện vùng cao Mù Cang Chải được Đảng bộ, chính quyền đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả bằng những chương trình, dự án hỗ trợ tạo sinh kế, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo tại đây đã có điều kiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống gia đình ổn định.
Với gần 90% tỷ lệ đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết (NQ) về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) nhằm gỡ bỏ rào cản, thể chế cản trở sự phát triển, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), theo tinh thần NQ số 68-NQ/TW. Để hiện thực hóa NQ, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự giám sát của xã hội.