Mù Cang Chải báo hiệu mùa ngô nương bội thu

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/5/2025 | 8:21:19 AM

YênBái - Những ngày đầu tháng 5, dọc theo quốc lộ 32 từ xã Cao Phạ về các xã khu IV huyện vùng cao Mù Cang Chải, dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà con nông dân tập trung chăm sóc ngô vụ xuân hè. Trên những triền đồi thoai thoải, nương ngô trải dài xanh mướt, báo hiệu một mùa vụ đầy hứa hẹn.

Nông dân huyện Mù Cang Chải vun gốc, làm cỏ cho cây ngô vụ xuân hè 2025.
Nông dân huyện Mù Cang Chải vun gốc, làm cỏ cho cây ngô vụ xuân hè 2025.


Vụ ngô xuân hè năm 2025 được xác định là vụ chính trong năm, có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm sản lượng và nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi. Ngay từ đầu vụ, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo sát sao, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương với tổng diện tích gieo trồng toàn huyện lên tới 4.250 ha. 

Trong đó, 13/13 xã và thị trấn đều đồng loạt triển khai xuống giống với cơ cấu giống chủ lực gồm: CP511, CP512, CP519, AG59, NK4300, NK6253… cùng các giống ngô nếp, ngô tẻ bản địa có chất lượng cao như: MX4, MX6, MX10. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân ở nhiều bản làng đã huy động nhân lực làm cỏ, bón phân, vun gốc cho ngô… những việc làm quan trọng giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. 

Tại xã Púng Luông - một trong những địa phương có diện tích ngô lớn của huyện, bà con đang tập trung chăm sóc cho 105 ha ngô với nhiều giống năng suất cao như: CP511, CP519, AG59. 100% diện tích ngô của xã được bà con thâm canh 2 vụ mỗi năm. 

Chị Giàng Thị Bla, người dân bản Nả Háng Tủa Chử cho biết: "Nhà mình trồng gần 1ha ngô giống CP511. Mấy hôm nay trời nắng nhà mình bảo nhau lên nương làm cỏ, bón phân và chăm sóc ngô theo hướng dẫn của cán bộ. Đây là giai đoạn quan trọng, nếu chăm sóc tốt thì cây ngô sẽ phát triển nhanh, ít sâu bệnh”. 

Bên cạnh việc vun xới, bón phân, nông dân trong xã còn chú trọng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình bảo đảm hỗ trợ cho cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ đó, năng suất, sản lượng ngô của xã Púng Luông không ngừng tăng qua từng vụ. Ngô trở thành cây cho thu nhập chính của nhiều hộ dân trong xã. 

Theo ông Thào A Páo - Chủ tịch UBND xã Púng Luông, thời tiết hiện nay khá thất thường, ban ngày nắng nóng, chiều lại có mưa giông, là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh như: đục thân, đốm lá, héo ngọn phát sinh. "Cán bộ xã đã khuyến cáo bà con thường xuyên kiểm tra nương ngô, nếu phát hiện sâu bệnh thì thông báo ngay để được hướng dẫn phun thuốc đúng kỹ thuật, tránh để lây lan. Đồng thời, bà con tranh thủ thời tiết nắng ráo để bón thúc, vun xới kịp thời…” - ông Páo nhấn mạnh.

Không chỉ tập trung chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, bà con nông dân huyện Mù Cang Chải còn có ý thức cao trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho cây trồng và môi trường. Các cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện cũng thường xuyên bám sát cơ sở, hỗ trợ người dân từ khâu làm đất, chọn giống đến kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh. 

Ông Hoàng Văn Hân - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mù Cang Chải nhận định: "Nhờ gieo trồng đúng thời vụ, sử dụng giống tốt và thực hiện chăm sóc bài bản nên hiện nay cây ngô phát triển rất tốt, không có hiện tượng thiếu nước hay sâu bệnh gây hại trên diện rộng. Nếu tiếp tục giữ vững tiến độ và kỹ thuật như hiện nay, đến trung tuần tháng 7, toàn huyện sẽ bước vào thu hoạch, hứa hẹn một vụ mùa đạt năng suất cao”. 

Với đặc thù là huyện vùng cao, điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn, song trong những năm qua, người dân Mù Cang Chải đã dần hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, lựa chọn cây trồng phù hợp, đầu tư thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Cây ngô không chỉ là nguồn lương thực thiết yếu mà còn là nguyên liệu quan trọng phục vụ chăn nuôi - một ngành đang phát triển mạnh tại huyện vùng cao này.

Việc tích cực chăm sóc ngô vụ xuân hè 2025 cho thấy tinh thần chủ động, sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm của nông dân Mù Cang Chải. Đây là tiền đề quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, phát triển chăn nuôi bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao.

Hồng Duyên

Tags Mù Cang Chải ngô

Các tin khác
Sản xuất, chế biến măng xuất khẩu tại Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên.

Tỉnh Yên Bái đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" thuần túy sang "kinh tế nông nghiệp" toàn diện. Những mô hình sản xuất hiệu quả, cùng với các định hướng, giải pháp đồng bộ đang từng bước khẳng định hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và nâng cao đời sống người dân.

Toàn cảnh khu tái định cư Hồng Nhì Pá.

Trận lũ kinh hoàng xảy ra ngày 5/8/2023 làm cho nhiều hộ dân ở bản Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải bị sập trôi hoàn toàn nhà ở và tài sản; cây cối, ruộng nương bị đất vùi lấp, không còn tư liệu sản xuất. Nhờ sự giúp đỡ của tỉnh, huyện, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân địa phương, đến nay, cuộc sống của các hộ dân bị ảnh hưởng đã ổn định, tích cực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất giúp cá nhân, đơn vị sớm triển khai công trình trên đất.

Năm 2025, huyện Văn Yên tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai tuyến đường sắt trọng điểm

Chiều tối 20-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt - đã chủ trì họp với các bộ, ngành, cơ quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục